Bộ Xây dựng triển khai Luật PCCC&CNCH: Làm rõ trách nhiệm, tăng cường phân cấp kiểm tra

Bộ Xây dựng triển khai Luật PCCC&CNCH: Làm rõ trách nhiệm, tăng cường phân cấp kiểm tra
17 giờ trướcBài gốc
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Đây là một trong những hoạt động quan trọng nhằm phổ biến, làm rõ các nội dung mới trong Luật PCCC&CNCH, đồng thời tháo gỡ những vướng mắc thực tiễn khi triển khai tại các địa phương và cơ sở.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Luật PCCC&CNCH 2024 có 13 điểm mới
Luật PCCC&CNCH số 55/2024/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025, gồm 8 Chương, 55 Điều.
So với Luật PCCC 2013, Luật PCCC&CNCH 2024 đã giảm 1 chương và 13 Điều, trong đó bãi bỏ 24 nội dung; sửa đổi, bổ sung, quy định mới 52 nội dung với 13 nhóm vấn đề lớn.
13 điểm mới của Luật PCCC&CNCH 2024
- Bổ sung quy định về công tác CNCH trong văn bản Luật.
- Bổ sung các quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động PCCC&CNCH.
- Bổ sung quy định cụ thể, rõ ràng hơn về yêu cầu PCCC khi lập, điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch đô thị và nông thôn.
- Điều chỉnh các quy định của Luật hiện hành liên quan đến hoạt động thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC.
- Bổ sung các quy định cụ thể, bao quát hơn về điều kiện an toàn PCCC đối với cơ sở, nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh.
- Bổ sung các quy định về an toàn PCCC điện trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh.
- Bổ sung các quy định cụ thể, bao quát hơn về hoạt động chữa cháy.
- Bổ sung các quy định nhằm xây dựng và củng cố lực lượng PCCC&CNCH.
- Bãi bỏ các quy định liên quan đến kinh doanh dịch vụ PCCC.
- Sửa đổi các quy định liên quan đến việc quản lý phương tiện về PCCC.
- Bổ sung các quy định về chế độ, chính sách đối với người được huy động, người tham gia chữa cháy, CNCH và lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH.
- Bổ sung quy định về việc xử lý đối với các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC&CNCH có hiệu lực.
- Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực PCCC&CNCH.
Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ môi trường và Vật liệu xây dựng Lê Minh Long chỉ ra những điểm mới của Luật PCCC&CNCH 2025.
Luật PCCC&CNCH 2024 tăng cường phân cấp, phân quyền cho chính quyền các cấp, nhất là trong công tác thẩm duyệt, nghiệm thu và kiểm tra an toàn PCCC của công trình xây dựng, qua đó làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCC&CNCH, nâng cao tính chủ động của các địa phương.
Nghị định số 105/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC&CNCH có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, bao gồm 8 chương, 47 Điều và 7 phụ lục.
Nghị định hướng dẫn 20 nhóm nội dung Luật PCCC&CNCH giao Chính phủ quy định chi tiết thi hành như sửa đổi, bổ sung các quy định về danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ; Quy định về nội quy PCCC, CNCH; Hồ sơ về PCCC, CNCH; Quy định chi tiết yêu cầu về PCCC khi lập, điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch; Quy định về thẩm định, kiểm tra công tác nghiệm thu của các cơ quan quản lý chuyên ngành…
Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành kiểm tra công trình do Bộ đầu tư
Hướng dẫn thẩm định thiết kế PCCC của cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định của pháp luật về PCCC&CNCH, đại diện Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, đối với thẩm quyền thẩm định thiết kế về PCCC, cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều 16 của Luật PCCC&CNCH khi thực hiện thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở.
Đối với bước thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, cơ quan công an thẩm định các nội dung quy định tại điểm e, g khoản 1 Điều 16 của Luật PCCC&CNCH.
Chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình tổ chức thẩm định các nội dung đối với công trình không thuộc diện phải thẩm định thiết kế về PCCC của cơ quan công an và cơ quan chuyên môn về xây dựng.
Đối với bước thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, ngoài các thành phần hồ sơ theo quy định của pháp luật về xây dựng, Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng còn bao gồm thuyết minh và bản vẽ thiết kế về PCCC theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 6 Nghị định số 105/2025/NĐ-CP.
Đối với thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, ngoài các thành phần hồ sơ theo quy định của pháp luật về xây dựng, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở còn bao gồm thuyết minh và bản vẽ thiết kế về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 6 Nghị định số 105/2025/NĐ-CP…
Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành sẽ kiểm tra công tác nghiệm thu về PCCC tại các công trình do Bộ quyết định đầu tư thuộc chuyên ngành quản lý và các công trình được Thủ tướng Chính phủ giao.
Ví dụ, Bộ Xây dựng kiểm tra công trình dân dụng, công trình giao thông; Bộ Công Thương kiểm tra công trình công nghiệp; Bộ Nông nghiệp và Môi trường kiểm tra công trình thủy lợi, đê điều…
Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng Hoàng Hải chia sẻ về nội dung hướng dẫn tổ chức thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu về PCCC thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Xây dựng.
Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện kiểm tra tất cả các loại công trình với mọi cấp có sử dụng vốn đầu tư công theo quy định tại Nghị định 06/2021/NĐ-CP; Công trình có ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng theo quy định tại Nghị định 144/2025/NĐ-CP.
Cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu các công trình của dự án đầu tư lấn biển hoặc hạng mục lấn biển của dự án đầu tư theo quy định tại Nghị định số 102/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.
Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, phương tiện thuộc giao thông phạm vi của Luật PCCC&CNCH bao gồm: Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường sắt, phương tiện thủy nội địa, tàu biển được sản xuất, lắp ráp, đóng mới, hoán cải để vận tải hành khách, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ. Trường hợp là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vận tải hành khách thì phải trên 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe).
Theo quy định của Luật, các phương tiện phải được kiểm tra về PCCC; thẩm định thiết kế (giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan; giải pháp bảo đảm an toàn PCCC cho hệ thống cung cấp năng lượng, nhiên liệu và động cơ...); kiểm tra nghiệm thu; đảm bảo điều kiện PCCC khi hoạt động.
Các chủ phương tiện có trách nhiệm tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, thẩm định thiết kế, thi công và giám sát thi công, nghiệm thu, xây dựng nội quy PCCC, duyệt phương án PCCC, tự kiểm tra định kỳ.
Tăng cường phối hợp liên ngành kiểm tra về PCCC
Tại Hội nghị, các Sở Xây dựng đồng thuận cao với việc triển khai Luật PCCC&CNCH, đồng thời đề nghị tiếp tục hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC.
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất các nội dung về tăng cường quản lý các trạm sạc điện; rà soát nội dung thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu về PCCC; phân định rõ trách nhiệm của Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch - Kiến trúc trong công tác PCCC…
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội phát biểu tại Hội nghị.
Đại diện Sở Xây dựng TP.HCM nêu ra vấn đề phân cấp, phân quyền cho cấp xã trong công tác PCCC; tăng cường năng lực chuyên môn cho cán bộ địa phương về PCCC&CNCH; làm rõ quy trình, quy chế phối hợp giữa cơ quan chuyên môn về xây dựng và lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH…
Cũng tại Hội nghị, đại diện Cục Cảnh sát PCCC&CNCH (Bộ Công an) đã chia sẻ một số kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình thực hiện công tác thẩm duyệt thiết kế, kiểm tra kết quả nghiệm thu về PCCC.
Để nâng cao hiệu quả trong công tác PCCC&CNCH trong thời gian tới, Cục đề nghị Bộ Xây dựng quan tâm chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với Cục triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.
Đại diện Cục Cảnh sát PCCC&CNCH chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình thực hiện công tác thẩm duyệt thiết kế, kiểm tra kết quả nghiệm thu về PCCC.
Đó là rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn để tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa pháp luật về xây dựng và pháp luật về PCCC.
Sớm cung cấp dịch vụ công liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính về PCCC và đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH tham mưu UBND cấp tỉnh rà soát, phân loại, lập, công bố danh sách cơ sở không đảm bảo yêu cầu PCCC.
Rà soát, hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng đánh giá cao tinh thần chủ động, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị tham gia Hội nghị, đặc biệt là Cục Cảnh sát PCCC&CNCH và các địa phương đã chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình thực hiện công tác thẩm duyệt thiết kế, kiểm tra nghiệm thu về PCCC đối với công trình xây dựng, phương tiện giao thông thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Xây dựng; kiến nghị cụ thể và đề xuất nhiều giải pháp thiết thực.
Đây là cơ sở quan trọng để Bộ Xây dựng tổng hợp, hoàn thiện quy định pháp luật, hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Để tiếp tục triển khai thực hiện Luật PCCC&CNCH và các Nghị định, văn bản hướng dẫn liên quan một cách hiệu quả, đồng bộ, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, Hiệp hội tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, Bộ Xây dựng cần tiếp tục chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan chức năng liên quan rà soát, cập nhật và hoàn thiện các tiêu chuẩn,quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy định, quy trình, thủ tục hành chính liên quan đến công tác thẩm định thiết kế, nghiệm thu về PCCC đối với công trình xây dựng, phương tiện giao thông thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, đảm bảo rõ ràng, minh bạch, đúng quy định và tạo thuận lợi tối đa cho tổ chức, cá nhân trong quá trình triển khai thực hiện.
Thứ hai, các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp phải tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan chức năng liên quan trong công tác thẩm định, kiểm tra công tác nghiệm thu về PCCC trong công trình xây dựng, phương tiện giao thông, hướng dẫn chuyên môn, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình theo đúng quy định pháp luật về xây dựng và PCCC.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ thuật cho đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng và PCCC tại Trung ương, địa phương, bảo đảm đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Các đơn vị cần chủ động tổng hợp đánh giá về kết quả triển khai, khó khăn vướng mắc và đề xuất, kiến nghị các chính sách, phản ánh kịp thời về Bộ Xây dựng để nghiên cứu, hướng dẫn hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh phù hợp với thực tiễn.
Thứ ba, các cơ quan quản lý nhà nước tại Trung ương và địa phương phải tiếp tục tăng cường kiểm tra công tác PCCC&CNCH theo thẩm quyền.
Dịch Phong
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/bo-xay-dung-trien-khai-luat-pccccnch-lam-ro-trach-nhiem-tang-cuong-phan-cap-kiem-tra-192250711182615349.htm