Bà Đỗ Thị Phong Lan, Vụ phó Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Xây dựng cho biết: Nhằm thực hiện Nghị quyết 18, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án hợp nhất giữa 2 Bộ.
Về tên gọi sau hợp nhất, Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải đã thống nhất đề xuất tên gọi là Bộ Xây dựng và Giao thông Vận tải. Dù vậy, sau khi xem xét và phân tích, tên gọi được quyết định là Bộ Xây dựng và Giao thông.
Toàn cảnh họp báo quý IV/202 của Bộ Xây dựng. (Ảnh: ST)
Sau khi sáp nhập, đầu mối thuộc 2 Bộ sẽ giảm từ 42 đơn vị đầu mối xuống còn 24 - 27 đầu mối, tương đương 35% - 41% tổng số đầu mối. Trong đó, khối tham mưu tổng hợp gồm 6 đơn vị, 13 - 16 khối chuyên ngành và 5 đơn vị thuộc khối sự nghiệp công lập.
Về phương án xử lý nhân sự, tài chính, tài sản, đất đai, 2 Bộ sẽ thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
Bà Phong Lan cho biết, hợp nhất Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải là nhiệm vụ chính trị quan trọng, triển khai chủ trương rất lớn của Trung ương Đảng, là một trong những tiền đề, đóng góp để mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Bà Lan cho rằng, trong quá trình này chắc chắn sẽ có cán bộ có tâm tư, suy nghĩ, thậm chí là lo lắng. Dù vậy, Ban cán sự Đảng của 2 Bộ sẽ nghiên cứu, bám sát kỹ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền để thực hiện việc tham mưu sắp xếp bộ máy tổ chức, đảm bảo hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả theo hướng hài hòa, bảo vệ ở mức tốt nhất chế độ chính sách cho cán bộ, công viên chức, đảng viên.
Định Trần