Bộ Xây dựng vừa phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển TP.HCM

Bộ Xây dựng vừa phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển TP.HCM
6 ngày trướcBài gốc
Bộ Xây dựng vừa phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Theo đó, TP.HCM sẽ có các khu bến cảng gồm: Cát Lái - Phú Hữu, sông Sài Gòn, Hiệp Phước, Nhà Bè, Long Bình, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, các bến cảng tiềm năng huyện Cần Giờ.
Trong đó, khu bến cảng Cát Lái - Phú Hữu từ nay đến 2030 dự kiến sẽ được đầu tư tổng cộng bảy bến cảng gồm 22 cầu cảng, với tổng chiều dài 3.640 m. Năng lực hàng hóa thông qua từ 90 triệu tấn đến 99 triệu tấn.
Khu bến trên sông Sài Gòn, từ nay đến 2030 được đầu tư để đảm bảo tiếp nhận từ 93 nghìn lượt khách đến 101 nghìn lượt khách, không tiếp nhận hàng hóa. Bởi lẽ, bến này sẽ thực hiện di dời chuyển đổi công năng phù hợp với quy hoạch TP.HCM và tiến trình đầu tư xây dựng các bến cảng tại khu bến Hiệp Phước.
Trong thời gian chưa di dời, bến sông Sài Gòn được tận dụng khai thác với quy mô hiện hữu; sau khi di dời, chuyển đổi công năng thành các bến đón khách.
TP.HCM hiện có nhiều cảng biển có năng lực thông qua hàng hóa lớn bậc nhất cả nước. Ảnh: N.DIỄM
Khu bến Hiệp Phước, giai đoạn đến 2030 cũng được đầu tư 20 bến cảng gồm 34 đến 36 cầu cảng, với tổng chiều dài từ 7.772 m đến 8.372 m. Năng lực hàng hóa thông qua từ trên 73 triệu tấn đến 84 triệu tấn.
Từ nay đến năm 2030, khu bến Nhà Bè cũng được đầu tư chín bến cảng gồm 19 cầu cảng, với tổng chiều dài từ 2.499 m đến 2.699m. Năng lực hàng hóa thông qua từ hơn 10 triệu tấn đến 11 triệu tấn; hành khách từ 76,8 nghìn lượt đến 83 nghìn lượt khách.
Cũng trong tiến trình đầu tư giai đoạn trên, khu bến Long Bình dự kiến được đầu tư một bến cảng gồm 10 cầu cảng, với tổng chiều dài 1.200 m. Năng lực hàng hóa thông qua từ 11 triệu tấn đến 12 triệu tấn.
Còn khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, được đầu tư hai đến bốn bến cảng gồm 2-4 cầu cảng, với tổng chiều dài từ 1.016 m đến 2.016 m. Năng lực thông qua từ 22,8 triệu tấn đến 57,6 triệu tấn.
Các bến cảng tiềm năng tại huyện Cần Giờ (bên trái luồng Sài Gòn - Vũng Tàu, khu vực Bình Khánh, cửa sông Ngã Bảy và khu vực cù lao Gò Gia) sẽ được đầu tư trên cơ sở cân đối giữa nhu cầu hàng hóa thông qua và năng lực các bến cảng đã được quy hoạch.
Như vậy, giai đoạn đến năm 2030, các khu bến cảng TP.HCM sẽ có năng lực thông qua hàng hóa từ 228 triệu tấn đến 253 triệu tấn.
Tầm nhìn 2050, các cảng trên tiếp tục được đầu tư đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 3,5%/năm đến 3,8%/năm.
“Riêng khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có quy mô dự kiến phát triển khoảng 13 bến cảng đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa trung chuyển container quốc tế và tăng trưởng hàng hóa…”- quyết định của Bộ Xây dựng nêu rõ.
Để đầu tư theo quy hoạch trên, Bộ Xây dựng cho biết giai đoạn đến năm 2030 cần khoảng 77.452 tỉ đồng, trong đó số tiền đầu tư cho hạ tầng hàng hải công cộng khoảng 2.952 tỉ đồng và khoảng 74.500 tỉ đồng nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng.
Giải tỏa các bến phao theo lộ trình
Theo quy hoạch nêu trên, các bến phao (nơi neo đậu tàu thuyền) chuyển tải tại khu vực sông Sài Gòn, Nhà Bè, Đồng Nai giải tỏa trước tháng 7-2026. Các bến phao phục vụ nhà máy công nghiệp tàu thủy Sài Gòn, nhà máy đóng tàu và công nghiệp hàng hải Sài Gòn giải tỏa khi có quyết định tuyên bố phá sản của cấp có thẩm quyền.
Các bến phao trên sông Soài Rạp, sông Gò Gia, sông Ngã Bảy, sông Dừa khai thác với quy mô và thời gian đã được chấp thuận thiết lập, hoặc giải tỏa phù hợp với lộ trình đầu tư xây dựng các bến cảng thay thế và các quy hoạch có liên quan.
VIẾT LONG
Nguồn PLO : https://plo.vn/bo-xay-dung-vua-phe-duyet-quy-hoach-chi-tiet-phat-trien-vung-dat-vung-nuoc-cang-bien-tphcm-post843988.html