Bộ Y tế bác thông tin 'sử dụng muối i-ốt gây bệnh cường giáp'

Bộ Y tế bác thông tin 'sử dụng muối i-ốt gây bệnh cường giáp'
3 giờ trướcBài gốc
Chưa ghi nhận người thừa i-ốt
Để phản đối quy định bắt buộc sử dụng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm, thời gian qua, một số cá nhân, doanh nghiệp đã lên tiếng cho rằng sử dụng muối i-ốt trên diện rộng sẽ dẫn đến nguy cơ cường giáp hoặc bệnh lý khác cho người thừa i-ốt.
Ngày 5/11, bà Đinh Thị Thu Thủy - Phó Vụ Trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng, lập luận thiếu cơ sở khoa học, bằng chứng của một số cá nhân, doanh nghiệp đưa ra trong thời gian qua gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng không tốt đến các nỗ lực của ngành y tế trong phòng, chống các rối loạn thiếu i-ốt.
Bộ Y tế khuyến nghị tăng cường sử dụng muối i ốt. Ảnh: Gia Linh
Bà Thủy dẫn chứng, theo kết quả tổng điều tra Dinh dưỡng năm 2019 - 2020, ở tất cả các nhóm đối tượng, mức i-ốt niệu đều thấp hơn so với khuyến cáo. Cụ thể, trung vị i-ốt niệu của đối tượng trẻ em toàn quốc (trên 6 tuổi) là 113,3 mcg/l, trẻ em miền núi là 90,0 mcg/l, phụ nữ độ tuổi sinh đẻ là 98,9 mcg/l, (trong khi mức khuyến cáo của WHO cho các đối tượng này là 100-199mgc/l); phụ nữ có thai là 85,3 mcg/l (mức khuyến cáo của WHO cho các đối tượng này là 150-249mgc/l).
Hộ gia đình sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn chỉ chiếm 27%, trong khi khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là phải trên 90%.
Như vậy, chỉ số trung vị i-ốt niệu và chỉ số hộ gia đình sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh đều đạt ở mức nguy cơ cận dưới và không đạt so với khuyến cáo của WHO.
Ngoài ra, các báo cáo của Bệnh viện Nội tiết Trung ương và Viện Dinh dưỡng Quốc gia ghi nhận, hiện nay Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân thừa i-ốt.
TS.BS Phan Hướng Dương - Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương thông tin thêm: Tính theo các vùng sinh thái thì chỉ có khu vực Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ đạt mức trung vị i-ốt niệu trên 100 mcg/l.
Các khu vực khác, kể cả Duyên hải miền Trung (vùng ven biển) vẫn còn tình trạng thiếu i-ốt. Kết quả cụ thể mức trung vị i-ốt niệu như: Tây Nguyên: 118,5 mcg/l; Đồng bằng sông Hồng: 89 mcg/l; Khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung: 95 mcg/l; Khu vực Đông Nam bộ: 107 mcg/l; Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long: 93 mcg/l;
Hiện nay, theo Báo cáo 2021 của Mạng lưới Toàn cầu về Phòng chống các rối loạn do thiếu i-ốt, Việt Nam vẫn đang nằm trong nhóm 26 nước còn lại trên thế giới bị thiếu i-ốt.
Bộ Y tế đề xuất bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm
Năm 2016, Chính phủ ban hành nghị định 09 về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Trong quá trình thực hiện nghị định, có ý kiến cho rằng việc sử dụng muối tăng cường i-ốt dẫn đến sản phẩm bị biến đổi về màu sắc, mùi vị hoặc ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người tiêu dùng.
Năm 2017, Bộ Y tế có công văn, trong đó nêu rõ Cục An toàn thực phẩm và Vụ Pháp chế tiếp nhận mọi thông tin, phản ánh của doanh nghiệp kèm theo các bằng chứng khoa học về vấn đề trên.
Tuy nhiên 8 năm nay, Bộ Y tế chưa nhận được bất kỳ bằng chứng khoa học nào của doanh nghiệp liên quan đến nội dung này. Như vậy, các kiến nghị không chính xác, không có cơ sở khoa học của doanh nghiệp trước đó là cản trở, đã dẫn đến chậm thực thi Nghị định số 09 đến 8 năm.
Cũng chính vì kiến nghị của doanh nghiệp, năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 theo hướng khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm bổ sung vi chất này vào các sản phẩm.
Đồng thời giao nhiệm vụ cho Bộ Y tế nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung nghị định số 09 theo hướng chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng muối i-ốt.
Bộ Y tế đã tiến hành nghiên cứu và kết quả 2 lần đều cho thấy thực trạng thiếu hụt i-ốt của người dân vẫn ở ngưỡng cộng đồng.
Do đó, WHO, UNICEF, Mạng lưới i-ốt toàn cầu, HealthBridge Canada, Bộ Y tế và một số chuyên gia bảo vệ sức khỏe khuyến cáo mạnh mẽ Chính phủ giữ nguyên các quy định bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm tại Nghị định 09.
Tại buổi làm việc với doanh nghiệp ngày 30/10, lãnh đạo Bộ Y tế có ý kiến sẵn sàng phối hợp với các công ty để nghiên cứu, làm rõ ảnh hưởng của muối i-ốt với sản phẩm của họ.
Trường hợp bằng chứng khoa học cho thấy, việc sử dụng muối pi-ốt làm thực phẩm bị biến đổi về màu sắc, mùi vị hoặc ảnh hưởng không tốt sức khỏe người tiêu dùng, thì sẽ đề nghị Chính phủ loại trừ đối với các sản phẩm này trong Nghị định.
Thống kê trên cơ sở dữ liệu của Mạng lưới i-ốt toàn cầu (IGN) cho thấy, 126 quốc gia quy định bắt buộc tăng cường, trong đó 114 nước yêu cầu sử dụng muối đã tăng cường i-ốt trong chế biến thực phẩm.
Trong ASEAN, 8 quốc gia áp dụng chính sách bắt buộc tăng cường i ốt vào muối ăn và muối dùng trong chế biến thực phẩm, gồm: Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Singapore, Indonesia, Malaysia và Philippines; chỉ có 2 quốc gia áp dụng chính sách khuyến khích là Singapore và Brunei.
Thảo Nguyên
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/bo-y-te-bac-thong-tin-su-dung-muoi-i-ot-gay-benh-cuong-giap-356994.html