Theo Bộ Y tế, già hóa dân số nhanh và Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng là các vấn đề mới nổi trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi cần có các chính sách để thích ứng với dân số già, đồng thời tận dụng cơ cấu dân số vàng trong tình hình mới.
Cần hơn 1.000 tỉ đồng để ứng phó già hóa dân số
Tại dự thảo Luật Dân số, Bộ Y tế đề xuất nhiều biện pháp thực hiện chính sách thích ứng với quá trình già hóa dân số.
Trong đó, Bộ Y tế đề xuất chi phí hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, bao gồm: Cấp học bổng, hỗ trợ học phí đối với người học chuyên ngành lão khoa; xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng, tập huấn cho nhân viên chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng.
Người cao tuổi tham gia thăm khám sức khỏe định kỳ tại Phú Thọ. Ảnh: TT
Đối với chính sách cấp học bổng cho người học chuyên ngành lão khoa là người đang làm việc tại cơ sở khám chữa bệnh, theo số liệu cập nhật của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cả nước có 1.334 bệnh viện đa khoa công lập.
Theo quy định, 1 khoa lão khoa có quy mô chiếm 10% tổng số giường bệnh kế hoạch của bệnh viện (tối thiểu từ 30 giường trở lên) với tối thiểu 2 bác sĩ/giường bệnh. Ước tính chi phí đào tạo chuyên khoa lão là 37 triệu đồng/năm, thời gian đào tạo 2 năm.
Bộ Y tế ước tính tổng kinh phí cần để thực hiện chính sách này là 592 tỉ đồng.
Đối với chính sách hỗ trợ học phí cho người học chuyên ngành lão khoa, Bộ Y tế đề xuất 2 phương án: Hỗ trợ 50% học phí, ước tính cần 1,8 tỉ đồng/năm; hoặc hỗ trợ 100% học phí, ước tính cần 3,7 tỉ đồng/năm.
Đối với chính sách hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng, tập huấn cho nhân viên chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng, tổng kinh phí dự kiến là 450 tỉ đồng.
Theo Bộ Y tế, việc thực hiện các chính sách trên là cần thiết nhằm chủ động thích ứng với già hóa dân số, dân số già; để quá trình già hóa dân số, dân số già không là gánh nặng cho đất nước, xã hội và gia đình; đồng thời phát huy được vai trò người cao tuổi.
Theo Dữ liệu dân cư quốc gia, cả nước hiện có khoảng 16,1 triệu người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên), chiếm trên 16% dân số. Dự báo đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên xấp xỉ 18 triệu người.
Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất châu Á, thời gian chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già là 17-20 năm, ngắn hơn so với nhiều nước khác.
Già hóa dân số là một thách thức
Ông Lê Thanh Dũng - Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế), đánh giá già hóa dân số là một trong các thách thức của công tác dân số, tác động đến tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội, lao động, thiết kế cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Già hóa dân số cũng làm cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động giảm đi, cơ cấu nghề nghiệp thay đổi, gánh nặng kinh tế cho người lao động trẻ cũng cao hơn...
Tại hội nghị Lão khoa quốc gia lần thứ V, PGS.TS Nguyễn Trung Anh - Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, thông tin trung bình một người Việt trên 60 tuổi mắc 3-4 bệnh, đặc biệt, những người trên 80 tuổi có thể mắc trên 6 bệnh.
Ngoài bệnh tật, người cao tuổi Việt Nam còn có sức khỏe kém, phải phụ thuộc nhiều vào sự trợ giúp của người chăm sóc, dụng cụ hỗ trợ trong cuộc sống. Đây là gánh nặng rất lớn cho bệnh nhân cũng như gia đình, đặc biệt là vấn đề chăm sóc.
Hậu quả của già hóa dân số lên hệ thống y tế tại Việt Nam bao gồm việc gia tăng nhu cầu chăm sóc y tế cho người cao tuổi, đặc biệt là điều trị các bệnh mạn tính như tim mạch, đái tháo đường, các bệnh về thần kinh... Điều này cũng dẫn đến tình trạng quá tải ở các cơ sở y tế, khi số lượng người bệnh tăng lên mà khả năng đáp ứng về nhân lực và trang thiết bị còn hạn chế.
"Hiện, Việt Nam rất thiếu bác sĩ chuyên ngành lão khoa, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi", PGS Trung Anh cho hay.
Cả nước hiện có khoảng 16,1 triệu người cao tuổi, chiếm trên 16% dân số. Ảnh minh họa: TRẦN MINH
Để ứng phó với vấn đề già hóa dân số, các chuyên gia cho rằng ngoài những chính sách duy trì ổn định mức sinh, không để mức sinh giảm quá nhanh thì cần cải thiện chính sách sử dụng hiệu quả nguồn cung lao động, đặc biệt là lao động lớn tuổi.
Theo đó, cần có những chính sách phù hợp tạo điều kiện và khuyến khích lao động lớn tuổi tham gia công việc phù hợp đóng góp thêm sức lực cho gia đình và xã hội. Về lâu dài, cần nghiên cứu các giải pháp để tăng tuổi nghỉ hưu đối với một số ngành nghề, lĩnh vực nhất định.
Bên cạnh đó, cần mở rộng hệ thống bảo hiểm xã hội theo hướng thúc đẩy triển khai hệ thống bảo hiểm đa tầng, đa trụ cột để nâng cao mức độ bao phủ toàn diện của hệ thống, góp phần nâng cao mức sống của người hưởng bảo hiểm xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Nguồn lực đầu tư cho công tác dân số còn thấp
Theo Bộ Y tế, từ năm 2016 đến nay, nguồn lực đầu tư cho dân số và phát triển còn thấp, chưa tương xứng với nhu cầu.
Ngân sách nhà nước giảm mạnh, nhiều địa phương chưa quan tâm đầu tư nguồn lực cho công tác dân số; tài trợ quốc tế hầu như không còn, nguồn lực huy động từ xã hội và tư nhân gặp nhiều khó khăn. Giai đoạn 2011-2015 là khoảng 740 tỉ đồng/năm, giai đoạn 2016-2020 chỉ còn dưới 360 tỉ đồng/năm.
Từ năm 2021 đến nay, sau kết thúc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số, giai đoạn 2021-2023, mặc dù nhu cầu thực tế trung bình lên đến 800 tỉ đồng/năm, nhưng địa phương chỉ bố trí được khoảng 95 tỉ đồng/năm và trung ương chỉ bảo đảm được khoảng 25 tỉ đồng/năm (đáp ứng 15% nhu cầu).
THANH THANH