Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan vừa có văn bản trả lời cử tri TP Huế gửi đến trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Trong đó, cử tri kiến nghị "liên quan đến tình trạng thực phẩm chức năng kém chất lượng, sữa giả được bán trên các nền tảng mạng xã hội; một số thực phẩm không có nhãn mác, xuất xứ được bày bán tràn lan trước các cổng trường học gây ảnh hưởng đến sức khỏe đối với người dân, trẻ nhỏ.
Trong khi đó, công tác quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm đang có những chồng chéo, vướng mắc, nhiều đầu mối quản lý dẫn đến hiệu quả không cao. Đề nghị nghiên cứu có giải pháp để nâng cao hơn nữa công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới".
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế đang là đầu mối tham mưu và trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 15/2018 để giải quyết các vấn đề cấp bách; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Nghị định 115/2018 và Nghị định 124/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; trong đó đề xuất tăng mức chế tài xử phạt từ 1,2 đến 2 lần so với mức hiện tại.
Đề xuất nâng mức hình phạt tù, phạt tiền đối với một số tội danh liên quan đến an toàn thực phẩm
Trả lời nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết để nâng cao hiệu quả công tác quản lý an toàn thực phẩm và giải quyết các vấn đề nêu trên, Bộ Y tế cùng các Bộ, ngành liên quan đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề nêu trên.
Cụ thể, về hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường chế tài xử phạt, Bộ Y tế đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật An toàn thực phẩm sửa đổi và trình Chính phủ vào tháng 12/2024. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 158/NQ-CP ngày 3/6/2025, trong đó giao Bộ Y tế chủ trì hoàn thiện hồ sơ chính sách và bổ sung dự án Luật này vào Chương trình lập pháp năm 2025 của Quốc hội, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).
Bộ Y tế đang là đầu mối tham mưu và trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 15/2018 để giải quyết các vấn đề cấp bách; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Nghị định 115/2018 và Nghị định 124/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; trong đó đề xuất tăng mức chế tài xử phạt từ 1,2 đến 2 lần so với mức hiện tại.
Các hành vi vi phạm đang được tập trung nghiên cứu để tăng mức phạt bao gồm: vi phạm quy định về tự công bố, đăng ký bản công bố sản phẩm; sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sử dụng phụ gia thực phẩm, chất cấm, hóa chất ngoài danh mục cho phép; vi phạm điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống; và vi phạm quy định về quảng cáo.
Bộ Y tế cũng cho biết dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) cũng đang được Bộ Công an đề xuất nâng mức hình phạt tù, hình phạt tiền đối với một số tội danh liên quan đến an toàn thực phẩm để tăng tính răn đe.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay, hiện tại, chế tài xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm đã được quy định tương đối đầy đủ, từ hình sự (Điều 317 Bộ Luật hình sự) đến xử phạt hành chính.
Ngành y tế đã kiểm tra hơn 1,9 triệu cơ sở và xử lý trên 50 nghìn cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 247 tỷ đồng từ năm 2020 đến tháng 5/2025.
Trách nhiệm quản lý toàn diện các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn được phân cấp cho UBND cấp tỉnh
Cũng tại văn bản trả lời cử tri, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay, về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát, hàng năm, Bộ Y tế - Thường trực Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm xây dựng và ban hành kế hoạch hậu kiểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Bộ Y tế đã ban hành 8 văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường đấu tranh phòng chống thuốc giả, sữa giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả từ đầu năm 2025. Đồng thời, triển khai đợt cao điểm trong tháng 5/2025 về đấu tranh phòng chống thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã thành lập 05 tổ kiểm tra đột xuất tại các tỉnh để kiểm soát việc sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh nguyên liệu thực phẩm, sữa, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Văn bản trả lời cử tri của Bộ Y tế cho biết Bộ Y tế cũng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành (Công an, Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Môi trường) và UBND các cấp để điều tra, truy tìm nguồn gốc và triệt phá các đường dây sản xuất, buôn bán thực phẩm giả.
Việc quản lý sản phẩm được phân theo ngành dọc, với trách nhiệm quản lý toàn diện các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn được phân cấp cho UBND cấp tỉnh.
Cùng đó, Bộ Y tế cho biết Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, nhằm đảm bảo đường truyền, trung tâm dữ liệu và các thiết bị phục vụ chuyển đổi số nói chung và y tế số nói riêng. Bộ Y tế cũng đang dự thảo Đề án tổng thể phát triển hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số y tế đến năm 2030; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tăng cường hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Xử phạt nghiêm các hành vi quảng cáo sai sự thật, đặc biệt trên mạng xã hội
Bộ Y tế cũng đã tăng cường công tác quản lý và xử phạt nghiêm các hành vi quảng cáo sai sự thật, đặc biệt trên mạng xã hội.
Bộ Y tế cũng đã tăng cường công tác quản lý và xử phạt nghiêm các hành vi quảng cáo sai sự thật, đặc biệt trên mạng xã hội.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo năm 2025 (có hiệu lực từ 1/1/2026) đã bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, trong đó yêu cầu xác minh độ tin cậy, kiểm tra tài liệu liên quan đến sản phẩm và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu nội dung quảng cáo không đảm bảo yêu cầu.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang nghiên cứu, đề xuất tăng mức tiền phạt, buộc tạm ngừng hoạt động quảng cáo có thời hạn đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, và công bố rộng rãi kết quả xử lý để cảnh báo, răn đe.
Đồng thời, yêu cầu các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới chặn gỡ nội dung, khóa tài khoản vi phạm và triển khai giải pháp công nghệ để kiểm duyệt chặt chẽ nội dung quảng cáo.
Cùng với các giải pháp đó, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, công tác thông tin, truyền thông và nâng cao nhận thức cộng đồng được tăng cường như:
Tiếp tục công khai các hành vi vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Phổ biến các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, nâng cao đạo đức kinh doanh và nâng cao hiểu biết của người dân để nhận diện quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, hiểu đúng và dùng đúng thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thường xuyên cảnh báo các sản phẩm vi phạm trên website của Cục (www.vfa.gov.vn) và khuyến cáo người dân kiểm tra thông tin sản phẩm trước khi mua.
Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục nỗ lực phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương để triển khai các giải pháp đồng bộ và hiệu quả nhằm bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người dân.
Thái Bình/Ảnh: Trần Minh