Bộ Y tế: Không mong dân phải mua thuốc ngoài để được BHYT thanh toán

Bộ Y tế: Không mong dân phải mua thuốc ngoài để được BHYT thanh toán
6 giờ trướcBài gốc
Sáng 30-10, Bộ Y tế tổ chức hội thảo “Phổ biến Thông tư 22/2024/TT-BYT quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ BHYT đi khám bệnh, chữa bệnh và xin ý kiến các quy định thanh toán BHYT”.
Đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, mặc dù Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư, tuy nhiên việc này vẫn xảy ra cục bộ ở một số nơi.
“Thực tế, tại bất kỳ thời điểm nào, việc thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn có thể xảy ra bởi những nguyên nhân khách quan như: đã đấu thầu nhưng không có đơn vị trúng thầu; đã ký hợp đồng cung ứng với nhà thầu nhưng tại thời điểm chỉ định thuốc, vật tư, thiết bị y tế cho người bệnh, nhà cung cấp không cung ứng được do thiếu nguồn cung hay hàng hóa về chậm…” - ông Thuấn nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TT
Để đảm bảo quyền lợi của người bệnh tham gia BHYT khi cơ sở khám chữa bệnh không đủ thuốc, thiết bị y tế, ngày 18-10-2024, Bộ Y tế ban hành Thông tư 22/2024/TT-BYT, có hiệu lực từ 1-1-2025, quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh.
Quy định người bệnh BHYT mua thuốc ngoài được BHYT chi trả có các điều kiện cụ thể như: thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm; cơ sở khám chữa bệnh thiếu thuốc, vật tư do đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu theo kế hoạch đã được duyệt; không thể điều chuyển thuốc, vật tư giữa các cơ sở khám chữa bệnh...
Theo bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), Thông tư 22 được ban hành trong bối cảnh dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đang được trình Quốc hội.
Khi dự thảo Luật được Quốc hội thông qua, Bộ Y tế sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát để có những cơ chế, chính sách thuận lợi hơn nữa, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.
Bệnh viện lo khó thực hiện
Tại hội thảo, đại diện các bệnh viện bày tỏ băn khoăn thuốc mua ngoài được BHYT thanh toán trực tiếp phải là thuốc nằm trong danh mục thuốc hiếm, có nên mở rộng phạm vi thanh toán đối với các thuốc, vật tư y tế để tạo thuận lợi cho người bệnh?
Cạnh đó, các quy định liên quan đến xác nhận cơ sở khám chữa bệnh thiếu thuốc do các yếu tố khách quan, bất khả kháng cũng chưa chặt chẽ. Nhiều bệnh viện lo ngại nếu kê đơn thuốc và chỉ định để bệnh nhân mua thuốc ngoài thì có thể bị phản hồi là cơ sở không đảm bảo điều kiện khám chữa bệnh.
Đại diện Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng nêu: “Tôi rất lo lắng trong việc thực hiện các quy định tại Thông tư 22. Nếu không chặt chẽ, chúng ta rất dễ bị người bệnh phàn nàn”.
Vị này dẫn chứng, theo quy định tại thông tư, bệnh nhân sẽ tự đi mua thuốc ngoài, sau đó nộp hồ sơ cho BHXH để được thanh toán. Như vậy, nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan BHXH sẽ rất khó khăn cho bệnh nhân. .
“Khi Thông tư 22 ra đời, tôi kỳ vọng có thể giải quyết phần nào bài toán thiếu thuốc hoặc những vấn đề tương tự, nhưng thông tư chưa làm được” - vị này thẳng thắn.
Còn theo đại diện Bệnh viện Việt Đức, tại đây tình trạng thiếu thuốc thường xảy ra với một số loại thuốc không trong danh mục thuốc hiếm do các nguyên nhân bất khả kháng. Trong khi đó, Bệnh viện Việt Đức là cơ sở y tế tuyến cuối, khi bệnh nhân đến thì vẫn phải tiếp nhận và gần như không thể chuyển họ đi nơi khác.
Đại diện Bệnh viện Đa khoa Lào Cai đặt câu hỏi: “Khi người dân phải mua thuốc, vật tư ở ngoài thì gần như sẽ phải mua với giá cao hơn. Tuy nhiên, BHXH thanh toán lại theo giá thanh toán với cơ sở khám chữa bệnh. Trong tình huống này, phần chênh lệch sẽ được giải quyết thế nào?".
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 22, có hiệu lực từ 1-1-2025, cho phép người bệnh mua thuốc ngoài được BHYT thanh toán trong vòng 40 ngày. Ảnh minh họa: TT
“Không mong phải áp dụng Thông tư 22”
Phản hồi ý kiến góp ý, băn khoăn của đại diện các bệnh viện, Vụ trưởng Vụ BHYT, bà Trần Thị Trang, khẳng định Thông tư 22 về thanh toán thuốc trực tiếp cho người bệnh BHYT là một trong những chính sách nhằm đảm bảo quyền lợi cho người bệnh khi phải mua thuốc ngoài.
Theo đó, khi kê đơn cho người bệnh, cơ sở khám chữa bệnh, người hành nghề khám chữa bệnh cần tư vấn, hướng dẫn cho người bệnh hiểu về quy định thanh toán trực tiếp để họ có thể mua được thuốc, vật tư và được thanh toán với cơ quan BHXH sau đó theo quy định.
Đối với đề xuất mở rộng phạm vi thanh toán đối với các thuốc, vật tư, bà Trang cho biết đang tổng hợp để nghiên cứu thêm.
Bộ Y tế đang cố gắng để giải quyết được tối đa những vướng mắc về việc người bệnh BHYT chưa được thanh toán khi mua thuốc ngoài. Giờ đây, người bệnh sẽ được thanh toán trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.
Theo bà Vũ Nữ Anh, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư cho người bệnh. Trường hợp không thể xoay xở mới áp dụng thông tư này.
Liên quan đến vấn đề chênh lệch giá bán lẻ, bà Nữ Anh cho biết quy định tại Thông tư 22 không thanh toán theo hóa đơn mua vào của người bệnh. “Ban soạn thảo chính sách cũng rất hiểu và chia sẻ rằng người bệnh trên thực tế vẫn sẽ chịu thiệt một chút. Chúng ta chỉ có thể quy định rằng trong khả năng có thể, phần nào chi phí mà người bệnh phải bỏ ra khi đi mua thuốc, vật tư bên ngoài sẽ được bù đắp” - bà Nữ Anh bày tỏ
Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế. Ảnh: TT
Bổ sung quan điểm, bà Trần Thị Trang nhấn mạnh dù có quy định thanh toán trực tiếp hay không cho người bệnh mua thuốc ngoài thì người bệnh vẫn bị ảnh hưởng. Do vậy, cơ sở KCB cần phải tổ chức tốt khâu mua sắm, đấu thầu, đảm bảo mọi điều kiện tiếp nhận bệnh nhân, cũng là hoàn thành trách nhiệm của mình.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT sửa đổi nội dung tại Điều 31 của Luật BHYT, đó là: Người bệnh khi mua thuốc, vật tư bên ngoài sẽ không phải thanh toán trực tiếp với cơ quan BHXH, mà cơ sở KCB sẽ thực hiện thủ tục thanh toán này với BHXH.
Tới đây, khi Quốc hội thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Bộ Y tế sẽ nhanh chóng dự thảo nội dung bổ sung liên quan đến các quy định này, trình Chính phủ để thực hiện các thủ tục thanh toán trực tiếp cho người bệnh giữa cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan BHXH. Người bệnh sẽ không cần thực hiện các thủ tục này nữa.
TRẦN THỊ TRANG, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế)
THANH THANH
Nguồn PLO : https://plo.vn/bo-y-te-khong-mong-dan-phai-mua-thuoc-ngoai-de-duoc-bhyt-thanh-toan-post817476.html