Bộ Y tế mong muốn Bộ NN&MT quyết liệt hơn trong kiểm soát ô nhiễm không khí

Bộ Y tế mong muốn Bộ NN&MT quyết liệt hơn trong kiểm soát ô nhiễm không khí
7 giờ trướcBài gốc
Người mẹ mất con do mắc hen suyễn vì ô nhiễm không khí
Tại phiên toàn thể Hội thảo khoa học quốc gia về kiểm soát và cải thiện chất lượng môi trường không khí tại Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết: Ô nhiễm không khí tại Việt Nam, nhất là Hà Nội, TP.HCM có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sự phát triển kinh tế xã hội và sinh hoạt của người dân, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mãn tính, người lao động ngoài trời.
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế
Đưa ra trường hợp có người mẹ mất con do mắc hen suyễn vì ô nhiễm không khí tại một hội nghị quốc tế mà mình tham dự gần đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho rằng, chúng ta không thể phát triển trên một bầu trời còn khói bụi, cả hệ thống chính trị và cộng đồng phải vào cuộc để giảm thiểu ô nhiễm ở các đô thị lớn.
Theo dẫn chứng của PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, một số nghiên cứu gần đây tại Việt Nam cho thấy, ô nhiễm không khí liên quan đến sự gia tăng mắc các bệnh viêm đường hô hấp, viêm phổi, tắc nghẽn mãn tính, hen dị ứng, các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, đau thắt ngực, thiếu máu tim cục bộ, suy tim và một số bệnh về da và niêm mạc. “Ô nhiễm không khí cũng làm tăng gánh nặng bệnh tật, tăng các trường hợp nhập viện, tăng chi phí và thời gian điều trị, từ đó tăng sức ép và quá tải tại các cơ sở y tế, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị”, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương chia sẻ.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, ô nhiễm không khí không giới hạn bởi ranh giới hành chính, việc quản lý, cải thiện môi trường không khí đòi hỏi sự phối hợp liên ngành, liên vùng với sự đồng hành của toàn hệ thống chính trị, doanh nghiệp và cộng đồng. “Thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực trong công tác quản lý chất lượng môi trường không khí. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như thiếu nguồn lực thực thi chính sách, thiếu kiến thức, trình độ kỹ thuật khoa học và công nghệ, thiếu mối liên kết đa ngành”, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay.
Toàn cảnh Hội thảo
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương cho rằng: "Cần giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí theo phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, ưu tiên việc phòng ngừa, bảo vệ môi trường thay vì khắc phục, xử lý môi trường khi đã bị ô nhiễm. Đây không phải là trách nhiệm riêng của bộ, ngành nào mà là nhiệm vụ chung của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp và mỗi người dân. Thời gian tới chúng tôi mong muốn Bộ Nông nghiệp và Môi trường tăng cường công tác quản lý nhà nước cũng như phối hợp liên ngành để có thể giải quyết bài toán ô nhiễm không khí theo tinh thần quyết liệt hơn nữa".
Cấp bách xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn địa phương cho ô tô, xe máy
Bà Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, chất lượng không khí kém là một trong những rủi ro lớn nhất đối với sức khỏe cộng đồng. Nếu không hành động kịp thời, chúng ta sẽ phải trả giá bằng sự xói mòn của những thành tựu y tế đã dày công vun đắp trong nhiều thập kỷ.
Bà Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam
Giải quyết bài toán ô nhiễm không khí sẽ cứu sống được rất nhiều người, ngăn ngừa nhiều năm bệnh tật và giải quyết gánh nặng to lớn mà bệnh tật gây ra cho gia đình, hệ thống y tế và cho nền kinh tế. Đại diện WHO mong muốn được phối hợp với cơ quan quản lý Việt Nam và các Tổ chức liên quan để hướng tới một bầu không khí sạch cho Việt Nam. WHO cam kết tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện các cam kết để mang lại bầu trời xanh.
Theo bà Nguyễn Hoàng Ánh, đại diện Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cơ quan này đang xây dựng dự thảo Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí Quốc gia. Kế hoạch được xây dựng sớm hơn so với quy định vì ô nhiễm không khí đã trở nên rất nóng.
Kế hoạch này đặt mục tiêu kiểm soát và giảm dần mức độ ô nhiễm tại các đô thị lớn, đặc biệt Hà Nội, TP.HCM và các khu vực lân cận. Phát triển cơ chế, chính sách quản lý chất lượng không khí, huy động nguồn lực đầu tư từ ngân sách và xã hội hóa, cũng như chuyển đổi công nghệ, điều chỉnh cấu trúc năng lượng các ngành công nghiệp trọng điểm để giảm phát thải.
Kế hoạch đề xuất 8 nhóm giải pháp chủ đạo, trong đó nhấn mạnh đến vấn đề kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát sinh khí thải từ giao thông, xây dựng, công nghiệp và các hoạt động đốt mở (đốt rác, đốt rơm rạ).
Trước mắt, cấp bách xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn địa phương cho ô tô, xe máy cũng như xây dựng lộ trình cung ứng và kiểm soát chất lượng nhiên liệu phù hợp với quy chuẩn quốc gia, trình Thủ tướng ban hành trước tháng 9/2025.
Văn Ngân/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/xa-hoi/bo-y-te-mong-muon-bo-nnmt-quyet-liet-hon-trong-kiem-soat-o-nhiem-khong-khi-post1194806.vov