Một lô mỹ phẩm vi phạm bị thu hồi tháng 5-2025
Ghi nhận ý kiến phản hồi của doanh nghiệp về dự dự thảo Nghị định quy định về quản lý mỹ phẩm của Bộ Y tế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Điều 9.1.c dự thảo quy định sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu phải có Giấy CFS trong hồ sơ công bố.
Tuy nhiên, dự thảo chưa làm rõ việc có chấp nhận CFS cấp bởi tổ chức không thuộc cơ quan nhà nước hay không. Theo phản ánh của doanh nghiệp, ở một số nước xuất khẩu như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Thái Lan, Giấy CFS cũng có thể được cấp bởi các hiệp hội hành nghề, tổ chức thương mại được cấp phép.
“Quy định chưa rõ ràng như vậy gây khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu, nhất là khi sản phẩm được phân phối toàn cầu thông qua nhiều kênh khác nhau”- VCCI cho biết.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ việc chấp nhận Giấy CFS từ nước thứ ba và do tổ chức ngoài nhà nước cấp.
Bên cạnh đó, Điều 12 dự thảo quy định các nội dung cụ thể của Giấy CFS. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này chưa phù hợp. Giấy CFS được cấp theo mẫu của nước xuất khẩu, nên nhiều yêu cầu (như số tham chiếu, chữ ký, dấu) sẽ không có.
Theo VCCI, việc kiểm tra Giấy CFS chỉ nên tập trung vào các thông tin quan trọng như tên sản phẩm, nhà sản xuất, tuyên bố sản phẩm được lưu hành tại nước xuất khẩu… Đối với thể thức, hình thức của Giấy CFS cần được linh hoạt, tùy thuộc vào chuẩn mực của từng quốc gia cấp giấy.
Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng chỉ yêu cầu các thông tin quan trọng cần có trong Giấy CFS để phục vụ cho cấp phép.
Ngoài ra, hiện nay nhiều nước đã áp dụng cấp Giấy CFS qua cổng thông tin điện tử. Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp cũng đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng chấp nhận một trong hai hình thức là bản chính hoặc bản sao chứng thực của giấy tờ pháp lý được cơ quan có thẩm quyền nước ngoài chứng nhận và được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định; hoặc kết quả tự tra cứu giấy tờ pháp lý từ trang thông tin điện tử hoặc cơ sở dữ liệu tiếng Anh của cơ quan cấp giấy tờ pháp lý hoặc cơ quan có thẩm quyền các nước hoặc trang thông tin điện tử hoặc cơ sở dữ liệu tiếng anh do cơ quan quản lý cấp khu vực vận hành, kèm theo văn bản cung cấp thông tin về đường dẫn tra cứu đến Cục quản lý dược.
Tại bản góp ý này, VCCI cũng đề xuất nên giữ nguyên hiệu lực công bố mỹ phẩm là 5 năm, thay vì 3 năm như dự thảo để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Thời gian qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm bị phát hiện có nhiều sai phạm, đã bị lực lượng chức năng xử lý. Do đó, các bộ, ngành muốn siết chặt quản lý mặt hàng này để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và lập lại trật tự trong hoạt động kinh doanh mỹ phẩm.
H.L