Trước tình trạng ngày càng nhiều bác sỹ, dược sỹ và nhân viên y tế xuất hiện trong các quảng cáo thực phẩm chức năng với vai trò “bảo chứng y khoa”, Bộ Y tế vừa ra văn bản khẳng định rõ: hành vi này là vi phạm pháp luật, đồng thời yêu cầu các đơn vị liên quan nghiêm túc chấn chỉnh và xử lý.
Ảnh minh họa
Trước tình trạng một số bác sỹ, dược sỹ và nhân viên y tế tham gia quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng với hình thức gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 2310/BYT-ATTP ngày 17/4, khẳng định rõ hành vi này là vi phạm pháp luật và yêu cầu các đơn vị trực thuộc khẩn trương chấn chỉnh, xử lý nghiêm theo thẩm quyền.
Trong thời gian gần đây, không khó để bắt gặp hình ảnh các cá nhân mặc áo blouse trắng, xưng danh bác sỹ hoặc chuyên gia y tế xuất hiện trên truyền hình, mạng xã hội, các nền tảng thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá sản phẩm thực phẩm chức năng.
Không ít người tiêu dùng, nhất là người cao tuổi, người bệnh mạn tính hoặc những người đang lo lắng về sức khỏe, đã tin tưởng tuyệt đối vào các lời khẳng định có phần "thần kỳ" như trị dứt điểm, khỏi bệnh sau 30 ngày, không cần dùng thuốc… từ đó mua và sử dụng các sản phẩm này như thuốc điều trị, dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm cho sức khỏe.
Công văn của Bộ Y tế viện dẫn khoản 2, Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ, quy định rõ: “Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.”
Điều này đồng nghĩa với việc mọi hình thức quảng cáo thực phẩm chức năng có sự xuất hiện, xác nhận, hay “bảo chứng” bởi đội ngũ nhân viên y tế đều bị nghiêm cấm.
Hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn làm tổn hại đến uy tín, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội của ngành y, đồng thời tạo ra những hiểu lầm tai hại cho người tiêu dùng, đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương về sức khỏe.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 9/5/2017 về việc tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo y dược, hội, hiệp hội ngành nghề thông báo đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, bao gồm cả người đã nghỉ hưu, về quy định nghiêm cấm trên.
Đồng thời, các đơn vị cần chủ động rà soát, kiểm tra nội bộ, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý, đồng thời gửi báo cáo kết quả về Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.
Việc quảng cáo sai lệch về thực phẩm chức năng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Trong nhiều trường hợp, người dân ngộ nhận đây là thuốc điều trị, từ đó bỏ qua chỉ định của bác sỹ, trì hoãn việc khám chữa bệnh hoặc tự ý ngưng sử dụng thuốc đang điều trị.
Đối với những bệnh lý như tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch, ung thư… nếu không được điều trị đúng phác đồ, hệ quả có thể là suy giảm chức năng cơ thể, biến chứng nặng hoặc thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Bộ Y tế kêu gọi các cán bộ y tế cần nghiêm túc chấp hành quy định pháp luật, đồng thời nâng cao ý thức nghề nghiệp và đạo đức hành nghề.
Mỗi cán bộ y tế không chỉ là người chữa bệnh mà còn là người định hướng sức khỏe cho cộng đồng. Việc giữ gìn sự trong sạch cho nghề nghiệp, không để bị lôi kéo vào các hoạt động quảng bá thương mại sai trái, chính là cách tốt nhất để bảo vệ giá trị cốt lõi của nghề y.
Về phía người tiêu dùng, Bộ Y tế cũng khuyến cáo cần tỉnh táo và cảnh giác khi tiếp nhận các thông tin quảng cáo thực phẩm chức năng.
Người dân nên lựa chọn sản phẩm từ những thương hiệu uy tín, được phân phối chính thống qua nhà thuốc, siêu thị lớn hoặc cửa hàng có chứng nhận rõ ràng. Đặc biệt, không nên tin tưởng vào các quảng cáo xuất hiện trên mạng xã hội, livestream hay các nền tảng không được kiểm soát, nơi mà thông tin sai lệch, phóng đại công dụng vẫn đang tràn lan và rất khó kiểm chứng.
Được biết, hiện người tiêu dùng hiện nay có xu hướng tin tưởng vào những gương mặt nổi tiếng, đặc biệt là các nghệ sỹ, KOLs, hay influencers (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội). Khi những nhân vật này tham gia quảng bá sản phẩm, công chúng thường tin vào chất lượng sản phẩm mà họ đang quảng cáo.
Việc các nghệ sỹ thiếu trách nhiệm, hám lợi, cố tình thổi phồng công dụng của sản phẩm không chỉ gây ra sự thất vọng, mà còn tạo ra hoang mang trong cộng đồng. Gần đây, vụ việc liên quan đến Thùy Tiên, Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục đã làm dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ từ người tiêu dùng.
Các nhân vật này đã bị chỉ trích vì quảng cáo sản phẩm sai sự thật, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng và vi phạm các quy định về quảng cáo. Sự việc này khiến lòng tin của xã hội vào các quảng cáo nói chung bị tổn hại nghiêm trọng.
Đây không phải là lần đầu tiên nghệ sỹ và KOLs quảng cáo không đúng sự thật. Trong những năm qua, nhiều vụ việc tương tự đã diễn ra, liên quan đến các sản phẩm làm đẹp, thực phẩm chức năng, hay thậm chí là các loại thực phẩm tiêu dùng. Những sự cố này cho thấy việc thiếu trách nhiệm trong kiểm tra và giám sát nội dung quảng cáo của cơ quan quản lý.
Theo quy định tại khoản 15, Điều 34, Nghị định Số 38/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, hành vi quảng cáo sai sự thật sẽ bị xử phạt từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, mức phạt này còn thấp so với khoản lợi mà người quảng cáo sai sự thật thu được.
Trước tình trạng quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm đang ngày càng phổ biến, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phát đi cảnh báo mạnh mẽ về các quảng cáo thiếu căn cứ này. Theo đó, để tránh bị lừa dối, người dân nên tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm, không tin vào những quảng cáo quá đà, cần tham khảo ý kiến từ các chuyên gia. Quan trọng nhất, sản phẩm phải được mua từ các nguồn uy tín, có đầy đủ nhãn mác và chứng nhận.
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, từ năm 2021 đến nay, thị trường thực phẩm có hơn 84.000 thực phẩm thông thường; 54.549 sản phẩm thực phẩm chức năng (29.779 thực phẩm bảo vệ sức khỏe, 350 thực phẩm dinh dưỡng y học, 1.287 thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; 23.133 thực phẩm bổ sung), trong đó đến 80,4% là sản phẩm sản xuất trong nước của 201 cơ sở sản xuất.
Bộ Y tế và các cơ quan chức năng đã triển khai các biện pháp kiểm soát thị trường thực phẩm chức năng. Theo đó, Bộ đã xử phạt tổng cộng 87 cơ sở với số tiền lên đến 16,858 tỷ đồng, trong khi các cơ quan chức năng tại địa phương đã xử phạt 20.881 cơ sở với tổng số tiền lên đến 123,84 tỷ đồng.
Các biện pháp này phản ánh sự quyết liệt trong công tác quản lý và giám sát, là lời cảnh báo mạnh mẽ đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng không tuân thủ quy định.
Để tăng cường kiểm soát các sản phẩm thực phẩm chức năng trên thị trường, Bộ Y tế đã thành lập Trung tâm đánh giá nguy cơ về an toàn thực phẩm thuộc Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm Quốc gia.
Theo bà Trần Việt Nga, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, cơ quan này đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo địa phương và các viện chuyên ngành thuộc Bộ Y tế tăng cường việc lấy mẫu giám sát và cảnh báo cộng đồng về những sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Các địa phương cũng được yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng trên địa bàn. Phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm, đồng thời thông tin vi phạm sẽ được công khai trên website của Bộ Y tế.
Bộ Y tế cũng phối hợp với Bộ Công an và Cơ quan quản lý thị trường của Bộ Công thương để kiểm soát các sản phẩm thực phẩm chức năng lưu thông trên thị trường, đặc biệt qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng bán hàng trực tuyến, website thương mại điện tử và các gian hàng kinh doanh trên các ứng dụng.
Bên cạnh đó, việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về an toàn thực phẩm và kiến thức về sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng cho doanh nghiệp cũng được Bộ Y tế chú trọng.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và địa phương để hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý về an toàn thực phẩm, bao gồm sửa đổi Luật An toàn thực phẩm và Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp và hậu kiểm.
D.Ngân