Những điểm mới trong Thông tư 26/2025/TT-BYT vừa được Bộ Y tế ban hành sẽ siết chặt công tác kê đơn thuốc ngoại trú, thúc đẩy nhanh quá trình liên thông đơn thuốc điện tử quốc gia, triển khai bệnh án điện tử trên toàn quốc từ năm 2026.
Bên cạnh đó, Thông tư này còn yêu cầu bổ sung các trường thông tin bắt buộc trong đơn thuốc như số định danh cá nhân, số căn cước công dân, số căn cước hoặc số hộ chiếu của người bệnh.... và đưa ra quy định cụ thể về liều dùng, số lần dùng thuốc trong ngày, thời gian sử dụng. Thay đổi kỹ thuật nhỏ nhưng lại có ý nghĩa lớn với người bệnh.
Ảnh minh họa/SKĐS
Thông tư cũng cập nhật các quy định mới theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 như: Việc kê đơn thuốc phải tuân thủ quy định chuyên môn kỹ thuật; Chỉ định sử dụng thuốc khi thật sự cần thiết, đúng mục đích, an toàn, hợp lý và hiệu quả; Đơn thuốc phải phù hợp với chẩn đoán bệnh).
Đồng thời, bổ sung quy định theo Luật Dược sửa đổi, bổ sung năm 2024, trong đó có hướng dẫn rõ hơn về xử lý thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất đã cấp cho người bệnh nhưng không sử dụng hết hoặc người bệnh tử vong.
Thông tư cũng đặt ra nguyên tắc kê đơn chặt chẽ, tăng cường kiểm soát thuốc kháng sinh, thuốc gây nghiện – tiến tới thực hiện kê đơn điện tử toàn quốc từ năm 2026.
Theo ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Thông tư 26 đưa ra nguyên tắc kê đơn “chỉ kê thuốc khi thật sự cần thiết” thực tế được quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023. Đây là nguyên tắc chung trong khám bệnh, chữa bệnh. Người hành nghề chỉ thực hiện dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, hay kê đơn trong trường hợp thực sự cần thiết, không được lạm dụng. Trên thực tế, người kê đơn phải căn cứ trên chẩn đoán bệnh, tình trạng bệnh của người bệnh, các tài liệu quy định làm căn cứ kê đơn tại Thông tư để chỉ định thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả.
Ảnh minh họa.
Một điểm rất quan trọng là từ ngày 1/10/2025, tất cả các bệnh viện sẽ phải thực hiện kê đơn thuốc điện tử và đến ngày 1/1/2026, tất cả cơ sở khám chữa bệnh khác cũng sẽ bắt buộc thực hiện kê đơn điện tử. Khi đó, hệ thống kê đơn và bán thuốc sẽ kết nối được với nhau. Người bệnh đi mua thuốc sẽ được kiểm soát theo đơn đã kê trong hệ thống. Những đơn nào được bán đến đâu, những loại thuốc nào bị bán sai so với kê đơn, tất cả đều có thể theo dõi được. Đây là bước tiến rất lớn trong kiểm soát tình trạng bán thuốc không theo đơn, đặc biệt là thuốc kháng sinh.
Một trong những điểm mới đáng chú ý tại Thông tư 26 là quy định cụ thể hơn về trách nhiệm kê đơn, cấp phát, hoàn trả và xử lý thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất trong điều trị ngoại trú.
Cụ thể, theo Điểm b Khoản 2 Điều 12 của Thông tư, khi người bệnh không còn nhu cầu sử dụng, không sử dụng hết thuốc, hoặc trong trường hợp người bệnh tử vong, thì người bệnh hoặc người đại diện hợp pháp có trách nhiệm trả lại phần thuốc chưa sử dụng cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã cấp thuốc.
Đồng thời, Khoản 3 Điều 12 quy định, cơ sở khám, chữa bệnh có trách nhiệm tiếp nhận phần thuốc này và xử lý theo quy định về quản lý thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất hiện hành. Điều này nhằm tránh tình trạng thuốc nhạy cảm bị thất thoát, sử dụng sai mục đích hoặc tuồn ra ngoài thị trường.
Ngoài ra, Thông tư cũng nhấn mạnh vai trò của Sở Y tế và các cơ quan chuyên môn tại địa phương trong việc đảm bảo đủ nguồn cung hợp pháp các loại thuốc này để phục vụ nhu cầu điều trị trên địa bàn.
Đây là bước cụ thể hóa các nội dung đã được quy định tại Luật Dược sửa đổi năm 2024, và thể hiện nỗ lực siết chặt quản lý thuốc đặc biệt, vừa đảm bảo quyền lợi điều trị cho người bệnh, vừa phòng ngừa nguy cơ lạm dụng, buôn bán, sử dụng sai mục đích.
Bình Nguyên