Bộ Y tế nhấn mạnh, việc kiểm tra, giám sát sẽ được duy trì thường xuyên, liên tục, đảm bảo không có “vùng trống”, “vùng cấm” trong công tác quản lý Nhà nước về y tế. Ảnh minh họa: VGP
Đây là hoạt động trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là liên quan đến thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế và thuốc cổ truyền.
Theo đó, Bộ Y tế đã thành lập nhiều tổ kiểm tra chuyên ngành thuộc các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ. Cụ thể:
Cục Quản lý Dược thành lập 5 tổ kiểm tra tập trung vào các cơ sở sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu và bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc và mỹ phẩm.
Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền thành lập 2 tổ kiểm tra việc tuân thủ pháp luật tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc cổ truyền, dược liệu, phòng khám y học cổ truyền.
Cục An toàn thực phẩm thành lập 5 tổ kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh nguyên liệu thực phẩm, sữa, thực phẩm chức năng.
Cục Hạ tầng và Thiết bị y tế thành lập 3 tổ kiểm tra đối với các cơ sở liên quan đến thiết bị y tế.
Các tổ kiểm tra sẽ phối hợp với Sở Y tế địa phương để kiểm tra đột xuất, phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm theo quy định pháp luật. Thành phần nhân sự tham gia các tổ kiểm tra của mỗi Cục là cán bộ công chức công tác tại đơn vị và công chức thuộc các đơn vị khác được trưng dụng, đảm bảo tính khách quan và hiệu quả trong hoạt động giám sát.
Cùng với đó, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành trên địa bàn. Đối tượng kiểm tra là các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trực tiếp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm y tế như: thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế và thuốc cổ truyền.
Nội dung kiểm tra tập trung vào: hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo quản, lưu trữ sản phẩm; việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong quá trình xuất khẩu, nhập khẩu và phân phối; kiểm tra hoạt động quảng cáo thuốc cổ truyền, thực phẩm chức năng, đặc biệt là việc tham gia giới thiệu sản phẩm của nhà khoa học, cán bộ quản lý ngành y tế.
Thông qua hoạt động này, Bộ Y tế mong muốn kịp thời chấn chỉnh các hành vi vi phạm, xử lý nghiêm các trường hợp quảng cáo sai sự thật, phóng đại công dụng sản phẩm không có cơ sở khoa học.
Tháng cao điểm được Bộ Y tế xác định là hoạt động triển khai đồng bộ, quyết liệt và liên tục, không dừng lại ở kiểm tra hành chính mà còn kết hợp với tuyên truyền, vận động và truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc giả, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các nhà khoa học, cán bộ quản lý y tế ký cam kết không tham gia quảng cáo, giới thiệu các sản phẩm y tế khi chưa kiểm chứng rõ ràng về nguồn gốc và căn cứ khoa học. Những cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Đồng thời, Bộ kêu gọi người dân tích cực tham gia giám sát, tố giác các hành vi buôn lậu, sản xuất và kinh doanh hàng giả, thông qua báo chí, mạng xã hội và các kênh tiếp nhận thông tin chính thống. Việc này không chỉ giúp nâng cao ý thức cộng đồng mà còn phát huy vai trò giám sát xã hội trong phòng, chống gian lận thương mại.
Bộ Y tế nhấn mạnh, việc kiểm tra, giám sát sẽ tiếp tục được duy trì thường xuyên, liên tục, đảm bảo không có “vùng trống”, “vùng cấm” trong công tác quản lý Nhà nước về y tế, đồng thời khẳng định quyết tâm chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực y tế trong thời gian tới.
Mây Hạ