Chưa ghi nhận virus cúm thay đổi độc lực
Thông tin về diễn biến bệnh cúm tại Việt Nam trong thời gian qua, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, số trường hợp mắc cúm gia tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và trong thời gian dịp Tết Nguyên đán, tuy nhiên không có sự gia tăng đột biến so với số mắc được ghi nhận cùng kỳ hàng năm trước đây.
Theo thống kê, tính từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận 912 trường hợp mắc cúm, không có ca tử vong. Số ca mắc giảm 97% so với cùng kỳ năm 2024 (với 34.442 ca).
Đặc biệt, các ca mắc cúm hiện tại không ghi nhận thay đổi về độc lực, chủ yếu là cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B.
Điều trị cho bệnh nhân mắc cúm trong tình trạng nặng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Minh Quyết
Hiện nay, ghi nhận tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội như: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương… các bác sĩ đã tiếp nhận và đang điều trị cho nhiều trường hợp bệnh nhân nhiễm cúm trong tình trạng nặng. Trong đó, có một số trường hợp mắc cúm A, có bệnh nhân phải can thiệp ECMO, bệnh nhân mắc bệnh cúm trên nền bệnh lý khác.
Trước đó, năm 2024, nước ta ghi nhận 289.876 trường hợp mắc cúm mùa, 8 ca tử vong. Cũng trong năm 2024, ghi nhận 4 trường hợp tử vong do cúm A (H1N1) tại Bình Định, đây là các trường hợp có bệnh nền mãn tính nặng, không ghi nhận biến thể của virus. Một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao: Thanh Hóa (46.600 trường hợp), Thái Bình (26.345), Nghệ An (17.949), Hà Tĩnh (14.073), Sơn La (10.162).
Giám sát chặt cúm mùa, khuyến cáo người dân phòng bệnh
Theo Bộ Y tế, thời điểm hiện nay, đang trong giai đoạn thời tiết mùa đông xuân với điều kiện khí hậu gió mùa, nồm ẩm, thuận lợi cho các mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp phát triển dẫn đến nguy cơ gia tăng số mắc như cúm mùa, sởi, sốt phát ban...
Bên cạnh đó, thời gian này cũng là mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao; thường xuyên xảy ra việc tập trung đông người tại các địa điểm du lịch, vui chơi, giải trí và các khu vực công cộng, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm.
Để chủ động công tác phòng, chống bệnh cúm mùa, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan quán triệt việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tổ chức triển khai hiệu quả tiêm chủng chống dịch sởi, nhằm đảm bảo tiêm chủng đầy đủ cho các nhóm đối tượng, để nhanh chóng kiểm soát tình hình.
Chỉ đạo việc thực hiện rà soát đối tượng tiêm chủng để tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ các mũi vaccine phòng bệnh sởi; tiếp tục duy trì và tăng cường tỷ lệ tiêm chủng các vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Chỉ đạo ban quản lý các cụm, khu công nghiệp, các địa điểm du lịch, vui chơi, giải trí, các trung tâm thương mại, địa điểm công cộng và ngành Giáo dục phối hợp với ngành y tế triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh...
Về phía người dân, Bộ Y tế khuyến cáo đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; tiêm vaccine phòng bệnh.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi), không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết, thực hiện lối sống lành mạnh, ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm; tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, người dân không nên tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thống kê, mỗi năm có khoảng một tỷ ca mắc cúm mùa, trong đó 3-5 triệu ca nặng, 290.000 đến 650.000 ca tử vong.
Tại một số quốc gia, bệnh cúm thường xuất hiện vào mùa lạnh. Như Nhật Bản ghi nhận số nhiễm cúm tăng vào quý IV hàng năm, trong đó cuối năm 2024 và đầu năm 2025 ghi nhận số nhiễm cao kỷ lục. Ở Việt Nam, bệnh cúm xuất hiện quanh năm.
Thảo Nguyên