Bộ Y tế thông tin về sản phẩm thuốc giả đã bị cơ quan công an bắt giữ

Bộ Y tế thông tin về sản phẩm thuốc giả đã bị cơ quan công an bắt giữ
2 ngày trướcBài gốc
Công an tỉnh Thanh Hóa ngày 16/4 cho biết đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược, chữa xương khớp giả quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo chí chiều nay (17/4), ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho hay trong số 21 loại sản phẩm đã bị cơ quan công an bắt giữ, có 4 loại giả các thuốc tân dược. Cụ thể là 44 hộp có nhãn Tetracyclin, 40 hộp có nhãn Clorocid, 49 hộp có nhãn Pharcoter, 52 hộp có nhãn Neo-Codion.
Còn lại là 39.323 hộp thuộc 17 loại sản phẩm giả, nghi là thuốc đông dược. Các sản phẩm có nhãn ghi mục đích sử dụng như thuốc chữa bệnh.
Ông Tạ Mạnh Hùng cho biết thêm: "Các sản phẩm do các đối tượng làm giả không xâm nhập được vào hệ thống các bệnh viện công lập do không có đầy đủ giấy tờ, chứng từ để tham gia đấu thầu. Do đó những sản phẩm giả này chủ yếu được bán trên mạng và tại các kênh bán lẻ".
Lực lượng công an kiểm tra thuốc tân dược giả
Để đảm bảo chất lượng thuốc, Bộ Y tế đã triển khai hàng loạt các hoạt động tiền kiểm, hậu kiểm trong toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và ban hành nhiều quyết định xử phạt nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cũng cho biết, Bộ Y tế và Bộ Công an đã ký quy chế phối hợp số 03/QCPH-BCA-BYT ngày 18/11/2024, trong đó hai bộ sẽ phối hợp trong cung cấp thông tin, tài liệu, tình hình liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, phân phối lưu thông thuốc trong đó có thuốc giả, thuốc kém chất lượng.
Thực hiện Chỉ thị 17 của Thủ tướng năm 2018, những năm qua, Bộ Công an, Bộ Công thương và Bộ Y tế cùng các bộ ngành, thông qua Ban chỉ đạo 389, đã triển khai hàng loạt các hoạt động phòng chống sản xuất buôn bán thuốc giả, phát hiện và xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định.
Bộ Y tế cũng đã có nhiều văn bản gửi UBND các tỉnh, chỉ đạo sở y tế và các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc; thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh phòng, chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.
"Tỉ lệ thuốc giả trong những năm gần đây đều dưới 0,1%. Trong 2023-2024, một số địa phương như Thanh Hóa, Hà Nam, Hà Nội báo cáo phát hiện 1 số lô thuốc Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter, Neo-Codion giả", ông Hùng cho biết.
Trước đó như VOV.VN thông tin, ngày 16/4, công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với qui mô lớn trên phạm vi toàn quốc, bắt giữ 14 đối tượng về tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh”.
Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận từ năm 2021 đến khi bị bắt đã bán ra thị trường số lượng thuốc giả rất lớn, số tiền thu lời bất chính ước tính gần 200 tỷ đồng.
Nguyễn Hà/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/xa-hoi/bo-y-te-thong-tin-ve-san-pham-thuoc-gia-da-bi-co-quan-cong-an-bat-giu-post1192802.vov