Chiều ngày 22/5, Đoàn công tác của Bộ Y tế Việt Nam do GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia dẫn đầu đã có buổi thăm và làm việc với Cơ quan Y Sinh học Quốc gia Pháp (Agence de la biomédecine).
Tham gia đoàn có đại diện nhiều đơn vị chuyên môn như Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch Tài chính, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, cùng đại diện các bệnh viện lớn như Việt Đức, Trung ương Huế, Chợ Rẫy, Thống Nhất, Bệnh viện K và Sở Y tế Quảng Ninh.
Mô hình điều phối hiến - ghép tạng hiện đại và toàn diện
Cơ quan Y Sinh học Quốc gia Pháp được thành lập năm 2004, trực thuộc Bộ Y tế Pháp, có vai trò trung tâm trong quản lý và điều phối toàn bộ hoạt động liên quan đến hiến và ghép tạng, mô, tế bào và các lĩnh vực y sinh học đặc biệt khác.
GS.TS. Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế tặng quà lưu niệm cho Cơ quan Y Sinh học Pháp.
Trong lĩnh vực hiến và ghép tạng, Cơ quan này chịu trách nhiệm giữ vai trò trung tâm trong toàn bộ quy trình, từ tuyên truyền, xác định người hiến, vận chuyển, phân bổ đến thực hiện ghép tạng, với mục tiêu bảo đảm tính công bằng, minh bạch và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật. Cơ quan chịu trách nhiệm quản lý danh sách chờ ghép và danh sách từ chối hiến tạng cấp quốc gia, đồng thời giám sát chất lượng và an toàn chuyên môn trong toàn bộ quy trình.
Để nâng cao hiệu quả hệ thống, cơ quan đặc biệt chú trọng các nhiệm vụ chiến lược như: đào tạo và phát triển đội ngũ điều phối viên, giám sát viên và chuyên gia đánh giá chất lượng; chuẩn hóa quy trình kỹ thuật và tăng cường chuyển giao công nghệ; mở rộng nguồn người hiến tạng, đặc biệt từ các trường hợp chết tim, tai nạn và từng bước triển khai hiến tạng ở trẻ em.
Song song với đó, cơ quan nỗ lực tìm kiếm và tăng cường nguồn lực tài chính nhằm bảo đảm tính bền vững của hoạt động ghép tạng, đồng thời phát triển các trung tâm lấy và ghép tạng theo chuẩn quốc gia, làm mô hình điểm để nhân rộng trong toàn hệ thống y tế.
Năm 2023, Pháp thực hiện 6.034 ca ghép tạng, trong đó 60% là ghép thận, còn lại là gan, tim, phổi và các tạng khác. Đáng chú ý, gần 7.000 ca ghép giác mạc cũng được thực hiện. Danh sách chờ ghép đạt con số 23.421 người, còn danh sách hiến tủy xương có tới 385.562 người đăng ký, với 1.174 ca ghép tủy được thực hiện.
Quản lý thông minh bằng hệ thống số hóa quản lý thông tin điều phối ghép tạng
Hoạt động điều phối ghép tạng tại Pháp được vận hành qua phần mềm chuyên dụng Cristal. Hệ thống này tích hợp đầy đủ dữ liệu của người hiến, người nhận, tình trạng tạng, chỉ số ưu tiên và cho phép truy cập theo phân quyền để điều phối hiệu quả và tức thời.
Mỗi loại tạng có chỉ số ưu tiên riêng, trong đó các trường hợp nguy cấp sẽ được ghép trước. Quy trình phản hồi của các bệnh viện được kiểm soát chặt chẽ: ghép gan yêu cầu phản hồi trong vòng 20 phút, còn ghép thận trong vòng 1 giờ.
Ngoài ghép tạng, cơ quan Y Sinh học Quốc gia Pháp còn quản lý và cấp phép các hoạt động y sinh học quan trọng khác:
Hiến và ghép tế bào gốc tạo máu (tủy xương);
Hỗ trợ sinh sản y học (AMP): Giám sát trung tâm hỗ trợ sinh sản, quản lý dữ liệu và cấp phép;
Nghiên cứu trên phôi và tế bào gốc phôi người: Cấp phép, giám sát tuân thủ đạo đức;
Chẩn đoán di truyền trước sinh và trước cấy ghép: Cấp phép và đảm bảo chất lượng dịch vụ;
Di truyền y học: Cung cấp khuyến nghị xét nghiệm và truyền thông kiến thức cho cộng đồng.
Số liệu cho thấy hoạt động hỗ trợ sinh sản cũng phát triển mạnh: Năm 2022 có 27.000 ca thụ tinh nhân tạo, 714 trường hợp hiến tinh trùng, 943 hiến trứng. Mỗi năm có khoảng 13.400 trường hợp vô sinh cần hỗ trợ. Năm 2023, có 540.306 người được nghiên cứu về gen, 81.667 người được xét nghiệm và can thiệp gen. Năm 2022, có 38.473 ca chẩn đoán trước sinh được hỗ trợ.
Đoàn công tác Bộ Y tế tại Pháp
Nhân lực và tài chính: Đầu tư bài bản, vận hành chuyên nghiệp
Cơ quan Y Sinh học Quốc gia Pháp hiện có 250 nhân viên làm việc tại trụ sở chính ở Paris và 40 người tại các tỉnh, dưới sự điều phối thống nhất. Một bộ phận chuyên điều phối hoạt động 24/7 gồm 26 người, chia thành ca ngày và đêm.
Ngân sách cho giai đoạn 2022–2026 là 210 triệu Euro, tập trung vào đào tạo và cấp chứng chỉ cho người lấy tạng. Toàn bộ quy trình ghép tạng đều được bảo hiểm y tế chi trả 100%, trong đó 80% từ bảo hiểm xã hội và 20% từ bảo hiểm tư nhân.
Pháp hiện có 45 bệnh viện thực hiện ghép gan; 184 đơn vị được phép lấy thận; Tỷ lệ ghép từ người cho sống chỉ chiếm 10%, trong đó với ghép thận là 16%. Người hiến sống phải sống chung với người nhận ít nhất 2 năm, được chứng minh qua tài khoản ngân hàng và hóa đơn sinh hoạt chung, có xác nhận của thẩm phán.
Chính sách pháp luật và chiến lược truyền thông
Theo luật của Pháp, tất cả mọi công dân đều được coi là người có thể hiến tạng sau khi chết não, trừ khi có đơn đăng ký từ chối hoặc gia đình xác nhận người đó không có nguyện vọng hiến. Tỷ lệ đồng ý hiến tạng hiện ở mức 80%, và Cơ quan Y Sinh học đặt mục tiêu mở rộng con số này, hướng đến toàn bộ dân số 65 triệu người, bao gồm cả trẻ em (với sự đồng thuận của cha mẹ).
Đặc biệt, Pháp tổ chức Ngày Hiến tạng Quốc gia (22/6) hàng năm để thúc đẩy cộng đồng thảo luận và chia sẻ về nguyện vọng hiến tạng. Các kênh truyền thông từ truyền hình, mạng xã hội đến các vật phẩm công cộng như áo, túi xách, ruy băng… được sử dụng đồng bộ. Đối với giới trẻ, TikTok được lựa chọn làm kênh tuyên truyền chính.
Hai nhóm dân số khó tiếp cận nhất trong vận động hiến tạng là người từ 18–20 tuổi (chủ quan, cho rằng "bất tử") và người trên 70 tuổi (nghĩ rằng tạng không còn giá trị sử dụng).
Đoàn công tác của Bộ Y tế làm việc với Cơ quan Y Sinh học Pháp.
Buổi làm việc đã mang lại cho Đoàn công tác Bộ Y tế Việt Nam những cái nhìn toàn diện về mô hình điều phối hiến – ghép tạng hiệu quả và hiện đại tại Pháp. Những kinh nghiệm quý giá này sẽ là cơ sở để Việt Nam tiếp tục xây dựng hệ thống hiến và ghép tạng công bằng, minh bạch và bền vững, góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân và nâng cao chất lượng y tế.
Thay mặt Bộ Y tế, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cám ơn Cơ quan Y Sinh học của Pháp đã cung cấp chia sẻ nhiều thông tin hữu ích trong bối cảnh Việt Nam đang xem xét sửa đổi Luật Hiến lấy ghép mô và bộ phận cơ thể người.
Thứ trưởng cũng đề cập đến việc ký kết hợp tác giữa Cơ quan Y Sinh học Pháp và Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia của Việt Nam, đồng thời cũng đề nghị Cơ quan Y Sinh học quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ đào tạo nhân lực cho Việt Nam.
Thứ trưởng cũng đánh giá cao vai trò hợp tác của Pháp và Việt Nam trong lĩnh vực y tế đặc biệt là nhiều bác sĩ đã được học tập tại Pháp.
Thay mặt đoàn công tác, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn chuyển lời cám ơn của Bộ trưởng Đào Hồng Lan về những gì Ngành y tế Pháp đã hỗ trợ, hợp tác, giúp đỡ Việt Nam trong thời gian qua. Thứ trưởng cũng mong muốn có sự hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hơn nữa trong lĩnh vực ghép tạng.
Đại diện Cơ quan Y Sinh học Quốc gia Pháp trân trọng cảm ơn Thứ trưởng Trần Văn Thuấn vì đã dành thời gian tới thăm và làm việc, đồng thời bày tỏ sự cảm kích trước những chia sẻ sâu sắc, thực tiễn và định hướng hợp tác chiến lược mà Thứ trưởng đã nêu ra. Phía bạn đánh giá cao sự hiện diện của Thứ trưởng, người đứng đầu Hội đồng Y khoa Quốc gia Việt Nam và là lãnh đạo cao cấp của ngành y tế, coi đây là minh chứng sinh động cho cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc phát triển hệ thống hiến, ghép tạng theo hướng hiện đại, minh bạch và nhân văn. Buổi làm việc ngày hôm nay sẽ tạo nền tảng vững chắc để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác ngày càng thực chất và hiệu quả giữa hai bên.
Cơ quan Y Sinh học Quốc gia Pháp nhất trí cao với các nội dung mà Thứ trưởng đã nêu, và khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người Việt Nam để xây dựng dự thảo thỏa thuận hợp tác, tiến tới ký kết và triển khai các hoạt động cụ thể trong thời gian tới.
Đoàn công tác Bộ Y tế đưa tin từ Pháp