Bộ Y tế đã có công văn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tăng cường triển khai Nghị quyết số 173/2024/QH15 của Quốc hội về việc cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Tại văn bản do GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế ký ban hành, Bộ Y tế nêu rõ, ngày 30/11/2024, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 173/2024/QH15, trong đó thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025.
Nhằm triển khai Nghị quyết số 173/2024/QH15 của Quốc hội, Bộ Y tế đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp và chỉ đạo thực hiện đẩy mạnh kiểm tra, phát hiện, xử phạt nghiêm các trường hợp quảng cáo sản phẩm thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên mạng internet.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến tới công chức, viên chức, người lao động về quy định cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng theo tỉnh thần của Nghị quyết số 173/2024/QH15 của Quốc hội.
Bộ Y tế cho biết qua theo dõi cho thấy, hiện nay việc mua bán, quảng cáo các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang diễn ra khá phổ biến, đặc biệt trên mạng internet.
Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng đối với hành vi chứa chấp, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định trên đối với hành vi tái phạm.
Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn chịu hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đối với các hành vi vi phạm quy định trên.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; Gửi thông báo xử phạt vi phạm hành chính tới cơ quan, tổ chức người vi phạm làm việc, học tập để cơ quan, tổ chức đó xử lý theo quy định, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức.
Bộ Y tế cho biết, qua kết quả điều tra trong những năm qua về tình hình sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng theo các nhóm tuổi, giới tính cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ngày càng tăng và tăng rất nhanh chóng. Đặc biệt, đã có xu hướng gia tăng sử dụng sản phẩm này ở trẻ em gái.
Theo Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại 34 tỉnh, thành phố năm 2020 (PGATS): Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành (15 tuổi trở lên) tăng 18 lần (từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020), trong đó tỷ lệ sử dụng cao nhất tập trung ở nhóm tuổi 15-24 với tỉ lệ là 7,3% sau đó là các nhóm tuổi 25 - 44 tuổi (3,2%), 45 - 64 tuổi (1,4%).
Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-15, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023; Ở nữ giới tuổi 11-18, cũng theo kết quả sơ bộ của điều tra 11 tỉnh thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 4,3% năm 2023.
Bộ Y tế cho rằng bằng rất nhiều nỗ lực, công sức và kinh phí của nhiều cấp, nhiều ngành và Ủy ban nhân dân các cấp, tỷ lệ hút thuốc lá điếu thông thường đã giảm đáng kể. Tuy nhiên sự xuất hiện của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đã dẫn đến tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng các sản phẩm này ở trẻ em.
Theo Bộ Y tế, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hấp dẫn và thu hút giới trẻ như hướng đến phong cách sống thời thượng; kiểu dáng, hương vị đa dạng, hấp dẫn (gấu, hộp sữa, đồng hồ đeo tay..). Thuốc lá điện tử có giá rất rẻ, vài chục nghìn cũng có thể mua được, nên các em dễ dàng sở hữu các sản phẩm này.
Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng rất dễ tìm kiếm, việc mua bán dễ dàng diễn ra nhanh chóng, thuận tiện từ các trang mạng xã hội hay các địa điểm bán lẻ, thậm chí có điểm bán gần khu vực trường học.
Các thông tin quảng cáo, tiếp thị của các công ty thuốc lá gây hiểu nhầm cho người sử dụng như có công dụng cai nghiện, giảm phơi nhiễm, giảm hại… thậm chí sử dụng các thần tượng của giới trẻ để quảng bá các sản phẩm này.
Đây là điều cực kỳ đáng báo động trong giới trẻ vì các sản phẩm này ngoài tính chất độc hại, gây bệnh, còn gây nghiện nicotin và nghiện ma túy do tình trạng "núp bóng" thuốc lá điện tử trộn ma túy, ảnh hưởng cả một thế hệ tương lai của đất nước.
Thái Bình