Bộ Y tế yêu cầu không để lây lan dịch cúm A/H1pdm tại Bình Định

Bộ Y tế yêu cầu không để lây lan dịch cúm A/H1pdm tại Bình Định
3 giờ trướcBài gốc
Theo đó, Cục Y tế dự phòng đề nghị Giám đốc Sở Y tế Bình Định khẩn trương chỉ đạo các đơn vị y tế thực hiện tốt việc báo cáo tổng thể tình hình bệnh cúm trên địa bàn tỉnh và các biện pháp phòng, chống dịch đã triển khai trong năm 2023-2024, phân tích tỷ lệ các trường hợp nặng, tử vong do bệnh cúm.
Báo cáo công tác giám sát cúm, đặc biệt làm rõ kết quả giám sát viêm phổi nặng do virus để cho thấy thực trạng tình hình nhiễm và tử vong do bệnh cúm tại tỉnh Bình Định, báo cáo những vấn đề bất thường về bệnh cúm tại tỉnh (nếu có) gửi Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) trước ngày 29.11.2024.
Đồng thời, tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh cúm, triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, hạn chế lây lan ra diện rộng. Đẩy mạnh giám sát các trường hợp viêm phổi nặng và các chùm trường hợp bệnh cúm tại cộng đồng và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh. Phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang chủ động đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình để triển khai các biện pháp chống dịch phù hợp, kịp thời.
Cục Y tế dự phòng cũng yêu cầu Sở Y tế Bình Định khẩn trương chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám, phân tuyến điều trị, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong, đặc biệt chú ý đối với các trường hợp mắc cúm trong nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh mạn tính (bệnh tim mạch, lao phổi, tiểu đường, suy dinh dưỡng, bệnh nhân AIDS, ...), người già và trẻ em.
Thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo, không để lây lan và bùng phát ổ dịch cúm tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Bên cạnh đó, Sở Y tế Bình Định cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền về các biện pháp phòng chống bệnh cúm, hướng dẫn cộng đồng chủ động thực hiện tốt việc phòng bệnh, nhấn mạnh thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, che miệng khi ho, hắt hơi, không khạc nhổ bừa bãi, không tự ý mua và sử dụng thuốc kháng virus mà cần phải tuân theo chỉ định và hướng dẫn của cán bộ y tế. Tuyên truyền, vận động người dân chủ động tiêm vaccine phòng bệnh cúm đối các chủng cúm đã có vaccine.
Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về giám sát, phòng chống bệnh cúm, các biện pháp xử lý ổ dịch, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, cấp cứu, chăm sóc người bệnh và các biện pháp kiểm soát lây nhiễm.
Thực hiện rà soát đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực... phục vụ cho các hoạt động phòng, chống dịch. Tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh, tập trung vào khu vực có ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh cúm, các địa phương có ổ dịch.
Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị Sở Y tế Bình Định thực hiện nghiêm việc báo cáo kịp thời, đầy đủ các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch cúm trên Hệ thống quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm theo quy định.
Bệnh cúm mùa do chủng cúm A/H1N1 (còn gọi là chủng cúm lợn) là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây lan qua hắt hơi, ho khạc và tiếp xúc trực tiếp với các đồ vật bị nhiễm virus sau đó làm lây nhiễm qua đường mũi họng. Ngoài chủng virus cúm A/H1N1, các chủng virus cúm chủ yếu khác gây bệnh cúm mùa bao gồm A/H3N2, cúm B và cúm C.
Theo đại diện Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cúm A(H1N1)pdm là chủng cúm mùa thông thường. Virus cúm này được phát hiện đầu tiên trong đại dịch cúm năm 2009 nên có tên là pandemic (pdm).
Để phòng chống cúm A(H1N1), Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt và mũi, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; không khạc nhổ bừa bãi; hàng ngày sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng, mắt; tránh tiếp xúc gần với người bệnh hoặc người nghi nhiễm cúm.
Ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng. Thường xuyên vệ sinh, lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc
Bên cạnh đó, người dân có thể đi tiêm vaccine để phòng bệnh. Những trường hợp sốt cao, khó thở cần chủ động cách ly, đeo khẩu trang và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử lý, phòng tránh lây lan.
Việc nhận biết và phát hiện sớm các dấu hiệu mắc bệnh có thể giúp điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong. Các gia đình nên đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi, tiêm nhắc lại để chủ động phòng tránh bệnh dịch.
Nguyễn Liên
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/bo-y-te-yeu-cau-khong-de-lay-lan-dich-cum-ah1pdm-tai-binh-dinh-post397637.html