Ảnh minh họa.
Trước thực trạng này, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 40/CĐ-TTg ngày 17/4/2025 về việc xử lý vụ việc sản xuất, phân phối sữa giả, Bộ Y tế - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã ban hành Công văn số 2657/BYT-ATTP ngày 5/5/2025, yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường quản lý an toàn thực phẩm trên toàn quốc.
Theo đó, Bộ Y tế nhấn mạnh việc siết chặt công tác thanh tra, kiểm tra thị trường, tập trung vào các sản phẩm có nguy cơ cao như thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm giả, sữa giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe kém chất lượng, chưa được công bố hợp lệ. Mục tiêu là phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu các địa phương và cơ quan chức năng tăng cường giám sát hoạt động quảng cáo thực phẩm trên môi trường mạng và các phương tiện truyền thông đại chúng. Việc quảng cáo sai sự thật, phóng đại công dụng hoặc sử dụng hình ảnh, lời chứng thực không đúng quy định sẽ bị xử lý nghiêm minh.
Đồng thời, các chiến dịch truyền thông tuyên truyền kiến thức về an toàn thực phẩm cũng sẽ được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức xã hội, giúp người dân lựa chọn và sử dụng sản phẩm một cách an toàn, có trách nhiệm.
Một trong những trọng tâm khác được Bộ Y tế chỉ đạo là rà soát, cập nhật và đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật liên quan đến quản lý an toàn thực phẩm, đặc biệt với nhóm sản phẩm như sữa, thực phẩm dinh dưỡng và thực phẩm chức năng.
Trong trường hợp cần thiết, các cơ quan chức năng phải chủ động đề xuất điều chỉnh chính sách nhằm hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, liên quan công tác hậu kiểm, Cục An toàn thực phẩm vừa ban hành công văn số 960/ATTP-NĐTT gửi các Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. Đà Nẵng và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh, thành phố yêu cầu các đơn vị này quan tâm đặc biệt đến công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm, kiểm soát quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng.
Cục An toàn thực phẩm yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, hậu kiểm và phát hiện các hành vi quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, trang thương mại điện tử, và sàn thương mại điện tử. Các hành vi vi phạm sẽ được xử lý nghiêm, công khai các đường link, địa chỉ vi phạm để người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận diện và tránh mua sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc. Việc này không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng mà còn bảo vệ nền tảng kinh doanh lành mạnh và bền vững.
Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh sự cần thiết phải xử lý các vi phạm quảng cáo sản phẩm thực phẩm, thực phẩm chức năng để ngừng các hành vi gian lận thương mại và không để người tiêu dùng bị lừa dối. Công tác kiểm tra cần phải kịp thời và hiệu quả để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Trong trường hợp các đơn vị chức năng không thể xác định được chủ thể thực hiện hành vi vi phạm quảng cáo, Cục An toàn thực phẩm yêu cầu các Sở Y tế và cơ quan liên quan phối hợp với các cơ quan chức năng khác như Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa địa phương, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương) để xác định và xử lý các vi phạm theo quy định hiện hành. Điều này nhằm đảm bảo rằng các hành vi vi phạm sẽ không bị bỏ qua và các tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm minh.
Thông qua công tác hậu kiểm chặt chẽ và xử lý vi phạm, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng mong muốn nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, giúp họ phân biệt được các sản phẩm thực phẩm, thực phẩm chức năng an toàn và chất lượng. Đồng thời, việc công khai các đường link, địa chỉ vi phạm sẽ giúp ngăn ngừa việc mua bán và sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, gây nguy hại cho sức khỏe người dân.
Về đấu tranh chống hàng giả liên quan lĩnh vực thực phẩm, thông tin từ Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, chỉ tính riêng trong giai đoạn từ 1/1 đến 14/4/2025, Cục An toàn thực phẩm đã triển khai sáu đoàn kiểm tra, hậu kiểm trên phạm vi cả nước.
Kết quả cho thấy, đã có 5 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng bị xử phạt với tổng cộng 7 hành vi vi phạm, số tiền xử phạt lên tới gần 370 triệu đồng. Đây là minh chứng cho nỗ lực kiên quyết của ngành y tế trong việc lập lại trật tự thị trường thực phẩm.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo tăng cường hậu kiểm, đặc biệt với các mặt hàng thực phẩm chức năng - nhóm sản phẩm đang có nhiều diễn biến phức tạp.
Các địa phương được yêu cầu tích cực thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm như buôn bán thực phẩm giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, ghi nhãn sai quy định hoặc chứa chất cấm.
Đáng chú ý, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 2021/BYT-ATTP về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, đồng thời chỉ đạo các địa phương tiếp tục phối hợp liên ngành trong việc đấu tranh chống thực phẩm giả, buôn lậu, gian lận thương mại và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thực phẩm chức năng.
Song song với các biện pháp hành chính và pháp lý, Bộ Y tế cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng hệ thống cảnh báo thực phẩm không đảm bảo an toàn. Các cơ sở vi phạm sẽ được công khai trên các kênh truyền thông chính thống để người dân kịp thời nắm bắt, phòng tránh.
Trong lĩnh vực quảng cáo, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tham mưu sửa đổi Luật Quảng cáo nhằm siết chặt quản lý hoạt động quảng bá các sản phẩm liên quan đến sức khỏe, đảm bảo nội dung quảng cáo đúng với hồ sơ đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
Đồng thời, Bộ cũng tăng cường công tác truyền thông thông qua việc đăng tải công khai các quyết định xử phạt, cảnh báo sản phẩm không an toàn, hướng dẫn phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và kế hoạch kiểm tra, giám sát định kỳ.
Các hoạt động rà soát, kiểm duyệt nội dung quảng cáo trên mạng xã hội, website và chuyển hồ sơ vi phạm đến cơ quan chức năng tiếp tục được duy trì và triển khai hiệu quả.
Bộ Y tế cũng đang lấy ý kiến doanh nghiệp để hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, đảm bảo tính minh bạch, đồng thuận trong thực thi chính sách quản lý thực phẩm.
Với tinh thần chủ động, quyết liệt và đồng bộ, Bộ Y tế khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực kiểm soát chặt chẽ thị trường thực phẩm, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đồng thời củng cố niềm tin của người tiêu dùng vào chất lượng sản phẩm và sự nghiêm minh của pháp luật.
D.Ngân