Quang cảnh bên ngoài Ngân hàng Trung ương Canada tại Ottawa. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) đã cảnh báo chương trình nghị sự thuế quan thất thường của Tổng thống Mỹ Donald Trump có nguy cơ gây ra tình trạng hỗn loạn trên thị trường tài chính Canada, đồng thời có thể tạo ra suy thoái kinh tế và khiến hệ thống ngân hàng của nước này phải chịu thêm thách thức.
Trong năm qua, BoC đã bớt lo ngại hơn về rủi ro đối với sự ổn định tài chính trong nước, vì lãi suất đã giảm và các hộ gia đình Canada đã trả hết nợ, khiến ít có những cú sốc nghiêm trọng đối với chủ nhà đang gia hạn thế chấp.
Nhưng sự lạc quan trên mặt trận này đã nhanh chóng bị thay thế bằng những lo ngại về sự thay đổi đột ngột của chủ nghĩa bảo hộ ở Mỹ, điều mà ngân hàng này đánh giá là một rủi ro đáng kể mới trong báo cáo về tài chính thường niên vừa được công bố gần đây.
Theo Thống đốc BoC Tiff Macklem, tính dễ thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ có thể gây ra thêm biến động trên thị trường và căng thẳng về thanh khoản. Trong trường hợp xấu nhất, biến động thị trường có thể gây rối loạn cho chức năng của thị trường.
Ông Macklem cũng cảnh báo rằng sự leo thang của các hành động thù địch về thương mại có thể đẩy nền kinh tế Canada vào suy thoái nghiêm trọng và gây thêm áp lực lên hệ thống ngân hàng của nước này.
Ông này đánh giá rằng với mức nợ còn cao, một số hộ gia đình và doanh nghiệp có thể không theo kịp các khoản thanh toán. Nếu những khoản nợ xấu xảy ra ở quy mô đủ lớn, các ngân hàng có thể phải cắt giảm cho vay để đối phó.
Trong bối cảnh hiện tại, cả rủi ro tích cực và tiêu cực đối với nền kinh tế và hệ thống ngân hàng Canada đều gắn liền với Tổng thống Trump, người luôn có những kế hoạch thay đổi từng ngày.
Ông Trump đã công bố mức thuế trừng phạt đối với Canada và hàng chục quốc gia khác, bao gồm cả với Trung Quốc. Hiện nay, Nhà Trắng đang theo đuổi các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại với hàng chục quốc gia, cái có thể dẫn đến việc giảm rào cản thương mại.
Thủ tướng Canada Mark Carney đã có cuộc gặp thân mật với ông Trump ở Washington, trong đó hai bên đã nhất trí tiếp tục đàm phán thương mại. Mỹ vừa công bố một thỏa thuận thương mại với Anh và các quan chức nước này dự kiến sẽ gặp phía Trung Quốc để khởi động những cuộc đàm phán thương mại.
Chính sách thương mại của ông Trump đã làm đảo lộn các thị trường tài chính. Thông báo ông ta ngày 2/4 về mức thuế quan đối với hàng chục quốc gia đã gây ra sự sụt giảm lớn trên thị trường chứng khoán. Trong những ngày tiếp theo, điều này đã biến thành một đợt bán tháo đáng lo ngại hơn đối với trái phiếu kho bạc Mỹ và USD, do các nhà đầu tư từ bỏ những tài sản trú ẩn an toàn này và các quỹ đầu cơ buộc phải thanh lý những vị thế có đòn bẩy cao.
Sau đó một tuần, ông Trump đã tỏ ra nhượng bộ khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng đột biến, lưu ý rằng thị trường đã trở nên "hoảng loạn". Hiện thuế quan mà ông Trump nói là “có đi có lại” đối với các đối tác thương mại của Mỹ đã được tạm hoãn trong 3 tháng.
BoC đã lưu ý về điều này và cảnh báo rằng sự rối loạn thị trường có thể quay trở lại và gây ra hậu quả nghiêm trọng. Theo BoC, sự bất ổn liên tục trong chính sách thương mại của Mỹ có thể thúc đẩy sự biến động hơn nữa của thị trường và làm giá tài sản tăng đột ngột, từ đó có thể dẫn đến áp lực thanh khoản cấp tính và dai dẳng, thử thách khả năng phục hồi của hệ thống tài chính.
Lãi suất tăng nhanh trong năm 2022 và 2023, giai đoạn BoC nâng lãi suất từ 0,25% lên 5%, đã gây áp lực đáng kể đối với hộ gia đình Canada phải gia hạn thế chấp. Bắt đầu từ tháng 6 năm ngoái, ngân hàng trung ương đã cắt giảm lãi suất 7 lần, đưa lãi suất chính sách xuống còn 2,75%.
Hà Linh (P/v TTXVN tại Ottawa)