Tổng thống Mỹ Donald Trump, Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani và Giám đốc điều hành Boeing Kelly Ortberg tham dự lễ ký kết tại Doha, Qatar. Ảnh: edition.cnn.com
Theo CNN ngày 15/5, lễ ký kết diễn ra tại thủ đô Doha với sự tham dự của Tổng thống Trump, Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani và Giám đốc điều hành Boeing Kelly Ortberg. Nhà Trắng gọi ông Trump là “người đàm phán chính”, nhấn mạnh vai trò trung tâm của ông trong việc thúc đẩy thỏa thuận, đồng thời khẳng định đây là một trong những thành tựu ngoại giao kinh tế nổi bật trong nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Theo công bố từ phía Boeing, đơn đặt hàng của Qatar Airways bao gồm 130 máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner và 30 máy bay Boeing 777-9, đi kèm quyền chọn mua thêm 50 tàu bay thuộc hai dòng này trong tương lai. Đây là đơn hàng có giá trị lớn nhất từ trước đến nay mà hãng từng ký kết với một hãng hàng không, đóng vai trò then chốt trong chiến lược hiện đại hóa đội bay tầm xa và tăng cường năng lực khai thác liên lục địa của Qatar Airways.
Trong bối cảnh thỏa thuận được công bố, Thủ tướng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman bin Jassim Al-Thani đã lên tiếng bác bỏ các nghi vấn cho rằng Doha đang tìm cách "mua ảnh hưởng" tại Washington, sau khi Tổng thống Trump đồng ý sử dụng một chiếc Boeing 747-8 làm Không lực Một mới. Ông khẳng định đây là giao dịch mang tính liên chính phủ, không phải món quà cá nhân. Trước đó, ông Trump tuyên bố sẽ chuyển giao chiếc máy bay này cho thư viện tổng thống của mình sau khi rời nhiệm sở, một động thái đã vấp phải chỉ trích từ cả hai đảng tại Quốc hội Mỹ.
Giới đầu tư phản ứng tích cực với thông tin này khi cổ phiếu Boeing ghi nhận mức tăng nhẹ trong phiên giao dịch cùng ngày. Tuy nhiên, một số chuyên gia lưu ý rằng các cam kết đặt hàng trong ngành hàng không thường mang tính định hướng và không có giá trị pháp lý ràng buộc cho đến khi chuyển sang hợp đồng mua bán chính thức, đồng thời các hãng hàng không vẫn có thể điều chỉnh hoặc hủy đơn hàng theo biến động thị trường.
Đối với Boeing, thỏa thuận với Qatar được xem là cú huých lớn trong nỗ lực khôi phục vị thế sau giai đoạn khủng hoảng kéo dài. Năm 2024, tập đoàn này ghi nhận mức sụt giảm nghiêm trọng cả về đơn đặt hàng và sản lượng giao hàng, do ảnh hưởng của sự cố kỹ thuật trên dòng 737 Max và cuộc đình công quy mô lớn với hơn 33.000 công nhân tham gia, khiến tổng số máy bay bàn giao chỉ đạt 348 chiếc, giảm 34% so với năm trước đó.
Giới phân tích nhận định chính quyền Tổng thống Trump đang đẩy mạnh các thương vụ xuất khẩu máy bay như một phần trong chiến lược thương mại “nền tảng sản xuất Mỹ”, đồng thời sử dụng chúng như công cụ tăng cường ảnh hưởng địa chính trị tại khu vực Trung Đông. Một tuần trước, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết một hãng hàng không của Anh đã cam kết mua máy bay Boeing trị giá 10 tỷ USD. Theo Reuters, thỏa thuận này thuộc về tập đoàn IAG với kế hoạch đặt hàng khoảng 30 máy bay thân rộng 787.
Trước khi đến Qatar, phái đoàn của ông Trump đã công bố một loạt thỏa thuận hợp tác công nghệ và quốc phòng trị giá khoảng 600 tỷ USD tại Saudi Arabia. Theo lịch trình, ngày 15/5, phái đoàn sẽ tiếp tục tới Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), đánh dấu chặng dừng cuối cùng trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ thứ hai.
Hoàng Tuấn Anh/Báo Tin tức và Dân tộc