Bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất

Bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất
3 giờ trướcBài gốc
Bồi thường về đất
Trong quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh, đáng chú ý là việc “Bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất” thuộc Chương II. Tại đây có quy định: Bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở khi Nhà nước thu hồi đất quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 88/2024/NĐ-CP. “Theo đó, căn cứ quỹ đất, quỹ nhà và tình hình thực tế tại địa bàn huyện, thị xã, thành phố, UBND cấp huyện thực hiện công khai quỹ đất, quỹ nhà hiện có trước khi có thông báo thu hồi đất để UBND cấp xã tổ chức họp với người có đất trong khu vực thu hồi theo quy định tại khoản 1 Điều 87 Luật Đất đai, làm cơ sở đưa vào nội dung thông báo thu hồi đất cho người có đất bị thu hồi biết. Trường hợp tại địa bàn của cấp huyện không còn quỹ đất, quỹ nhà thì được bồi thường bằng tiền”, ông Trần Nguyên Lộc, Giám đốc Sở TN & MT cho hay.
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng chỉ đạo Sở TN & MT phối hợp Văn phòng UBND tỉnh hoàn thiện quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trình UBND phê duyệt.
Việc bồi thường bằng đất tính theo tỷ lệ quy đổi để bồi thường bằng đất được xác định bằng giá đất của loại đất thu hồi chia cho giá đất của loại đất có mục đích sử dụng khác. Tỷ lệ quy đổi để bồi thường bằng nhà ở được xác định bằng giá đất của loại đất thu hồi chia cho giá đất của căn hộ tái định cư. Giá đất được xác định theo bảng giá đất, giá căn hộ tái định cư được xác định theo giá do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Điều kiện về diện tích để bồi thường bằng đất ở hoặc bằng nhà ở đối với đất nông nghiệp thu hồi có diện tích tối thiểu từ 1.000 m² trở lên ở các phường, thị trấn thuộc các huyện, thị xã, thành phố, 3 xã thuộc huyện Phú Quý; các xã còn lại có diện tích từ 2.000 m² trở lên. Diện tích bồi thường bằng đất ở tối đa không quá 2 lần hạn mức giao đất ở do UBND tỉnh quy định hoặc không quá 2 căn hộ tái định cư. Trường hợp khu đất đã có quy hoạch chi tiết 1/500 bồi thường không quá 2 lô đất. Diện tích dùng để bồi thường được lấy tròn lô, tròn căn hộ. Diện tích dôi dư còn lại mà chiếm từ 50% lô đất ở, căn hộ trở lên được bồi thường tròn lô đất, tròn căn hộ tiếp theo.
Hộ gia đình có đất nông nghiệp nằm trong dự án Nhà nước thu hồi đất.
Điều kiện về thứ tự ưu tiên để áp dụng bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở khi địa phương còn quỹ đất được thực hiện thứ tự ưu tiên cho người có đất thu hồi không còn đất ở, nhà ở nào khác trên địa bàn cấp xã nơi có đất thu hồi. Tiếp đó, người có đất thu hồi có diện tích đất theo thứ tự từ cao đến thấp trong dự án; người có đất thu hồi là người có công cách mạng, gia đình chính sách, người đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo, cá nhân hoàn cảnh khó khăn. Sau khi đã giải quyết các trường hợp ưu tiên, trên địa bàn cấp huyện không còn quỹ đất để bồi thường, người có đất thu hồi được bồi thường bằng tiền.
Bồi thường thiệt hại về nhà ở
Cùng với đó, việc bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất được tính tỷ lệ phần trăm theo giá trị hiện có của nhà, công trình xây dựng khác tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 88 quy định tỷ lệ phần trăm theo giá trị hiện có của nhà, công trình xây dựng được cộng thêm 30%, tỷ lệ này không thấp hơn 50% và không vượt quá 100%. Người đang sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước (nhà thuê hoặc nhà do tổ chức tự quản) nằm trong phạm vi thu hồi đất phải phá dỡ, người đang thuê nhà không được bồi thường diện tích nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước, diện tích cơi nới trái phép, nhưng được bồi thường chi phí tự cải tạo, sửa chữa, nâng cấp tại Điều 16 Nghị định số 88. Mức bồi thường bằng 100% chi phí tự cải tạo, sửa chữa, nâng cấp theo thực tế sử dụng tại thời điểm có thông báo thu hồi đất. Người đang sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước có trách nhiệm kê khai gửi đơn vị thực hiện bồi thường.
Việc xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại mà không có hồ sơ, chứng từ chứng minh, người bị thu hồi đất kê khai, chịu trách nhiệm pháp lý về kê khai chi phí thực tế đã đầu tư vào đất để sử dụng theo mục đích sử dụng đất, xác định mức chi phí đã thu hồi được, chi phí chưa thu hồi được; quy định tại khoản 2 Điều 107 Luật Đất đai. Đơn vị thực hiện bồi thường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan thực hiện kiểm đếm, xác định, tính toán khối lượng chi phí đầu tư vào đất còn lại; tham mưu văn bản lấy ý kiến các phòng, ban chuyên môn cấp huyện thống nhất xác định số tiền bồi thường theo kết quả kiểm đếm, tính toán khối lượng bị thiệt hại. Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được trình Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cấp huyện thẩm định, phê duyệt theo quy định.
THÁI KHOA
Nguồn Bình Thuận : https://baobinhthuan.com.vn/boi-thuong-ve-dat-tai-san-gan-lien-voi-dat-124850.html