Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) ngày 24/1 tăng lãi suất chính sách 0,25 điểm phần trăm lên mức 0,5%, cao nhất kể từ năm 2008. Đợt tăng lãi suất thứ ba trong vòng 10 tháng trở lại đây là một bước đi nữa của BOJ nhằm bình thường hóa chính sách tiền tệ trong bối cảnh có những dấu hiệu của lạm phát bền vững và tiền lương tiếp tục tăng.
Động thái này của BOJ cũng không nằm ngoài dự báo trước đó của các nhà kinh tế được hãng tin CNBC khảo sát. Tuyên bố sau cuộc họp của BOJ cho thấy quyết định tăng lãi suất nhận được sự đồng thuận của 8 thành viên hội đồng, và chỉ có duy nhất 1 thành viên không nhất trí.
Ông Toyoaki Nakamura, người phản đối lần tăng lãi suất này, cho rằng BOJ chỉ nên điều chỉnh chính sách sau khi đã xác nhận được năng lực tăng lương của doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa là BOJ sẽ phải đợi đến cuộc họp lần sau, vì tới khi đó, thông tin về cuộc đàm phán tiền lương mùa xuân mới trở nên rõ ràng.
BOJ chính thức chấm dứt lãi suất âm bằng đợt tăng lãi suất đầu tiên vào tháng 3 năm ngoái, nối tiếp bằng một đợt tăng vào tháng 7.
Sau khi quyết định của BOJ được công bố, đồng yên Nhật Bản có lúc tăng 0,6% so với USD, giao dịch ở mức 155,12 yên đổi 1 USD. Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm tăng 2,5 điểm cơ bản, đạt 12,3%.
Từ lâu, BOJ đã mong muốn tạo ra được một vòng xoáy lương tăng - giá tăng để đưa nền kinh tế Nhật Bản thoát khỏi tình trạng tăng trưởng ì ạch và áp lực giảm phát đã tồn tại nhiều thập kỷ. Trước cuộc họp này, một số quan chức cấp cao của BOJ, gồm Thống đốc Kazuo Ueda và Phó thống đốc Ryozo Himino, đã phát tín hiệu sẵn sàng tăng lãi suất.
Trong tuyên bố sau cuộc họp, BOJ lưu ý rằng có “nhiều quan điểm mà doanh nghiệp đưa ra nói rằng họ sẽ tiếp tục tăng lương đều trong cuộc đàm phán tiền lương mùa xuân thường niên giữa giới chủ với người sử dụng lao động năm nay, sau khi tiền lương đã tăng mạnh trong năm ngoái”, do lợi nhuận doanh nghiệp cải thiện và thị trường lao động thắt chặt.
Chủ tịch Tomoko Yoshino của Rengo, liên minh công đoàn của Nhật Bản, nói rằng mức tăng lương của năm nay phải vượt mức tăng 5,1% của năm ngoái do tiền lương thực tế tiếp tục giảm. Ông cho biết Rengo chính thức đặt mục tiêu tăng lương ít nhất 5% trong cuộc đàm phán tiền lương mùa xuân - shunto - của năm nay, và mong muốn mức tăng ít nhất 6% tại các doanh nghiệp nhỏ để rút ngắn khoảng cách thu nhập với người lao động ở các công ty lớn hơn.
BOJ chỉ ra rằng với tiền lương tiếp tục tăng, lạm phát lõi ở Nhật đang tăng dần lên mức mục tiêu 2% một cách bền vững. Số liệu thống kê công bố trước đó cùng ngày 24/1 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần trong tháng 12 tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ tháng 1/2023. Lạm phát lõi cũng tăng lên mức cao nhất 16 tháng là 3%.
BOJ dự báo lạm phát toàn phần có thể đạt khoảng 2,5% trong tài khóa kết thúc vào tháng 3/2026 do nhiều yếu tố như giá hàng hóa nhập khẩu cao hơn do đồng yên mất giá.
Thống đốc BOJ Kazuo Ueda - Ảnh: Bloomberg.
Trong một báo cáo hôm 21/1, nhà quản lý danh mục Vincent Chung của công ty đầu tư trái phiếu T. Rowe Price dự báo rằng trong thời gian tới, BOJ sẽ tiếp tục tăng chậm lãi suất, có thể đưa lãi suất chính sách lên mức 1% vào cuối năm. Ông cũng cho rằng lãi suất của BOJ thậm chí có thể vượt 1% vì mức này gần hơn với cận dưới của khoảng lãi suất trung tính mà BOJ xác định.
Hồi tháng 9, ông Naoki Tamura - một thành viên hội đồng BOJ - nói rằng lãi suất trung tính “phải ở mức ít nhất khoảng 1%”, dù BOJ không đưa ra một dự báo chính thức nào về lãi suất trung tính.
Ông Chung nhấn mạnh dù giới chức Nhật Bản phát tín hiệu rằng biến động tỷ giá đồng yên là một vấn đề quan trọng, Tokyo trước mắt sẽ không có động thái can thiệp mạnh tay vào thị trường tiền tệ để bảo vệ tỷ giá như đã làm trong năm ngoái.
Hồi tháng 7/2024, đồng yên Nhật giảm giá xuống mức thấp nhất so với đồng USD kể từ năm 1986, với gần 162 yên đổi 1 USD. Sau đó, nhà chức trách Nhật Bản xác nhận đã chi gần 37 tỷ USD để hỗ trợ đồng nội tệ trong tháng 7. Trong cả năm ngoái, Nhật Bản chi hơn 97 tỷ USD để bảo vệ tỷ giá.
Theo ông Chung, lạm phát ở Mỹ có thể cao hơn vào cuối quý 1 này, cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế vững vàng, có khả năng sẽ đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng lên, kéo tỷ giá đồng USD tăng theo và dẫn tới áp lực mất giá đối với đồng yên.
“Nhà đầu tư cũng nên tính đến khả năng chính sách thương mại của Mỹ dịch chuyển và Fed có thể sẽ tạm dừng việc tăng lãi suất - hai yếu tố rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ năm nay lớn hơn năm ngoái. Bởi vậy, chúng tôi cho rằng mức độ biến động tỷ giá yên so với USD sẽ còn cao trong năm 2025”, ông Chung nhấn mạnh.
An Huy