Bốn 'cụ thượng' tròn 100 tuổi được rước bằng võng đào lên miếu báo ơn Tiên Công

Bốn 'cụ thượng' tròn 100 tuổi được rước bằng võng đào lên miếu báo ơn Tiên Công
5 giờ trướcBài gốc
Sáng 4/2 (mùng 7 tháng Giêng), tại miếu Tiên Công, xã Cẩm La, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh, hàng nghìn người có mặt để xem nghi lễ rước "cụ thượng". Nghi lễ nằm trong lễ hội Tiên Công, kỷ niệm 591 năm các Tiên Công khai canh, mở đất vùng đảo Hà Nam (1434 – 2025). Đây là lễ hội xuân đặc sắc lớn nhất vùng đảo Hà Nam được tổ chức nhằm tưởng nhớ các vị Tiên Công đã có công khám phá, khai khẩn và lập nên hòn đảo này.
"Cụ thượng" để chỉ những người lên lão thượng thọ khi tròn 80, 90 tuổi, 100 tuổi trở lên. Theo ban quản lý miếu Tiên Công, năm nay có 123 cụ dẫn lễ, 36 "cụ thượng" rước lễ tập thể, trong đó có 4 cụ 100 tuổi (2 cụ ông, 2 cụ bà).
Lễ hội Tiên Công năm nay được tổ chức ở quy mô có 3 đoàn rước tập thể với 36 "cụ thượng". Trong đó đoàn rước phường Yên Hải 16 cụ, phường Phong Cốc 11 cụ, phường Phong Hải 8 cụ. 36 cụ được ngồi trên võng đào, được các con cháu rước ra miếu làm lễ tế Tiên Công.
Các cụ thọ tròn 100 tuổi mặc áo màu vàng, cụ tròn 90 tuổi mặc áo màu đỏ và cụ tròn 80 tuổi mặc áo màu xanh. Trong ảnh, các cháu thiếu nhi nhận lì xì từ cụ Lê Đức Khánh (100 tuổi, phường Phong Hải, thị xã Quảng Yên) để lấy may mắn.
Mặc dù đã 80 tuổi nhưng cụ Vũ Thị Toàn (80 tuổi, phường Phong Hải) vẫn rất khỏe mạnh. Con cháu cụ cho biết, lễ rước lên miếu Tiên Công được gia đình chuẩn bị từ nhiều ngày trước. Hôm nay, đoàn rước cũng rời nhà đi từ sáng sớm.
Nhiều cụ Thượng đeo huy chương từ thời đi bộ đội phục vụ Tổ quốc.
Con cháu chăm sóc cụ Nguyễn Thị Hưởng (100 tuổi).
Mỗi đoàn rước cụ thượng đều có đông đảo con cháu cùng người dân đi cùng. Đây là dịp con cái báo hiếu cha mẹ, người dân kính trọng những cụ ông, cụ bà sống trường thọ.
Rất đông người dân đi theo đoàn rước, chật kín con đường dẫn vào miếu.
Người già, trẻ nhỏ háo hức chờ đoàn rước "cụ thượng".
Miếu Tiên Công là nơi thờ phụng 17 vị Tiên Công, họ là những người sống chủ yếu bằng canh tác nông nghiệp và đánh cá ven hồ, ven sông Kim Ngưu, ở thành Thăng Long và tỉnh Nam Định. Vào thế kỷ XV, họ đã cùng gia đình xuôi theo dòng sông Hồng, ra cửa sông Bạch Đằng, dần khám phá ra các gò đất và khai phá, quây đê, lấn biển để có được vùng đảo Hà Nam phát triển như hôm nay.
Các hoạt động nhằm tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các giá trị đặc sắc của lễ hội Tiên Công – Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; giới thiệu những nét đẹp văn hóa của lễ hội và giá trị của quần thể di tích miếu Tiên Công và các dòng họ Tiên Công; truyền thống quai đê lấn biển, phát triển kinh tế biển của người dân vùng đảo Hà Nam. Qua đó khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tinh thần đại đoàn kết, bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa.
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/bon-cu-thuong-tron-100-tuoi-duoc-ruoc-bang-vong-dao-len-mieu-bao-on-tien-cong-ar923718.html