Tăng trưởng GRDP quý I/2025 đạt 12,76% - đứng thứ hai cả nước. Thu ngân sách nhà nước năm 2024 vượt mốc 7.500 tỷ đồng, vượt xa so với dự toán giao. Không chỉ là những con số, đó là tín hiệu, là minh chứng sống động cho thấy Hòa Bình đang bước vào chu kỳ phát triển mới - bền vững hơn, bài bản hơn và đầy triển vọng.
Không phải ngẫu nhiên mà bước tiến này lại đến vào thời điểm cuối nhiệm kỳ. Đó là kết quả của quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, tầm nhìn được hoạch định từ sớm với bốn đột phá chiến lược, như những đường băng, kiên cố và vững vàng, từng bước tạo động lực, thúc đẩy tỉnh cất cánh. Quy hoạch (QH) - đi trước, mở đường; cải cách hành chính - gỡ nút thắt, mở lối đi nhanh; nguồn nhân lực - bồi đắp nội lực, dựng thế dài lâu; hạ tầng - dựng trụ cột, nối liền không gian phát triển. Mỗi đột phá là một bước tạo đà. Và hợp lực lại, đó chính là hành trình Hòa Bình bứt phá để không chỉ chuyển mình mạnh mẽ, mà còn khởi dựng giấc mơ phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực trung du và miền núi (TD&MN) Bắc Bộ bằng nội lực đã được đánh thức.
Thành phố Hòa Bình với quy hoạch tổng thể hiện đại, đồng bộ đã được công nhận là đô thị loại II vào tháng 01/2025.
Bài 1 - Quy hoạch đi trước - mở đường
Đột phá chiến lược đầu tiên đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII xác định cần tiếp tục triển khai thực hiện đó là thực hiện tốt công tác QH và quản lý QH theo quy định của pháp luật. QH chính là "chiếc chìa khóa", đi trước, mở đường cho phát triển kinh tế - xã hội (KT- XH). Do đó, mục tiêu đặt ra là phải hoàn thành việc lập Quy hoạch tỉnh (QHT) Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác QH; nâng cao chất lượng lập và quản lý QH theo Luật QH.
Quy hoạch tỉnh - tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn
Tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn - đó là tinh thần xuyên suốt trong quá trình lập QHT Hòa Bình. Cũng từ đây, cánh cửa đã mở ra cho những giấc mơ lớn được hình dung một cách mạch lạc, khoa học, khả thi hơn bao giờ hết. Khẩn trương bắt tay vào triển khai những nội dung, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, ngày 2/4/2021, Ban Chỉ đạo (BCĐ) công tác lập QHT được thành lập do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng BCĐ. Điều này đã khẳng định quan điểm của tỉnh Hòa Bình xác định công tác QHT có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là công cụ cần thiết để hoạch định, quản lý, điều hành thống nhất, xuyên suốt kế hoạch phát triển KT-XH, ngành, lĩnh vực, cũng như phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của tỉnh.
Đồng chí Phạm Quốc Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Tại thời điểm tháng 4/2021, Hòa Bình đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 2 lập QHT là đưa ra một số nội dung, mục tiêu tổng quát phấn đấu đến năm 2030 kinh tế tỉnh thuộc nhóm dẫn đầu vùng TD&MN phía Bắc. Các bước tiếp theo cần thực hiện là tổ chức thảo luận thống nhất báo cáo QHT; rà soát, điều chỉnh báo cáo QHT và cuối cùng là trình phê duyệt QHT theo quy định Luật QH. Bên cạnh những thuận lợi, trong quá trình triển khai cũng đối mặt với không ít khó khăn như QH tổng thể quốc gia, QH vùng chưa phê duyệt; việc lập đồng thời các QH cũng gây khó khăn trong quá trình triển khai do thiếu thông tin, dữ liệu, khung định hướng; việc triển khai lập QH theo phương pháp tích hợp trong một bản QHT (thay thế cho khoảng 50 loại QH ngành, lĩnh vực trước đây), cùng với việc tiếp cận tổng hợp và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực còn có cách hiểu khác nhau. Song với quyết tâm cao, để QHT có chất lượng, tầm nhìn, bảo đảm các quy định của pháp luật, BCĐ tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố nâng cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ cung cấp số liệu chi tiết, cụ thể, chính xác cho đơn vị tư vấn QH. Trong quá trình triển khai xây dựng QHT có một số lưu ý như QH du lịch cần thể hiện lợi thế, thế mạnh của tỉnh về vị trí, môi trường, văn hóa và trọng tâm là hồ Hòa Bình, các khu vực chiến lược về du lịch như suối khoáng Kim Bôi, Yên Thủy; bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số gắn với homestay, hoạt động ngoài trời, thủ phủ sân golf của cả nước… QH công nghiệp xác định lợi thế của tỉnh là nguồn nhân lực dồi dào, lại giáp Hà Nội, có thể thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao từ vùng Thủ đô; ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ. QH nông nghiệp là vùng cung cấp thực phẩm xanh, sạch, giá cả phải chăng, sơ chế sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, cung cấp cho thị trường Hà Nội. Trong quá trình triển khai lập QH, tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị xin ý kiến các bộ, cơ quan Trung ương; các tỉnh, thành phố trong vùng TD&MN phía Bắc và các tỉnh, thành phố có liên quan đến QHT, các chuyên gia, nhà khoa học và các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh.
Sau thời gian rà soát, chuẩn bị công phu, bài bản, nghiêm túc, tuân thủ quy định của pháp luật về QH, QHT Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1648/QĐ-TTg, ngày 20/12/2023.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị công bố QHT Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang (nay là Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương - PV) nhấn mạnh: QHT Hòa Bình được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh. QHT đã thể hiện khát vọng của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Hòa Bình. Tỉnh hội tụ đầy đủ tiềm năng, lợi thế và cơ hội để biến mục tiêu đến năm 2030 đạt trình độ phát triển khá, có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm dẫn đầu vùng TD&MN phía Bắc thành hiện thực. QHT Hòa Bình như "bản thiết kế" toàn diện, tổng quan, thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới, tạo động lực để bứt phá phát triển.
Dồn sức, ưu tiên cho công tác Quy hoạch
Ngay sau lễ công bố QHT, các sở, ngành, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của QH tới các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, Nhân dân nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức, quyết tâm cao trong thực hiện. Đặc biệt, trên cơ sở nội dung QH, các cấp, ngành, địa phương đã phối hợp tổ chức triển khai đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Trên cơ sở QHT, các cơ quan, đơn vị, địa phương xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu của địa phương, đơn vị mình để tập trung chỉ đạo xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện với mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể. Các sở, ngành địa phương khẩn trương rà soát, điều chỉnh các QH chuyên ngành, nhất là QH về đất đai.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phạm Anh Quý, Chủ tịch UBND thành phố Hòa Bình cho biết: Thành phố Hòa Bình đã được UBND tỉnh phê duyệt Đồ án QH chung đô thị tỷ lệ 1/10000 đến năm 2045. Tính đến nay, thành phố đã lập 21 đồ án QH phân khu tỷ lệ 1/2000. Hiện thành phố tập trung nâng cao chất lượng công tác QH, quản lý QH; lập QH phân khu, QH chi tiết làm cơ sở phát triển các khu vực trên địa bàn đảm bảo theo đúng quy định; phấn đấu tỷ lệ phủ kín QH phân khu đô thị đạt 100%. Thành phố xác định thực hiện hiệu quả công tác QH, quản lý QH là giải pháp quan trọng hàng đầu để thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng đồng bộ, tạo động lực phát triển KT-XH.
Cùng với thành phố Hòa Bình, các địa phương của tỉnh cũng chú trọng thực hiện công tác QH. Tại huyện Lương Sơn, UBND huyện bố trí ngân sách lập 6 đồ án QH phân khu 6 đơn vị hành chính phường; 5 đồ án QH chung xã... Cuối tháng 2 vừa qua, Hội đồng thẩm định quốc gia đã họp xem xét nội dung Đồ án QH chung đô thị Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đến năm 2045. Mục tiêu đến năm 2030, Lương Sơn phấn đấu trở thành đô thị loại III. Huyện Lạc Thủy đã hoàn thành lập QH 21 đồ án với tổng kinh phí 17,2 tỷ đồng. Trong đó, QH xây dựng vùng huyện Lạc Thủy đến năm 2040; điều chỉnh, mở rộng QH chung thị trấn Chi Nê và thị trấn Ba Hàng Đồi xây dựng tỷ lệ 1/2000 đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035; QH chung các xã: Phú Nghĩa, Thống Nhất, Yên Bồng, Khoan Dụ, Đồng Tâm, Hưng Thi, Phú Thành, An Bình đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tỷ lệ 1/10000…
Có thể nói, công tác lập QH tại các địa phương đã cụ thể hóa định hướng phát triển KT-XH của tỉnh, của huyện. Tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng theo hướng đồng bộ, toàn diện, hiệu quả. Đến nay, tỷ lệ phủ kín cấp độ QH đô thị trên toàn bộ 10 đô thị hiện hữu và 6 đô thị mới của tỉnh là 56,25%; tỷ lệ phủ kín cấp độ QH chung xây dựng khu chức năng là 14%; tỷ lệ phủ kín cấp độ QH phân khu xây dựng khu chức năng là 13%; tỷ lệ phủ kín QH chung xây dựng xã đạt 100%.
Hoàn thiện công tác QH chính là tấm bản đồ phát triển đã được định hình. Nhưng để những bản QH không nằm yên trên giấy, để giấc mơ phát triển không bị níu chân bởi rào cản về thể chế và thủ tục "hành là chính”, Hòa Bình cần một bộ máy đủ nhẹ để xoay chuyển, đủ linh hoạt để tháo gỡ và đủ gần dân để phục vụ. Cải cách hành chính, vì thế không còn là một lựa chọn, mà là cú huých bắt buộc để phát triển có thể trôi chảy, như dòng sông không còn vướng đá ngầm.
(Còn nữa)
Dương Liễu