Khi xung đột Nga-Ukraine sắp bước sang năm thứ tư, sự chú ý giờ đây đang dồn về Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và cách ông có thể tác động đến xung đột này khi ông trở lại nắm quyền ở Washington.
Ông Trump hiện lên như một dấu hỏi lớn đáng lo ngại đối với Ukraine - quốc gia đã dồn nhiều nỗ lực vào ngoại giao để bảo vệ lập trường của mình trong những tuần kể từ sau khi ông Trump đắc cử. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump gọi xung đột Nga-Ukraine là “một sự thất bại” và cam kết chấm dứt xung đột trong 24 giờ nhưng không nói rõ cách thức thực hiện.
Từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Mỹ đã cung cấp phần lớn sự hỗ trợ an ninh quốc tế cho Ukraine, với cam kết viện trợ hơn 60 tỉ USD. Nếu nguồn hỗ trợ này bị cắt giảm mạnh hoặc dừng hoàn toàn, Nga có thể đạt được bước đột phá quyết định trên tiền tuyến.
Khi cả Kiev và Moscow đang khẩn trương tìm cách đặt mình vào vị trí thuận lợi nhất trước bất kỳ thay đổi nào mà chính quyền ông Trump có thể mang lại, tờ Business Insider đưa ra bốn kịch bản có thể xảy ra với cuộc chiến.
(Từ trái sang) Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: news.com.au
Thỏa thuận ngừng bắn, đóng băng xung đột
Khả năng tạm ngừng giao tranh là đề tài được thảo luận sôi nổi sau khi ông Trump đắc cử.
Ngày 8-12, tổng thống đắc cử Mỹ đã đăng trên mạng xã hội kêu gọi ngay lập tức ngừng bắn và bắt đầu đàm phán. “Tổng thống Volodymyr Zelensky và Ukraine muốn đạt được một thỏa thuận và chấm dứt sự điên rồ này. Xung đột này có thể trở thành điều gì đó lớn hơn nhiều, và tồi tệ hơn. Tôi hiểu rõ ông Vladimir Putin. Đây là thời điểm ông ấy cần hành động”.
Vào tháng 11, Tổng thống Zelensky - người từ lâu phản đối việc nhượng lãnh thổ để kết thúc xung đột - cho rằng một thỏa thuận như vậy có thể đạt được nếu những phần lãnh thổ mà Ukraine đang kiểm soát được đặt dưới “chiếc ô bảo vệ” của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
“Nếu chúng ta muốn ngăn chặn giai đoạn nóng bỏng của cuộc chiến, chúng ta nên nhanh chóng đưa lãnh thổ Ukraine mà chúng tôi đang kiểm soát vào phạm vi bảo vệ của NATO” - ông Zelensky nói với đài Sky News.
Chuyên gia John Lough - nhà nghiên cứu tại Chương trình Nga và Á-Âu thuộc Viện Chatham House (Anh) - chia sẻ với Business Insider rằng Ukraine dường như đang rời xa “lập trường tối đa” mà nước này đề ra ban đầu là giành lại toàn bộ lãnh thổ và đồng thời có “những đảm bảo an ninh đáng tin cậy từ phương Tây”.
Tuy nhiên, với việc các quốc gia phương Tây ngần ngại đưa ra cam kết ràng buộc với Ukraine vì lo ngại kích động Tổng thống Putin, kết quả khả dĩ nhất là cuộc chiến sẽ bị “đóng băng” gần như tại vị trí hiện tại, theo ông Lough. Vị chuyên gia này lưu ý rằng việc đạt được một thỏa thuận toàn diện ở giai đoạn này là quá tham vọng.
Ngoài ra, nhiều nhà phân tích cho rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào đạt được cũng sẽ khó bền vững. Nhiều chuyên gia phương Tây lo ngại rằng thời gian tạm dừng giao tranh chỉ cho phép Nga huấn luyện thêm binh lính và tích trữ vũ khí cho một cuộc tấn công mới.
Ông Mark Cancian - cố vấn cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) - nhận định rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào do ông Trump làm trung gian đều có khả năng yêu cầu Ukraine nhượng bộ lãnh thổ.
“Thật khó để tưởng tượng rằng thỏa thuận hòa bình này sẽ ổn định. Rất dễ để hình dung một cuộc chiến khác xảy ra trong vài năm tới” - ông Cancian nêu quan điểm.
Cuộc chiến kéo dài
Một kịch bản khác có thể xảy ra là Nga từ chối nhượng bộ và chiến sự tiếp tục leo thang. Theo các chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (trụ sở Mỹ), lãnh đạo Nga tin rằng họ đang giành ưu thế trên chiến trường và do đó khó có khả năng nghiêm túc theo đuổi đàm phán khi tình hình vẫn thuận lợi cho Moscow.
Binh sĩ Ukraine thuộc bên trong chiến hào ở gần TP Bakhmut, tỉnh Donetsk (miền đông Ukraine) hồi tháng 3. Ảnh: REUTERS
Trong trường hợp này, Ukraine sẽ cần đến sự hỗ trợ đáng kể từ phương Tây để duy trì cuộc chiến, nhưng việc thuyết phục các nước tiếp tục viện trợ không phải là điều dễ dàng. Cả Tổng thống đắc cử Trump và Phó Tổng thống đắc cử JD Vance đều không đồng tình với sự ủng hộ của Mỹ dành cho Ukraine dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Việc cuộc chiến tiếp tục cũng sẽ tạo thêm áp lực cho nguồn nhân lực và nền kinh tế Ukraine, vốn đang phải đối mặt với những khó khăn “ngày càng gia tăng”, như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo trong một báo cáo cập nhật hồi tháng 9.
Mặc dù Nga cũng đang đối mặt với các vấn đề kinh tế riêng nhưng một số nhà phân tích cho rằng Moscow có thể duy trì chi tiêu vượt mức trong nhiều năm nữa.
“Đối với Ukraine, một cuộc chiến kéo dài sẽ là thảm họa. Nước này không thể huy động lực lượng với quy mô như Nga” - ông James Nixey, Giám đốc Chương trình Nga và Á-Âu tại Viện Chatham House, nhận định.
Ở chiều ngược lại, một cuộc chiến lâu dài cũng có khả năng làm cạn kiệt nguồn lực quân sự của Nga. Moscow được cho là đang mất đi các phương tiện bọc thép và có thể cần một đợt huy động quân mới.
Thắng lợi của Nga
Khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt, Tổng thống Putin mong muốn đạt được một chiến thắng quân sự nhanh chóng.
Gần ba năm trôi qua, mục tiêu đó vẫn chưa đạt được, nhưng Nga vẫn có thể tuyên bố chiến thắng - điều này có thể bao gồm việc kiểm soát thêm lãnh thổ Ukraine và thay thế Tổng thống Zelensky bằng một lãnh đạo thân Nga.
Đối với Kiev, kịch bản tồi tệ nhất là các tuyến phòng thủ của nước này sụp đổ do thiếu hụt nguồn lực hoặc sự thay đổi trong hỗ trợ quốc tế. Trong trường hợp này, Ukraine có thể buộc phải nhượng một phần lãnh thổ rộng lớn, bao gồm toàn bộ khu vực phía đông sông Dnipro.
Nguyên nhân khiến kịch bản này có thể xảy ra là vì các lực lượng Nga đã tiến công mạnh ở miền đông Ukraine trong những tháng gần đây, gây áp lực lớn lên phòng thủ của Ukraine và làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nhân lực của Kiev.
Trong khi Nga cũng chịu tổn thất lớn về nhân sự, Moscow có thể tận dụng lực lượng vượt trội để hỗ trợ các cuộc tấn công.
Nga cũng cho thấy sự tập trung hoàn toàn vào Ukraine khi tránh các vấn đề gây phân tán như hỗ trợ chính quyền Tổng thống Bashar Assad ở Syria bất chấp tầm quan trọng chiến lược của các căn cứ quân sự Nga tại Trung Đông.
Trong khi đó, Ukraine đang phải đối mặt với sự bất ổn nghiêm trọng khi ông Trump chuẩn bị nhậm chức. Ông Trump gần đây đã phản đối việc Mỹ cho phép Ukraine tấn công bằng tên lửa tầm xa vào lãnh thổ Nga.
Binh sĩ Ukraine gần thị trấn Chasiv Yar, TP Bakhmut, tỉnh Donetsk (miền đông Ukraine). Ảnh: REUTERS
Thắng lợi của Ukraine và sự rút lui của Nga
Người dân Ukraine từng nuôi hy vọng chiến thắng sau một số thành công đáng chú ý ban đầu, chẳng hạn giành lại tỉnh Kharkiv vào năm 2022.
Trong thời gian chiến dịch quân sự đặc biệt, Moscow cũng bộc lộ một số vấn đề như việc nhóm lính đánh thuê Wagner tiến về thủ đô Moscow hay các cuộc biểu tình phản đối lệnh huy động quân sự.
Chuyên gia Cancian cho rằng Nga có thể đã tránh triển khai thêm một đợt huy động quân sự mới vì không muốn vấp phải sự phản đối trong nước mặc dù rất cần nhân lực.
Dù vậy, theo Business Insider, với mục tiêu của ông Trump trong việc chấm dứt nhanh chóng xung đột Nga-Ukraine, những bước tiến liên tục của Moscow ở phía đông, cùng tình trạng cạn kiệt nguồn lực và suy giảm tinh thần của Kiev, một chiến thắng hoàn toàn cho Ukraine dường như khó có thể xảy ra trong thời điểm hiện tại.
THẢO VY