-“bón phân đgt Bỏ phân vào ruộng: Bón phân bằng u-rê”.
Thực ra người ta áp dụng biện pháp bón phân với mọi loại đất trồng, không riêng gì “ruộng” mới bón phân, và cần phải bón phân.
Bón phân có hai cách, bón căn bản (bón lót), bón ngay khi làm đất, trước khi gieo trồng một lượng phân để bảo dưỡng, tạo dự trữ chất dinh dưỡng cho cây; bón bổ sung (bón thúc) hằng năm hay từng vụ để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng ở từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển. Bởi vậy, “bón phân” phải được hiểu là: đưa thêm vào đất, quanh bộ rễ cây trồng những chất dinh dưỡng vô cơ và hữu cơ gọi là phân bón, để bù đắp, gia tăng độ phì của đất, đảm bảo cho cây trồng phát triển, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
- “bón thúc đgt Bón phân để đẩy mạnh sự trưởng thành của lúa: Nhờ có bón thúc nên lúa được xanh tốt”.
Như đã nói ở trên, “bón thúc” cũng là biện pháp kỹ thuật áp dụng cho tất cả các loại cây trồng thâm canh, không riêng gì cây lúa. Ví dụ: bón thúc cho ngô, mía, cây ăn quả, cây công nghiệp cao su, cà phê... các loại. Bón thúc được thực hiện vào những giai đoạn cây trồng cần nhiều dinh dưỡng để sinh trưởng, phát triển như: giai đoạn phát triển thân, lá, đẻ nhánh, phân cành, ra hoa, giai đoạn nuôi quả, hạt,v.v...
- “bón đón đòng đgt Bón phân cho lúa khi sắp trổ bông: Kịp thời bón đón đòng nên năng suất cao”.
Đã gọi là “bón đón đòng”, có nghĩa phải bón khi lúa mới bắt đầu giai đoạn hình thành đòng, chứ sao lại bón vào lúc lúa “sắp trổ bông” ? Khi lúa “sắp trổ bông” người ta gọi là có đòng già hoặc đòng trổ; lúc này quá trình hình thành đòng đã xong, đòng to hay đòng nhỏ, bao nhiêu vỏ hạt cũng đã định hình; lúa chỉ đợi trổ bông, phơi màu, thụ phấn và vào chắc nữa là ổn.
Vậy, bón đón đòng được tiến hành khi nào?
“Để có bông lúa nhiều hạt và hạt to, cần phải bón phân đón đòng đúng lúc và đủ lượng. Thông thường, nông dân dựa vào thời gian tính từ khi sạ (khoảng 40 - 45 ngày) để bón đón đòng. Bón đón đòng dựa vào thời gian không chính xác vì thời điểm tượng đòng thay đổi theo chu kỳ sinh trưởng của giống, thời tiết và kỹ thuật canh tác. Bón sớm cây lúa tiếp tục nhảy chồi, chồi sẽ cạnh tranh dinh dưỡng ảnh hưởng đến bông; bón trễ khi hạt trên bông đã hình thành, dù bón phân cũng không thể nào tăng thêm số hạt được. Thường sau khi sạ 36 - 38 ngày phải thăm ruộng thường xuyên, nhổ cây lúa xé ra quan sát đỉnh sinh trưởng, khi thấy có tim đèn (hay còn gọi là bông gòn) nhô lên chừng 1mm là bón đón đòng được”. (Trích bài Quản lý tốt giai đoạn làm đòng, lúa có năng suất cao - PGS.TS. Nguyễn Văn Bộ – Trường Đại học Cần Thơ – Báo Kiên Giang).
Thời gian từ có “tim đèn” (hay tượng đòng) đến lúc trổ cũng phải mất đến 25 ngày, đủ để cây lúa hấp thu dinh dưỡng nuôi đòng và nuôi hạt sau này. Nếu thực tế có chuyện bón phân vào lúc lúa sắp trổ bông thì phải gọi là bón “đón bông”, hay bón “tiễn đòng”(!) mới đúng, chứ đâu còn đón rước gì nữa? Tuy nhiên, không ai còn đem phân bón cho lúa thời kỳ này.
Như vậy, các từ bón lót, bón phân, bón thúc, mà Từ điển từ và ngữ Việt Nam giảng chỉ phù hợp với chuyên đề về kỹ thuật trồng lúa nước, chứ không phải là đối với cây trồng nói chung. Riêng mục “bón đón đòng”, thì ngay cả chỉ áp dụng đối với riêng cây lúa cũng không chính xác, và cần được đính chính như chúng tôi đã trình bày trên đây.
Mẫn Nông (CTV)