Dù có sự tiến bộ về thành tích lẫn lối chơi nhưng đội tuyển Việt Nam cũng sẽ phải nỗ lực hơn nữa cho SEA Games 33. Ảnh: SEA V.LEAGUE
Điều này thực sự rất cần thiết với các học trò của HLV Trần Đình Tiền trong hành trình chuẩn bị cho SEA Games 33 vào cuối năm.
Sự ổn định từ bộ khung
SEA V.League 2025 là đợt “cử dượt” quan trọng cho thầy trò HLV Trần Đình Tiền cũng như các đội bóng tại Đông Nam Á nhằm chuẩn bị cho SEA Games 33. Do vậy các đội đều cử lực lượng gần như mạnh nhất để trau dồi chuyên môn, rà soát lực lượng, hiểu thêm lối chơi và sự chuẩn bị của các đối thủ.
Tại giải, các chàng trai Việt Nam thắng 2 trận (trước Campuchia và Thái Lan) và thua 2 trận (trước Philippines và Indonesia), xếp hạng ba chặng 1. Sau đó, đội thắng 3 trận (trước Campuchia, Thái Lan và Philippines) và thua 1 trận (trước Indonesia), xếp hạng nhì chặng 2.
Thành tích này ghi nhận sự cải thiện rất lớn của đội tuyển Việt Nam khi ở SEA V.League 2024, đội toàn thua 6 trận và xếp cuối bảng ở cả 2 chặng.
Để có được thành tích này, đầu tiên phải nói đến sự ổn định trong bộ khung và các vị trí thi đấu. Trong cả hai chặng, đội tuyển Việt Nam giữ nguyên đội hình với 14 cầu thủ, gồm: Đinh Văn Duy, Phan Công Đức (chuyền hai), Nguyễn Ngọc Thuân, Quản Trọng Nghĩa, Hoàng Xuân Trường (chủ công); Trần Duy Tuyến, Trương Thế Khải, Chế Quốc Lô Vít, Nguyễn Thanh Hải (phụ công); Phạm Văn Hiệp, Nguyễn Văn Quốc Duy, Phạm Quốc Dư (đối chuyền); Cao Đức Hoàng, Trịnh Duy Phúc (libero).
HLV Trần Đình Tiền muốn các vị trí được thi đấu thường xuyên và gắn kết với nhau. Nếu không có gì thay đổi thì đây sẽ là bộ khung của đội tuyển Việt Nam tại SEA Games 33.
Văn Duy đã cho thấy mình là chuyền hai số một của bóng chuyền nam Việt Nam hiện tại với lối chơi thông minh, bên cạnh khả năng bám chắn và hỗ trợ phòng ngự tốt. Sự trở lại của Văn Duy ở SEA V.League 2025 góp công không nhỏ trong thành tích chung của đội (năm ngoái chuyền hai này vắng mặt do chấn thương).
Ở vị trí đối chuyền, Quốc Dư và Văn Hiệp được ra sân nhiều hơn Quốc Duy, trong đó Quốc Dư thể hiện sự ổn định và hiệu quả hơn trong cả 2 chặng. Văn Hiệp vừa trở lại sau chấn thương, dù chưa có được phong độ tốt nhất nhưng cũng đã có những trận đấu hay, đặc biệt là cuộc đối đầu với Indonesia ở chặng 2.
Với Quốc Duy, dù thi đấu rất tốt và ghi điểm nhiều nhất đội tại AVC Challenge Cup hồi tháng 6 nhưng tại SEA V.League 2025, cầu thủ này chưa thể hiện được nhiều. Chắc chắn Quốc Duy sẽ còn phải nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới để có thể cạnh tranh cùng các đồng đội.
Ở vị trí chủ công, Ngọc Thuân và Trọng Nghĩa đã thể hiện tầm quan trọng khi gần như “cày ải” suốt hai chặng. Trong khi Trọng Nghĩa thầm lặng phía sau với khả năng bắt bước một và phòng thủ ổn thì Ngọc Thuân nổi bật với hiệu suất ghi điểm đều đặn.
Ở cả hai chặng, cầu thủ của Biên phòng đều được vinh danh là “Chủ công xuất sắc nhất”, trong đó tại chặng hai, anh ghi 69 điểm, nhiều nhất đội. Không kém cạnh các đồng đội, Duy Tiến cũng cho thấy sự hoàn thiện từng ngày từ phát bóng, chắn bóng và tấn công.
Danh hiệu “Phụ công xuất sắc nhất” ở chặng hai đã nói lên sự tiến bộ rất lớn của cầu thủ sinh năm 2001. Ở vị trí libero, Đức Hoàng thể hiện khá tốt ở chặng một nhưng bất ngờ bị chấn thương ở trận đầu chặng hai gặp Campuchia. Dù vậy, Duy Phúc, người thay thế cũng đã hoàn thành tròn nhiệm vụ của mình.
Khẳng định sự tiến bộ
Từ sự ổn định và thể hiện tốt của các vị trí đã giúp lối chơi của đội tuyển Việt Nam được gắn kết và hiệu quả hơn. Điều quan trọng không kém là các cầu thủ luôn biết cách đứng lên sau thất bại, biết nhìn nhận những khuyết điểm, lỗi, để cải thiện. Thất bại 0-3 trước Philippines trong ngày mở màn chặng một là trận thua khó hiểu nhất của đội.
Trận này, các cầu thủ thi đấu thiếu gắn kết, mắc nhiều lỗi phòng thủ và bước một. Nhưng đến trận tái đấu ở chặng hai, đội tuyển Việt Nam đã “lột xác” hoàn toàn bằng công, thủ khá toàn diện để “đòi nợ” thành công (thắng 3-1, trong đó 2 set cuối thắng cách biệt 25-17 và 25-16).
Trước một Campuchia đang tiến bộ, đội tuyển Việt Nam dù gặp đôi chút khó khăn nhưng đều có chiến thắng chung cuộc 3-0. Trước Indonesia, nền bóng chuyền số một khu vực, các chàng trai Việt Nam đã thi đấu cố gắng, tạo ra nhiều khó khăn, đặc biệt là trận thua 2-3 ở chặng một.
Nhưng để lại ấn tượng nhất phải nói hai trận thắng trước ĐKVK Thái Lan và cũng là đội vô địch chặng một. Không chỉ thể hiện chuyên môn tốt mà các cầu thủ còn cho thấy sức mạnh tinh thần.
Nếu như tại chặng một, đội lội ngược dòng 3-1 thì ở chặng hai, bản lĩnh và khả năng tận dụng cơ hội tốt trong set đấu quyết định đã giúp Ngọc Thuân và các đồng đội giành chiến thắng nghẹt thở 3-2.
Sau SEA V.League 2025, có thể khẳng định thực lực đội tuyển Việt Nam đang trong top 3 Đông Nam Á cùng với Indonesia và Thái Lan (trên bảng xếp hạng thế giới, Việt Nam cũng đang đứng thứ 3 khu vực) và hoàn toàn có thể nằm trong top các đội nhận huy chương tại SEA Games 33 nếu thi đấu đúng sức.
Thế nhưng, để hoàn thành chỉ tiêu lọt vào trận chung kết tại kỳ đại hội vào cuối năm thì cần sự phấn đấu nhiều hơn nữa từ các học trò của HLV Trần Đình Tiền.
Đội tuyển Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể sau SEA V.League 2025 nhưng vẫn còn đó yếu điểm về phòng thủ và bắt bước một. Hy vọng rằng từ đây đến SEA Games 33, đội sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn, các cầu thủ phải cố gắng để cải thiện và hoàn thiện hơn nữa ở vị trí của mình.
LÊ HOÀN