Bóng đá Malaysia từng bị đánh giá là “kèo dưới” của Việt Nam trong hơn một thập kỷ, bỗng nhiên thể hiện một bộ mặt hoàn toàn khác với lối chơi mạnh mẽ, kỷ luật của dàn cầu thủ lạ hoắc với những cái tên rất… không giống người Malaysia. Vậy điều gì đang thực sự diễn ra với bóng đá Malaysia?
Ào ạt nhập tịch cầu thủ
Khác với những năm trước đây khi bóng đá Malaysia sử dụng phương án nhập tịch thông thường, tức là tuyển chọn các cầu thủ ngoại quốc đang chơi tại giải vô địch quốc gia Malaysia rồi thay đổi quốc tịch của họ. Lần này, Liên đoàn bóng đá Malaysia (FAM) chuyển sang một hướng tiếp cận khác tinh vi hơn.
Cụ thể, Malaysia chỉ ưu tiên nhập tịch cho những cầu thủ có dòng máu lai, nghĩa là có ít nhất một phần gốc gác từ Malaysia, chẳng hạn như có ông bà, cha hoặc mẹ là người Malaysia. Nhờ vậy, họ có thể sử dụng quy định của FIFA về quyền nhập tịch theo huyết thống, từ đó hợp thức hóa quyền thi đấu quốc tế của các cầu thủ này cho đội tuyển Malaysia.
Đội tuyển Malaysia hiện có đến 18 cầu thủ nhập tịch. Ảnh: AFC.
Một số cái tên nổi bật trong đợt nhập tịch gần nhất bao gồm: Facundo Garces, Gabriel Palmero, Jon Irazabal, Hector Hevel, Imanol Machuca, Joao Figueiredo và Rodrigo Holgado - tất cả đều có nguồn gốc Nam Mỹ hoặc châu Âu, và đều đang ở độ tuổi sung sức trong sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp.
Với lực lượng mới này, bóng đá Malaysia đã ngay lập tức chứng tỏ sức mạnh. Trong trận tiếp Việt Nam, đội bóng từng khiến họ nhiều lần "ôm hận" trong hơn thập kỷ qua, Malaya đã giành chiến thắng đầy thuyết phục với tỷ số 4-0.
Trận thắng không chỉ giúp bóng đá Malaysia chiếm lợi thế giành vé vào vòng chung kết Asian Cup 2027 mà còn đánh dấu một bước ngoặt lịch sử, chấm dứt chuỗi trận không thắng trước “Những chiến binh sao vàng” kéo dài hơn 10 năm. Tuy nhiên, chiến thắng vang dội đó nhanh chóng bị phủ bóng bởi những tranh cãi xung quanh tính hợp pháp của chính sách nhập tịch mà FAM đang áp dụng.
Trong trận thắng Việt Nam 4-0 ở vòng bảng Asian Cup 2027, chủ nhà Malaysia có 9/11 cầu thủ nhập tịch trong đội hình xuất phát. Ảnh: AFC.
Sóng gió dư luận và phản ứng của FAM
Những ngày sau trận đấu, làn sóng chỉ trích từ phía người hâm mộ bóng đá Malaysia và truyền thông, cả trong nước lẫn quốc tế, bắt đầu nổi lên. Nhiều người đặt nghi vấn về việc liệu các cầu thủ nhập tịch mới thực sự đủ điều kiện khoác áo đội tuyển Malaysia hay không. Họ thắc mắc liệu FAM có minh bạch trong việc xác minh nguồn gốc, quốc tịch và lý lịch của các cầu thủ?
Trước những cáo buộc này, Chủ tịch FAM, ông Datuk Mohd Joehari Ayub, đã lên tiếng bác bỏ hoàn toàn. Phát biểu tại Đại hội FAM, ông khẳng định: “Chúng tôi đã tuân thủ đầy đủ quy định của FIFA. Các cầu thủ đều có nguồn gốc hợp pháp và đã được FIFA xác minh chặt chẽ. Không có bất kỳ sai phạm nào ở đây”.
Theo đó, Quy định của FIFA hiện hành cho phép một cầu thủ thi đấu cho đội tuyển quốc gia nếu họ: Sinh ra tại quốc gia đó; Có cha, mẹ, ông hoặc bà sinh ra tại quốc gia đó; Hoặc đã cư trú liên tục 5 năm sau tuổi 18 tại quốc gia đó. Dựa trên những điều kiện này, FAM tuyên bố các cầu thủ mới được nhập tịch hoàn toàn hợp lệ.
Dư luận trong nước và quốc tế đặt những câu hỏi về tính hợp pháp của một số cầu thủ Malaysia. Ảnh: AFC.
Dấu hiệu rạn nứt
Câu chuyện chưa dừng lại ở đó. Trong một diễn biến liên quan, HLV trưởng đội tuyển Malaysia – ông Peter Cklamovski – cũng bị Chủ tịch Joehari “nhắc nhở” công khai trong Đại hội bất thường của FAM diễn ra vào ngày 30-6. Nguyên nhân đến từ phát ngôn của HLV Cklamovski sau trận thắng Việt Nam, khi ông ám chỉ rằng nếu thất bại, ông và Hoàng tử bang Johor - Tunku Ismail – có thể sẽ “bị đe dọa”.
Bên cạnh đó, vị HLV người Úc còn sử dụng những cụm từ nhạy cảm như “phá hoại nội bộ” hay “can thiệp chính trị”, khiến giới chức FAM không hài lòng. Chủ tịch Joehari cho rằng những phát ngôn đó mang tính suy đoán và đề nghị HLV trưởng phải tự giải thích rõ ràng trước ban lãnh đạo.
Việc bóng đá Malaysia đột ngột chuyển hướng chiến lược phát triển dựa vào nguồn lực “ngoại lai” đặt ra nhiều câu hỏi về tính bền vững. Đúng là những cầu thủ như Hevel, Holgado hay Figueiredo có thể mang lại kết quả ngắn hạn. Nhưng về lâu dài, liệu bóng đá Malaysia có đang “tự cắt rễ” khi dựa quá nhiều vào yếu tố nước ngoài?
HLV Peter Cklamovski và các học trò gặp rắc rối sau trận thắng Việt Nam 4-0 hồi tháng 6. Ảnh: AFC.
Bên cạnh đó, nếu không quản lý tốt, chính sách nhập tịch có thể tạo ra rạn nứt trong nội bộ đội tuyển quốc gia, nơi cầu thủ bản địa có thể cảm thấy bị thất sủng so với các tân binh đến từ Nam Mỹ hay châu Âu.
Cuối cùng, chiến thắng trước tuyển Việt Nam chỉ là bước ngoặt trên sân cỏ với bóng đá Malaysia, nhưng lại mở đầu cho một giai đoạn đầy biến động. Việc kết hợp giữa yếu tố quốc tế và bản sắc dân tộc là bài toán khó buộc FAM phải sử dụng một cách hài hòa, minh bạch, kết hợp hiệu quả giữa cầu thủ gốc và nội địa. Ngược lại, những tranh cãi ở làng bóng Malaysia sẽ trở thành xung đột lớn hơn ở hậu trường.
NGỌC ANH