Thay vì chia các đội thành hai bảng như hơn 60 năm qua, SEA Games 2025 diễn ta tại Thái Lan từ ngày 7 - 19.12 sẽ là SEA Games đầu tiên mà các đội bóng tham dự được chia làm 3 bảng, thay vì 2 bảng hoặc 1 bảng như 32 lần giải trước đó.
Thay đổi lịch sử
Từ SEAP Games lần thứ 1 năm 1959 đến SEA Games lần thứ 32 năm 2023, môn bóng đá luôn tiến hành theo thể thức các đội được chia từ 1 đến 2 bảng đấu (từ Đại hội thể thao Đông Nam Á 1977, khi có thêm hai thành viên Indonesia và Philippines, tên gọi SEAP Games đã đổi thành SEA Games).
Thái Lan, ngọn cờ đầu thay đổi ở Đông Nam Á để bóng đá tốt hơn
Thông lệ này gần như chắc chắn sẽ thay đổi từ năm 2025: 11 đội được chia làm 3 bảng, trong đó đội chủ nhà Thái Lan là hạt giống ở bảng A, bảng ít đội nhất, chỉ có 3 đội. Indonesia đương kim vô địch và Việt Nam huy chương đồng SEA Games 2023 sẽ là hạt giống của 2 bảng còn lại (Thái Lan đoạt huy chương bạc tại SEA Games 2023 nên Việt Nam được chọn là đội hạt giống do Thái Lan đã có suất hạt giống với tư cách đội chủ nhà).
Theo quy định, các đội thi đấu vòng tròn, ba đội đứng đầu mỗi bảng cùng với đội nhì bảng có thành tích tốt nhất sẽ vào bán kết. FAT đã trình phương án mới này lên AFC để xem xét và vấn đề chỉ còn là thời gian chờ đợi AFC chính thức phê duyệt.
Phương án mới này cũng đồng thời giới hạn độ tuổi của cầu thủ tham dự không quá 22 tuổi nhằm chuẩn bị cho Vòng chung kết U.23 châu Á năm 2026.
Sự thay đổi này giúp giảm số lượng trận đấu, phù hợp với lịch trình chỉ kéo dài khoảng 2 tuần của SEA Games. Vì rằng tối đa một đội thi đấu từ vòng bảng gồm 4 đội cho đến khi vô địch chỉ là 5 trận (bảng 3 đội còn ít hơn, với 4 trận). Ngược lại theo thể thức thi đấu cũ, khi chia hai bảng với một bảng 6 đội và một bảng 5 đội, đội vô địch sẽ thi đấu tối đa 7 trận (bảng 6 đội) hoặc 6 trận (bảng 5 đội).
Cuộc đổi mới này sẽ khiến các đội không còn phải rơi vào hoàn cảnh thi đấu với mật độ dày đặc 2 ngày/trận. Việc đổi mới giảm bớt số lượng trận đấu không nằm ngoài mục đích tăng cường chất lượng cạnh tranh, gia tăng chất lượng chuyên môn các trận đấu, đồng thời giảm được tối đa tình trạng cầu thủ bị chấn thương.
SEAP Games ra đời năm 1959 với chu kỳ 2 năm tổ chức một lần không nằm ngoài mục đích tạo điều kiện cho thể thao các quốc gia khu vực Đông Nam Á có cơ hội thường xuyên thi đấu để nâng cao trình độ, theo kịp sự phát triển của thể thao châu Á, và xa hơn nữa là Olpympic, thế giới.
Với mục đích này, từ 1959 đến 1999, bóng đá SEA Games luôn dành cho các đội tuyển quốc gia. Nhưng kể từ khi giải vô địch bóng đá Đông Nam Á ra đời từ năm 1996 với tên gọi ban đầu là Tiger Cup mà đến 2024 gọi là ASEAN Cup và luôn tổ chức vào các năm chẵn xen kẽ với các năm lẻ của SEA Games, kể từ SEA Games 2001, bóng đá chỉ còn dành cho đối tượng U.23. Bóng dá SEA Games đã thay đổi khi chỉ còn là đấu trường để cho các cầu thủ trẻ hơn rèn luyện, nâng cao trình độ. Đến SEA Games 2017, độ tuổi thi đấu ở bóng đá giảm xuống là U.22 để chuẩn bị cho các vòng chung kết U.23 châu Á diễn ra xen kẽ vào các năm chẵn.
Sau 12 SEA Games (2001 - 2023) dành cho đối tượng U.22 và U.23, trong đó có hai kỳ được dùng cầu thủ quá tuổi, và Việt Nam đều vô địch nhờ quy định này: năm 2019 tại Philippines, U22 + 2 Việt Nam đã tăng cường thêm tiền vệ Đỗ Hùng Dũng (sinh năm 1993) và cầu thủ đa năng Nguyễn Trọng Hoàng (1989); năm 2022 trên sân nhà, Việt Nam tăng cường 3 cầu thủ quá tuổi là hai tiền vệ Đỗ Hùng Dũng (1993), Nguyễn Hoàng Đức (1998) và tiền đạo Nguyễn Tiến Linh (1997).
Đến SEA Games 2023 khi quy định các đội tham dự chỉ gồm các cầu thủ U.22, đội Việt Nam chỉ đoạt huy chương đồng, Indonesia đoạt huy chương vàng lần đầu tiên từ năm 1991 khi thắng Thái Lan 5-2 trong hiệp phụ trận chung kết.
Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển, những nhà điều hành bóng đá SEA Games luôn mong muốn thay đổi cho phù hợp với bóng đá quốc tế để phát triển
V-League không nên hoãn vì SEA Games
Giữa tháng 3.2025, tại Hội nghị triển khai công tác chuẩn bị tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia 2025-2026, Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) trình bày hai phương án về kế hoạch thi đấu mùa giải mới.
Sau chức vô địch ASEAN Cup 2024, bóng đá Việt Nam đặt mục tiêu: đoạt huy chương vàng SEA Games 2025
Cả hai phương án đều giống nhau ở giải pháp V-League 2025-2026 sẽ tạm nghỉ ít nhất 1 tháng nhằm tạo điều kiện cho đội U.22 Việt Nam tham dự SEA Games 33 vào tháng 12 tại Thái Lan.
Tuy nhiên, trước quan điểm đổi mới thể thức thi đấu nội dung bóng đá tại SEA Games 2025 của FAT, VFF và VPF cần sớm lập lại kế hoạch kể từ mùa bóng 2025-2026 rồi lấy ý kiến các đội bóng: không dừng V-League vì bóng đá trẻ, mà cụ thể ở đây là sẽ không dừng V-League vì SEA Games.
Đã có quá nhiều ý kiến của các chuyên gia, HLV từ người ngoài cuộc cho đến trong cuộc không tán thành V-League dừng vì các giải trẻ, bởi không có một nền bóng đá chuyên nghiệp hàng đầu nào trên thế giới cũng như là châu Á lại tạm ngưng giải vô địch quốc gia để tập trung cho giải trẻ.
Thử hình dung, các câu lạc bộ sẽ bị thiệt hại ra sao khi vừa tập chay hơn cả tháng trời nhưng vẫn bắt buộc phải trả lương, trả mọi chi phí sinh hoạt cho cầu thủ, ban huấn luyện, đội ngũ tổ chức điều hành đội bóng. Về chuyên môn, để thích ứng với việc nghỉ dài, huấn luyện viên buộc phải thay đổi giáo áo huấn luyện, thi đấu. Càng khó khăn hơn khi sau kỳ nghỉ SEA Games, V-Leagie chỉ tổ chức thêm 3, hoặc tối đa 4 vòng đấu rồi lại phải nghỉ do bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (nếu tổ chức vào cuối năm như SEA Games 2025), hoặc bước vào những đợt FIFA Days (nếu SEA Games tổ chức vào giữa năm).
Huấn luyện viên Chu Đình Nghiêm của đội Hà Nội và nay là Hải Phòng đã nói với truyền thông rằng "Giải đấu bị ngắt quãng, cắt vụn nhiều quá, khiến các CLB rơi vào khó khăn khi cầu thủ vừa bắt nhịp thi đấu 4 vòng thì lại phải tiếp tục nghỉ dài ngày”.
Hay như huấn luyện viên Vũ Hồng Việt của đội đương kim vô địch quốc gia Nam Định cho rằng: "Không có giải nào nghỉ cả tháng, thi đấu 3 - 4 vòng rồi lại nghỉ thêm cả tháng. Giải vô địch quốc gia tạm ngưng để phục vụ đội tuyển quốc gia trong dịp FIFA Days không có gì để nói, nhưng đằng này là giải quốc gia dừng cho đội trẻ".
***
FAT đã là ngọn cờ đầu của Đông Nam Á thay đổi thể thức thi đấu SEA Games để bóng đá hấp dẫn hơn, chất lượng hơn, cầu thủ được an toàn, cống hiến nhiều hơn, cũng như Thai-League đã, đang và sẽ không tạm ngưng vì SEA Games cho dù Đại hội thể thao 2025 họ là nước chủ nhà. Có nghĩa là FAT cũng không đặt nặng thành tích giải trẻ mà ở đây là U.22!
Đã đến lúc dù đã trễ, nhân cơ hội bóng đá SEA Games 2025 thay đổi thể thức thi đấu, bóng đá Việt Nam cũng nên đổi mới để tốt hơn, thay vì hơn 20 năm qua kể từ khi SEA Games chỉ còn dành cho đối tượng U.23, U.22, V-League vẫn tạm ngưng để tập trung cho SEA Games, tập trung vì thành tích bóng đá cấp thấp.
Có nghĩa là bóng đá đỉnh cao Việt Nam tạm ngưng vì giải trẻ, đây là quy định ngược vì chỉ có từ dưới nhìn lên, phấn đấu lên cao chứ không ai từ trên cao nhìn xuống rồi làm theo bên dưới…
Đặng Hoàng