Bóng đá Việt Nam: Chênh vênh giàu, nghèo

Bóng đá Việt Nam: Chênh vênh giàu, nghèo
một ngày trướcBài gốc
Đổi mới không nhắc tới
Có một nội dung không xuất hiện trong thông cáo báo chí của Hội nghị Ban chấp hành LĐBĐ Việt Nam (VFF) lần 8, khóa IX cách đây vài ngày. Dù rằng, các ủy viên trong BCH VFF đã thông qua. Đó là việc hạng Nhất Quốc gia và V.League điều chỉnh ngoại binh kể từ mùa giải 2025/2026. Theo đó ở V.League, các CLB sẽ được đăng ký 4 ngoại binh trong 1 trận đấu. Nhưng ở trên sân, họ chỉ có thể dùng tối đa 3 “Tây”. Người còn lại sẽ ngồi trên ghế dự bị.
Với trường hợp các đội tham dự AFC Champions League 2 và giải vô địch CLB Đông Nam Á, số lượng ngoại binh được đăng ký lên đến 7 người. Tất nhiên, để đảm bảo tính cân bằng với các CLB còn lại ở V.League, những đội bóng này cũng chỉ được dùng nhiều nhất là 3 ngoại binh trên sân cùng 1 “Tây” ở băng ghế dự bị.
Những đội như Bình Phước, Ninh Bình giàu đột biến ở giải hạng Nhất.
Nếu như thay đổi cầu thủ nước ngoài tại V.League chỉ được xem là một bản nâng cấp thì chuyện đội bóng tại giải hạng Nhất được mua “Tây” là một cuộc cách mạng. Ít nhất 10 năm qua, các đội tại hạng đấu này không được chiêu mộ ngoại binh dựa theo điều lệ giải. Do đó, chuyện mỗi CLB được sở hữu 1 cầu thủ “Tây” trong đội hình kể từ hạng Nhất 2025/2026 có thể xem là đổi mới rất đáng chú ý.
Tuy nhiên, nội dung này không xuất hiện trong thông báo của VFF. Không phải bởi đội ngũ truyền thông bỏ sót. Bởi nếu thế, chẳng có chuyện trang chủ từ tổ chức này lại cập nhật bổ sung một nội dung sau khoảng vài chục phút đăng tải. Tiếc thay, nội dung đó liên quan đến kỷ luật một thành viên trong Ban trọng tài, thay vì câu chuyện hạng Nhất được đăng ký ngoại binh kể từ mùa sang năm.
Báo chí vẫn đăng tải thông tin đáng chú ý kể trên. Nhưng VFF hay VPF vẫn không nhắc tới câu chuyện hạng Nhất và V.League có điều chỉnh chiêu mộ cầu thủ ngoại cho đến hiện tại. Đâu đó những quan điểm cho rằng tổ chức điều hành bóng đá Việt Nam nói chung và bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam nói riêng vẫn ngại ngùng trong khả năng mất cân bằng tại giải hạng Nhất, dựa trên những góp ý, đánh giá từ đại diện các CLB lẫn chuyên gia.
Các câu lạc bộ hạng Nhất đứng trước cơ hội tăng ngoại binh.
Giả thiết này hoàn toàn có lý. Bởi thực tế, hạng Nhất Quốc gia hiếm khi nào bình yên trọn vẹn. Ngay đầu mùa 2024/2025, giải đấu buộc phải dời thời điểm bốc thăm khi có tới 4 CLB xin rút vì khó khăn tài chính. Phải nhờ sự hỗ trợ từ lãnh đạo địa phương, các nhà tài trợ, VFF lẫn VPF, hai đội Khánh Hòa và Đồng Nai mới dần tháo gỡ những vấn đề tiền nong để có kinh phí vừa đủ tham dự giải. Trong khi đó, 2 CLB là Long An và Định Hướng Phú Nhuận không thể giải quyết câu chuyện “tiền đâu”. Qua đó đành không thể góp mặt tại giải đấu. Cơ cấu hạng Nhất 2024/2025 từ 12 đội như kỳ vọng chỉ còn 10 cái tên tranh tài.
2 năm trước cũng tại hạng Nhất, CLB Cần Thơ chấm dứt hoạt động vì khủng hoảng tài chính. Nhà đầu tư lũ lượt rút lui. UBND thành phố bất lực trong việc thuyết phục mạnh thường quân cứu trợ. Cầu thủ đội bóng cũng vì thế mà mỗi người một ngả. Đội bóng miền Tây rơi vào dĩ vãng.
Nói như thế để thấy bức tranh tài chính của giải hạng Nhất chưa bao giờ ổn định trọn vẹn. Mức sàn 25 tỷ đồng cho việc duy trì hoạt động 1 năm, bao gồm trả lương cho đội 1, di chuyển, ăn ở, tập luyện, vận hành cơ sở vật chất… chưa bao giờ là dễ dàng với đa số các CLB tại hạng Nhất. Vài năm trước, các cầu thủ nổi bật nhất của hạng đấu này tâm sự, bình quân 1 tháng thu nhập của họ chỉ dao động từ 7-10 triệu đồng/tháng. Mức lót tay của đại đa số cầu thủ ở giải này cũng chỉ là 300-500 triệu/năm. Con số này kém tới 4-5 lần so với mặt bằng chung ở V.League, chưa nói đến những ngôi sao tầm cỡ đang là trụ cột tại ĐTQG.
Mất cân đối
Tất nhiên, giải hạng Nhất mùa này cũng chứng kiến điều đặc biệt hiếm thấy trong lịch sử. Ngược lại với mảng tối kinh phí của một số CLB, lần lượt Phù Đổng Ninh Bình và Bình Phước lại mạnh tay chi đậm cho các thương vụ chuyển nhượng. Sự xuất hiện của Hoàng Đức (gần 30 tỷ đồng tiền lót tay), Văn Lâm (dự kiến 27 tỷ đồng), Công Phượng (18 tỷ đồng), cùng một loạt các cầu thủ ở diện khá từ V.League xuống thi đấu giúp 2 đội bóng này vươn lên tầm cỡ đại gia. Cụm từ này không chỉ giới hạn tại hạng Nhất. Ngay cả nhiều đội bóng tại V.League cũng phải nể phục trước độ “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” mà Ninh Bình và Bình Phước đã tạo ra.
Mặt bằng chung giải đấu vẫn còn khiêm tốn về tài chính
Cán cân giàu, nghèo chưa bao giờ chênh lệch đến như thế tại hạng Nhất. Một mình Hoàng Đức với số tiền lót tay (chưa kể lương) cũng hơn kinh phí duy trì tham dự giải của cả 1 đội. Riêng mức thu nhập theo quý mà Văn Lâm, Hoàng Đức, Công Phượng gộp lại cũng xấp xỉ quỹ lương trong nhiều tháng của 1 đội bóng tầm trung tại hạng Nhất.
Tới đây, nếu câu chuyện các đội hạng Nhất chiêu mộ ngoại binh đi vào thực tiễn và Ninh Bình hay Bình Phước vẫn còn ở lại thay vì thăng hạng V.League thành công, bức tranh chênh lệch tài chính lại càng tương phản thấy rõ. Sẽ không khó để hai đội bóng “trọc phú” chiêu mộ được những ngoại binh xịn, với mức lương từ 10.000 USD/tháng. Nhưng ở chiều ngược lại, chưa chắc nhiều CLB ở hạng Nhất đã dám đầu tư mua cầu thủ nước ngoài.
Nên nhớ, mức thu nhập bình quân hàng tháng mà CLB hạng Nhất bình thường chi ra chỉ dao động từ 7-10 triệu đồng/tháng. Với chỉ chừng ấy thôi mà nhiều đội còn rơi vào cảnh long đong giải quyết bài toán tiền nong từng mùa. Hiển nhiên, họ sẽ chẳng thể nào chỉ cả trăm triệu đồng/tháng, cho một ngoại binh ở dạng rẻ nhất trên thị trường (5.000 đến 7.000 USD/tháng). Bởi với con số kể trên, họ chí ít đã có thể dùng tới 6-7 cầu thủ nội. Đưa lên bàn cân so sánh, chẳng nhiều CLB hạng Nhất mặn mà với cầu thủ Tây. Từ đó, thay vì sự kỳ vọng nâng cao tính cạnh tranh và chất lượng ở hạng Nhất, câu chuyện sắm ngoại binh lại phản ánh bức tranh giàu nghèo và mất cân bằng giữa các CLB. Đáp số và mong mỏi đến từ VFF và VPF suy cho cùng lại chỉ còn hiện diện trong viễn tưởng và lý thuyết…
Hơn 10 năm trước, hạng Nhất cũng từng có cầu thủ ngoại hiện diện. Nhưng phần đông đội bóng khi ấy không đủ năng lực tài chính cho cầu thủ ngoại. Thậm chí, không thiếu trường hợp các đội hạng Nhất lần lượt xuống hạng, giải thể hoặc biến mất dù trụ hạng thành công cũng vì chuyện tiền bạc. Trước thực tế như vậy, VFF buộc phải xóa sổ ngoại binh ở giải hạng Nhất…
Không nhiều câu lạc bộ đủ tiềm lực để “săn Tây”.
Một vấn đề khác cũng có thể rơi vào mâu thuẫn, liên quan tới giải hạng Nhất. Hai nội dung đã được thông qua. Một trong số đó thậm chí thực thi ngay ở nửa cuối mùa giải này. Thứ nhất, hạng Nhất 2025/2026 sẽ có 2 suất lên thẳng V.League mùa kế tiếp. Thứ hai, VPF đã sửa đổi điều lệ ở giải hạng Nhất. Các CLB thăng hạng và thi đấu play-off phải đáp ứng đủ điều kiện yêu cầu về việc thực hiện quy trình cấp phép, được LĐBĐ Việt Nam cấp Giấy phép tham dự Giải bóng đá Vô địch quốc gia. Một trong số đó là tiêu chí liên quan tới tài chính.
Về lý thuyết, hai bổ sung này đều hứa hẹn tạo nên sự cạnh tranh và thắp lên hy vọng lên chơi V.League cho các CLB tại hạng Nhất. Song thực tế, nhìn từ 10 năm qua, những đội bóng “máu” lên hạng không nhiều. Riêng ở mùa giải mang tính đặc thù này, hạng Nhất mới chứng kiến tới 3 CLB gồm PVF-CAND, Phù Đổng Ninh Bình và Bình Phước đầu tư để đua tranh vé dự V.League mùa tới. Nếu không còn những CLB mạnh vì gạo, bạo vì tiền kể trên, liệu 2 suất dự V.League có còn là câu chuyện mà phần đông hạng Nhất ngó ngàng.
Chưa kể, một khi lên V.League, họ phải đáp ứng một loạt tiêu chí chuyên nghiệp như VFF, VPF yêu cầu kể trên. Bài toán ngân sách từ 25 tỷ ở hạng Nhất sẽ tăng gấp đôi một khi thăng hạng. V.League không phải Ngoại hạng Anh, nơi các CLB hạng Nhất có thể đổi đời nếu góp mặt. Bản quyền truyền hình, tiền bán vé chỉ là một phần rất nhỏ trong bài toán tài chính mà các đội phải giải quyết…
Giấc mơ 14 đội
Theo kế hoạch, hạng Nhất sẽ có 14 đội tham dự, bằng với số đội góp mặt ở V.League. Trước đây, hạng Nhất đã từng đạt con số ấy trong nhiều mùa giải liền. Như năm 2012, số lượng đội tham dự là 14. Nhưng kể từ sau mùa bóng ấy, số đội đã bị giảm sụt đáng kể, thậm chí có mùa giải chỉ còn 7 đội như ở mùa bóng 2017 hay trước đó chỉ có 8 đội ở mùa giải 2015.
Việc số lượng đội giảm mạnh, có lúc chỉ còn một nửa không phải là chủ trương của ban tổ chức giải mà xuất phát từ chính các đội bóng. Điều này đã dẫn đến sự nghịch lý khi các giải bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam rơi vào cảnh “chóp nón ngược”, nghĩa là số lượng đội ở giải cao nhất lại lớn hơn so với số lượng đội ở giải thấp hơn, thay vì hình thái ngược lại.
Có một thực tế rằng trong xu hướng bóng đá chuyên nghiệp, ngân sách nhà nước sẽ rất khó để đảm bảo cho một đội bóng có thể “sống khỏe” khi nguồn tài chính để chi tiêu là khá lớn. Vì thế, các CLB buộc phải đưa ra nhiều giải pháp khác nhau để vận động các nguồn tài trợ bên ngoài mới có thể đáp ứng được nguồn chi tiêu, chứ không thể phụ thuộc vào một tổ chức, đơn vị. Ngay cả các đội bóng do tư nhân làm chủ cũng phải đi theo xu hướng ấy.
Song cũng như câu chuyện con gà, quả trứng, bài toán “tiền đâu” vẫn rất nan giải…
An Khánh
Nguồn ANTG : https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/bong-da-viet-nam-chenh-venh-giau-ngheo-i763817/