Bóng đá Việt Nam không phụ thuộc 'làn sóng' Việt kiều

Bóng đá Việt Nam không phụ thuộc 'làn sóng' Việt kiều
6 giờ trướcBài gốc
Những năm trở lại đây, bóng đá Việt Nam đang nổi lên “làn sóng” cầu thủ Việt kiều hồi hương. Theo thống kê, hiện đang có 14 cầu thủ Việt kiều chơi tại V-League 2024-2025. Con số là rất lớn so với giai đoạn cách đây khoảng chục năm.
Cũng từ mùa giải 2024-2025, để thu hút thêm các cầu thủ Việt kiều trở về nước thi đấu, Ban tổ chức đã cho mỗi đội bóng tại V-League và hạng Nhất đăng ký tối đa 2 cầu thủ Việt kiều chưa có quốc tịch.
Cầu thủ Việt kiều Quang Vinh mới được triệu tập lên đội tuyển Việt Nam. Ảnh: Công an Hà Nội FC
Làn sóng Việt kiều trở về Việt Nam thi đấu bắt nguồn từ việc giải vô địch quốc gia đang thay đổi và có chất lượng ngày một tốt hơn. Thêm vào đó, mức lương, thưởng, lót tay các câu lạc bộ chi ra cũng khá “đầm tay”.
Ngoài ra, khi trở về Việt Nam, các cầu thủ Việt kiều sẽ được câu lạc bộ và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) hỗ trợ trong việc làm thủ tục nhập tịch. Nhờ sự hỗ trợ này, quá trình nhập tịch sẽ nhanh hơn rất nhiều so với việc các cầu thủ tự mày mò. Khi lấy được quốc tịch, các cầu thủ nếu chơi tốt sẽ có cơ hội thử sức ở đội tuyển quốc gia.
Thực tế, những năm trở lại đây, tuyển quốc gia hay các lứa U của Việt Nam không thiếu cầu thủ Việt kiều, nổi bật có thể kể đến như Nguyễn Filip, Đặng Văn Lâm, Mạc Hồng Quân, Adriano Schmidt… Mới đây, những Viktor Lê, Jason Quang Vinh đã được triệu tập lên đội tuyển U22 và đội tuyển quốc gia Việt Nam.
Trước “làn sóng” này, nhiều người cho rằng, cầu thủ Việt kiều là một bộ phận quan trọng và không thể thiếu của các câu lạc bộ cũng như tuyển quốc gia Việt Nam. Quả thực không ai có thể phủ nhận điều đó vào thời điểm này. Nhưng thực tế chỉ ra rằng, nguồn cầu thủ Việt kiều không phải là vô hạn và chúng ta cũng không thể kiểm soát được, ít nhất là về mặt chất lượng. Do đó, bóng đá Việt Nam không thể phụ thuộc vào nguồn lực cầu thủ Việt kiều để phát triển.
Tất nhiên, không ai có thể gạt bỏ sự đóng góp của cầu thủ Việt kiều cho bóng đá Việt Nam trong những năm trở lại đây. Nhưng nền bóng đá bền vững là nền bóng đá phải tự đào tạo ra được lớp kế cận và điều này chúng ta có thể kiểm soát được. Đồng thời, có thể nâng cao chất lượng qua từng ngày. Có thể thấy, mọi nền bóng đá lớn trên thế giới đều ưu tiên đào tạo trẻ và đó là “bí kíp” để họ duy trì được vị thế của mình.
Nói về điều này, bình luận viên Ngô Quang Tùng nhấn mạnh: “Bất cứ nền bóng đá nào trên thế giới cũng cần được xây dựng bởi nguồn nội lực. Việc nhập tịch hay đón những cầu thủ Việt kiều về nước thi đấu là việc cần làm để nâng cao sức mạnh đội tuyển. Tuy nhiên, đó chỉ là tầm nhìn ngắn hạn. Chúng ta không nên trông mong hoàn toàn vào nguồn lực đó. Bởi ai cũng biết rằng, việc phát hiện ra những cầu thủ Việt kiều có chất lượng cao là không hề dễ. Thế nên, để duy trì được sự phát triển bền vững của bóng đá Việt Nam, chúng ta vẫn phải chú trọng vào đào tạo trẻ và đây là nền tảng quan trọng nhất”.
Theo ông Quang Tùng, Việt Nam đang có rất nhiều trung tâm đào tạo trẻ chất lượng như PVF hay Thể Công-Viettel. Ngoài ra, những lò đào tạo danh tiếng như Sông Lam Nghệ An hay Hoàng Anh Gia Lai cũng đang hoạt động hiệu quả. “Nếu làm tốt hơn nữa, chúng ta sẽ có đầu ra rất chất lượng trong tương lai. Đó sẽ là nguồn động lực để chúng ta xây dựng nên nền bóng đá vững vàng, chắc chắn hơn”, bình luận viên Ngô Quang Tùng nhận định.
Cùng quan điểm, chuyên gia bóng đá Phan Anh Tú cho rằng, cầu thủ Việt kiều chỉ là một nhân tố hỗ trợ và giải quyết được một số vấn đề mang tính nhất thời. Còn bóng đá Việt Nam có phát triển bền vững được hay không sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào đào tạo trẻ.
DUY ANH
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/bong-da-viet-nam-khong-phu-thuoc-lan-song-viet-kieu-829741