Đào tạo trẻ được đặt vào trọng tâm của Đề án
Trong nhiều năm, đào tạo trẻ ở Việt Nam chủ yếu do một số câu lạc bộ, học viện tư nhân hoặc tổ chức xã hội hóa đảm trách, hoạt động thiếu đồng bộ, thiếu cơ chế phối hợp từ cấp Nhà nước. Điều này khiến lực lượng trẻ phát triển chắp vá, “đánh đâu hay đó”, thiếu đường lối trung hạn. Trong khi đó, các đối thủ như Thái Lan, Indonesia, Malaysia đã từng bước đưa công tác đào tạo trẻ vào chiến lược phát triển thể thao quốc gia.
Cúp bóng đá Viettel 2025 là nơi Thể Công-Viettel tuyển chọn các tài năng nhí. Ảnh: THU HÀ
Với Đề án phát triển bóng đá đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 (Đề án), lần đầu tiên Việt Nam chính thức thể chế hóa vai trò trung tâm của đào tạo trẻ, tạo ra khung chính sách toàn diện từ tuyển chọn, huấn luyện, cơ sở vật chất đến cơ chế tài chính, nhằm kiến tạo một thế hệ có thể đưa bóng đá Việt Nam vươn ra tầm châu lục và thế giới.
Theo đề án, hệ thống đào tạo trẻ được tổ chức với mô hình “kim tự tháp”, tầng đế là phong trào bóng đá học đường - địa phương - cộng đồng, tầng giữa là các học viện và trung tâm đào tạo cấp tỉnh, đỉnh cao là các trung tâm huấn luyện quốc gia. Sự liên thông giữa các tầng được bảo đảm bằng các giải đấu trẻ bắt buộc và hệ thống giám sát kỹ thuật từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.
Cụ thể, từ năm 2026, các câu lạc bộ chuyên nghiệp sẽ bắt buộc duy trì đầy đủ hệ thống đào tạo từ U11 đến U21. Các giải trẻ quốc gia cũng sẽ được cải tổ, tăng số vòng đấu, tạo điều kiện để cầu thủ trẻ thi đấu thường xuyên hơn - yếu tố then chốt trong việc phát triển kỹ, chiến thuật và bản lĩnh thi đấu.
Điểm mới là Nhà nước sẽ đóng vai trò hỗ trợ ngân sách, cơ sở vật chất cho các địa phương và tổ chức xã hội hóa tham gia đào tạo trẻ. Đây là sự thay đổi quan trọng, khi bóng đá không còn bị coi là "cuộc chơi tốn kém của doanh nghiệp", mà là một lĩnh vực được đầu tư có chiến lược từ ngân sách công.
Về điều này, bình luận viên Vũ Quang Huy, đồng thời là Phó tổng giám đốc Tổng công ty Truyền hình Cáp Việt Nam hết sức ủng hộ, khi cho rằng: “Thời điểm này, tôi cảm thấy có những hy vọng, vì đất nước đang đổi thay và có sự quyết liệt trong thúc đẩy tiến độ. Trước đây, chúng ta cũng từng rất tâm huyết phát triển bóng đá trẻ, hoặc kế hoạch này, kế hoạch kia. Nhưng có những cái bị theo nhiệm kỳ, đang làm dở thì lại nghỉ. Nên những gì thực hiện từ trước, thì về sau sự tiếp nối lại không trọn vẹn. Bây giờ, chúng ta hy vọng đây sẽ là một dự án dài hơi, có sự giám sát thường xuyên, có sự kế thừa từ các thế hệ để làm bài bản hơn. Điều chúng ta muốn nhất là kế hoạch nếu tốt, đã đề ra thì hết nhiệm kỳ này, nhiệm kỳ sau vẫn làm tốt”.
Đồng quan điểm trên, bình luận viên Ngô Quang Tùng, đồng thời là Phó giám đốc Công ty Thể thao Viettel (đơn vị quản lý câu lạc bộ bóng đá Thể Công-Viettel) chia sẻ: “Tôi nghĩ việc Đề án tập trung trọng tâm vào phát triển bóng đá trẻ là một thông tin rất tích cực. Bởi vì để phát triển bóng đá Việt Nam vươn tới đỉnh cao như World Cup thì chắc chắn phải có một lộ trình. Mà để thực hiện lộ trình đó, cần sự tham gia của nhiều thành phần, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Nếu có sự đồng hành từ Chính phủ, tôi tin đó sẽ là một cú hích lạc quan. Đầu tiên, rõ ràng là về tài chính. Nhiều địa phương, cơ sở có tiềm năng làm bóng đá nhưng lại thiếu điều kiện vật chất và tài chính. Trong khi đó, với một quốc gia hơn 100 triệu dân có tình yêu lớn dành cho bóng đá như Việt Nam, nếu tổ chức tốt hệ thống sàng lọc và phát hiện tài năng, không để bỏ sót nhân tố chất lượng thì chắc chắn nền tảng của chúng ta sẽ rộng hơn. Từ đó, khả năng tìm ra nhiều cầu thủ giỏi hơn cũng sẽ tăng lên”.
“Ví dụ, nếu hiện tại chúng ta chỉ tuyển chọn từ 500 em độ tuổi 12-13, thì sau này có thể tăng lên 5.000 hay thậm chí 15.000-20.000 em. Sau 10 năm, trong số đó lọc ra được 50 hoặc 20 người giỏi thật sự thì cũng là thành công rồi. Và quan trọng là Nhà nước có định hướng rõ ràng thì các cấp bên dưới cũng sẽ đồng lòng, vào cuộc với một tâm thế khác hẳn. Hiện nay, trung tâm đào tạo bóng đá trẻ quy mô lớn ở Việt Nam còn rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nếu có sự đầu tư bài bản thì tình hình sẽ hoàn toàn khác”, bình luận viên Ngô Quang Tùng nhấn mạnh.
Theo bình luận viên Vũ Quang Huy, điểm nhấn quan trọng của Đề án nằm ở tính kết nối giữa xã hội hóa với nguồn lực Nhà nước: “Điều thuận lợi là gần đây các câu lạc bộ đều ý thức rõ về việc đào tạo trẻ rồi. Nhưng do kinh phí hạn hẹp nên nhiều khi nuôi đội một đã khó khăn, không còn nhiều kinh phí cho các lớp trẻ. Bây giờ khi đề án đã được duyệt, có lực đẩy từ Nhà nước, giữa cái chung của nền bóng đá Việt Nam với cái riêng của các câu lạc bộ, có thể sẽ kết nối lại được tốt hơn. Mô hình này có thể kết hợp kiểu Nhà nước và nhân dân cùng làm. Các câu lạc bộ mong muốn có lứa trẻ tốt thì sẽ được nguồn lực Nhà nước hỗ trợ. Tất nhiên là cần có sự giám sát để làm thật hiệu quả”.
Một trong những quyết định mang tính lịch sử của Đề án đối với bóng đá trẻ là cải tiến hệ thống thi đấu bao gồm các lứa tuổi nhằm bảo đảm các cầu thủ trẻ được thi đấu tối thiểu từ 20 đến 30 trận/năm. Đánh giá về mục tiêu trên, ông Trần Duy Ly, nguyên Phó chủ tịch Thường trực Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), nguyên Trưởng ban tổ chức V-League cho rằng, đây là điều mà những người làm bóng đá Việt Nam lâu nay đều rất muốn. "Từ lâu nay, những người làm bóng đá đều rất muốn trao nhiều cơ hội cho các cầu thủ trẻ. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện là hết sức khó, rất mong muốn các thế hệ trẻ, lứa trẻ có nhiều giải để được đá và thể hiện mình. Lâu nay, các tài năng trẻ của bóng đá Việt Nam ít có cơ hội cọ xát, tích lũy kinh nghiệm từ các sân chơi trong nước, quốc tế, bởi vậy mục tiêu trên mà Đề án nêu ra rất cần thiết và kỳ vọng sẽ tạo cú bứt phá lớn", ông Trần Duy Ly nhấn mạnh.
Chú trọng phát triển bóng đá học đường
Khi nhắc đến World Cup, không ít người cho rằng đó là giấc mơ xa xôi. Nhưng hãy nhớ lại: Tại Asian Cup 2019, tuyển Việt Nam lọt vào tứ kết, chỉ thua Nhật Bản bằng bàn thua tối thiểu. U23 Việt Nam từng vào đến chung kết châu Á năm 2018. Gần đây nhất, tại vòng loại World Cup 2022, chúng ta lần đầu lọt vào vòng loại cuối cùng. Những cột mốc ấy cho thấy bóng đá Việt Nam đã đủ năng lực chạm tay vào những giới hạn mới, nếu có một lộ trình đủ dài và bền vững.
Các cầu thủ trẻ Việt Nam mừng bàn thắng tại vòng chung kết Giải bóng đá U17 châu Á 2025. Ảnh: VFF
Đề án không né tránh mục tiêu lớn: Lọt vào vòng chung kết World Cup 2034. Để làm được điều đó, Việt Nam cần tạo ra ít nhất hai thế hệ cầu thủ đẳng cấp quốc tế liên tiếp, được đào tạo bài bản từ khi còn là thiếu niên. Nghĩa là, những cầu thủ hiện 12-13 tuổi hôm nay sẽ chính là nòng cốt cho World Cup 2038 hoặc 2042. Và để chuẩn bị cho họ, mọi công đoạn - từ tuyển sinh, giáo án, tâm lý học thể thao đến thể chất - đều phải được xây dựng theo chuẩn quốc tế.
Theo đó, bóng đá trẻ không chỉ đào tạo về kỹ thuật, mà còn phát triển toàn diện: Kỹ - chiến - thể - tâm - trí. Y học thể thao, tâm lý vận động, chế độ dinh dưỡng và cả kỹ năng giao tiếp, tư duy chiến thuật sẽ được tích hợp vào giáo trình. Đề án cũng khuyến khích việc đưa cầu thủ trẻ sang nước ngoài thi đấu, du học thể thao, hoặc mời các chuyên gia từ Nhật Bản, Đức, Tây Ban Nha... đến Việt Nam làm việc lâu dài.
Đặc biệt, một yếu tố mang tính sống còn: Hệ thống cầu nối lên tuyển. Một trong những tồn tại dai dẳng của bóng đá Việt Nam là “đứt gãy thế hệ” - những cầu thủ tài năng ở U17, U19 sau một vài giải đấu lại không có môi trường tiếp nối, dẫn đến thui chột. Đề án yêu cầu phải xây dựng lộ trình rõ ràng: U15 U17 U19 U21 U23 đội tuyển quốc gia, với hệ thống thi đấu liên tục và cơ chế luân chuyển nhân sự theo đánh giá kỹ thuật chặt chẽ.
Ở Đông Nam Á, xu hướng đầu tư cho đào tạo trẻ đang trở thành cuộc đua chiến lược ngầm. Malaysia từ lâu đã phát triển NFDP (Chương trình phát triển bóng đá quốc gia) và mở rộng các học viện bóng đá ở Selangor, Johor. Indonesia gần đây nhập tịch mạnh mẽ, nhưng song song với đó là xây dựng Học viện Garuda Select, hợp tác với Anh để đưa cầu thủ trẻ sang châu Âu rèn luyện. Thái Lan thì vẫn giữ lợi thế về đào tạo tư nhân và hệ thống học đường mạnh.
Tuy nhiên, sự khác biệt của Việt Nam nằm ở tính hệ thống và chính trị hóa giấc mơ - lần đầu tiên bóng đá trẻ được đưa vào tầm nhìn cấp quốc gia, gắn với chỉ đạo từ Trung ương, và trở thành nhiệm vụ chiến lược trong chính sách thể thao - văn hóa.
Trong khi các đối thủ vẫn đang đặt cược vào các thế hệ ngắn hạn hoặc phương án “vay mượn sức mạnh” qua nhập tịch, Việt Nam chọn con đường dài hơi: Phát triển lực lượng nội sinh, bằng chính người Việt - từ học đường, xã hội và câu lạc bộ. Đó là lựa chọn khó khăn nhưng bền vững, thể hiện tư duy trưởng thành về quản trị bóng đá.
Trong suy nghĩ của bình luận viên Vũ Quang Huy, điều quan trọng nhất là tính nối tiếp của đề án, phải đi tới cùng với sự quyết tâm cao độ: “Để hướng đến vòng chung kết World Cup 2034 tới 2045, tức là chúng ta cần tập trung trọng điểm ngay từ lứa U17 bây giờ, cần có những chế độ đặc biệt, đi tập huấn nước ngoài. Chúng ta cần bắt đầu từ đó tới các lứa nhỏ hơn, các em còn thiếu niên - nhi đồng cũng phải để ý kỹ. Chúng ta kỳ vọng "sóng sau xô sóng trước", lớp sau tốt hơn lớp trước thì mọi thứ sẽ tốt thôi”.
“Nhưng chúng ta cũng phải chuẩn bị sẵn một tâm lý, rằng nếu như không đạt được mục tiêu đi tới vòng chung kết World Cup, thì việc tiến bộ phát triển tới đâu, cũng là thành công tới đó. Hãy nhìn bóng đá Uzbekistan, họ đã chuẩn bị từ lâu lắm rồi nhưng gần đây mới đi World Cup được. Từ chức vô địch U23 châu Á năm 2018, giờ họ mới có vé dự World Cup. Giải bóng đá vô địch quốc gia Uzbekistan đã từng thu hút những tên tuổi hàng đầu thế giới như Rivaldo, Scolari tới làm việc đấy. Để đạt tới mục tiêu đi World Cup đôi khi còn cần may mắn nữa. Đầu tư chưa chắc đã đi được nhưng để đi được, không thể không đầu tư! Chúng ta hãy tập trung làm một cách bài bản nhất, kiên trì nhất, rồi kết quả sẽ đến, không năm này thì năm khác. Đừng nản chí, chưa được thì tất nhiên ta sẽ phải mổ xẻ xem có gì cần làm tốt hơn. Nhưng vẫn phải quyết tâm, chứ nếu thấy chưa thành công rồi bỏ ngang thì không được, vẫn phải liên tục đẩy mạnh mới mong ngày thành công”, bình luận viên Vũ Quang Huy phân tích.
Trong khi đó, bình luận viên Ngô Quang Tùng phân tích: “Tôi nghĩ rất khó để khẳng định việc chúng ta có đạt được mục tiêu World Cup hay không. Bởi như chúng ta đều biết, mình đi một bước thì người ta đi ba bước. Nhưng nếu không bắt đầu, thì mãi mãi không bao giờ đi đến đích được. Luôn cho rằng “khó”, thì sẽ chẳng bao giờ làm được điều gì cả. Mình phải bắt tay làm, phải thử thì mới biết. Còn chuyện học theo con đường của Indonesia hay Malaysia thì cũng phải cân nhắc. Mỗi nước có đặc thù riêng. Mình không thể sao chép y chang vì tính khả thi rất khác nhau. Việt Nam có những điểm yếu đặc thù về hệ thống quản lý, nguồn lực, cộng đồng người Việt ở nước ngoài… Vì vậy, phát triển nguồn lực trong nước vẫn phải là hướng đi chủ đạo, chiếm khoảng 70-80%. Muốn làm được thì phải bắt tay vào làm. Phải xây dựng đề án, tổ chức hệ thống, tạo nguồn lực và có cơ chế giám sát rõ ràng”.
“Từ bây giờ đến năm 2034 còn khoảng 9 năm - tương đương 2-3 lứa cầu thủ - nếu triển khai quyết liệt thì vẫn kịp. Quan trọng hơn cả là: Dù chưa chắc đạt được mục tiêu đi World Cup, nhưng nếu đầu tư đúng, làm bài bản, thì chắc chắn sẽ có sự tiến bộ. Ít nhất là nền bóng đá đi lên về chất, về chiều sâu”, bình luận viên Ngô Quang Tùng nhấn mạnh.
HOA LƯ - NGUYỄN CÔNG - VỸ THANH