Bóng đá Việt Nam: Thở phào với ông Trần Anh Tú

Bóng đá Việt Nam: Thở phào với ông Trần Anh Tú
3 ngày trướcBài gốc
Ông Trần Anh Tú quyết định ở lại VFF và VPF. Ảnh: M.H
Hội nghị Ban Chấp hành VFF lần thứ 8 khóa IX (nhiệm kỳ 2022-2026) vừa diễn ra tại Hà Nội, với tâm điểm là lá đơn xin rút lui của ông Trần Anh Tú - Phó Chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty VPF.
Trước đó, vào ngày 12/3, ông Tú có đơn xin nghỉ gửi tới VFF và VPF với lý do muốn tập trung cho công việc kinh doanh. Sự rút lui của ông Tú khiến người hâm mộ và Ban Chấp hành VFF bị “sốc”. Một người có vai trò quan trọng, thậm chí ảnh hưởng rất lớn tới bộ máy quản lý, điều hành và sự phát triển của bóng đá Việt Nam như ông Tú xin nghỉ chẳng phải chuyện nhỏ.
Nhiều người băn khoăn lý do thật sự ông Tú xin nghỉ, liệu ông có đang mâu thuẫn hay có nỗi niềm gì? Theo tìm hiểu, công việc kinh doanh của ông Tú đang khá tốt, và dù xin nghỉ ở VFF và VPF nhưng ông vẫn tài trợ cho futsal, bóng đá nữ và làm Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá TP Hồ Chí Minh.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành VFF lần thứ 8, với sự động viên, khích lệ của Thường trực Ban Chấp hành VFF; những chuyên gia, người làm bóng đá trong nước và quốc tế, bao gồm HLV Kim Sang Sik của đội tuyển Việt Nam, ông Trần Anh Tú quyết định tiếp tục thực hiện trọn nghĩa vụ mà VFF, VPF giao phó cho đến hết nhiệm kỳ.
Việc ông Tú đồng ý ở lại giúp thượng tầng bóng đá Việt Nam thoát nguy cơ nổi sóng bởi ông là người có vai trò quan trọng ở cả hai tổ chức VFF và VPF.
Trên cương vị Phó Chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn, ông Tú có những định hướng quan trọng giúp đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2024, nơi ông làm trưởng đoàn. Nhìn rộng ra, từ đầu nhiệm kỳ, ông luôn bám sát các công việc đối nội, đối ngoại của bóng đá Việt Nam.
Với VPF, ông Tú hai lần liên tiếp tái đắc cử vị trí cao nhất. Dưới sự lãnh đạo của ông, các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, đặc biệt là V-League đã có nhiều bước tiến quan trọng như bán bản quyền truyền hình với giá 300 tỷ đồng, áp dụng công nghệ VAR vào các trận đấu, cải thiện cơ sở vật chất các sân vận động, tăng doanh thu giải đấu, tăng phần hỗ trợ cho các đội bóng...
Với tư cách là "ông bầu” đầu tiên của futsal Việt Nam, ông Tú đã xây dựng hai đội bóng mạnh là Thái Sơn Nam và Thái Sơn Bắc. Nhờ sự đầu tư của ông, đội tuyển futsal Việt Nam hai lần làm nên lịch sử khi giành vé tham dự World Cup vào các năm 2016 và 2021. Ông Tú cũng có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của bóng đá nữ Việt Nam. Các doanh nghiệp do ông làm chủ là nhà tài trợ nhiều năm qua cho các giải bóng đá nữ quốc gia.
Tại Hội nghị, Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn đề nghị các thành viên Ban Chấp hành đóng góp ý kiến và thông qua các giải pháp nhằm tiếp tục đảm bảo cho các đội tuyển quốc gia có sự chuẩn bị và thi đấu đạt chỉ tiêu đề ra tại các giải quốc tế quan trọng, gồm: Vòng loại cuối Asian Cup 2027, vòng loại U23 châu Á 2026, vòng loại futsal nam châu Á 2026 và SEA Games 33; đồng thời đặt quyết tâm đảm bảo cho công tác tổ chức thật tốt giai đoạn lượt về các giải chuyên nghiệp Quốc gia mùa giải 2024-2025, cũng như chủ động xây dựng và sớm triển khai thực hiện các phương án cho công tác tổ chức mùa giải 2025-2026.
Một trong những nội dung được Hội nghị Ban Chấp hành VFF lần thứ 8 khóa IX thông qua là việc điều chỉnh suất lên xuống hạng của giải VĐQG (V-League) và giải hạng Nhất Quốc gia. Theo đó, kể từ mùa giải 2025-2026, 2 đội đứng nhất và nhì của hạng Nhất sẽ lên thẳng V-League mùa kế tiếp. Ngược lại, 2 đội đứng áp chót và chót bảng xếp hạng V-League sẽ xuống hạng.
Một chi tiết đáng chú ý khác liên quan đến giải chuyên nghiệp quốc gia đó là nhiều khả năng các đội bóng tại V-League sẽ được đăng ký tới 4 ngoại binh trong 1 trận đấu thay vì 3 như hiện tại. Trong đó, mỗi đội dùng 3 cầu thủ ngoại trên sân và 1 người được ngồi dự bị. Với các đội tham dự giải châu Á hoặc Đông Nam Á, dự kiến có thể được đăng ký 7 ngoại binh nhưng chỉ có 3 người thi đấu trên sân, 1 người ngồi dự bị và 2 người không ra sân.
Hiện tại, các CLB dự cúp châu Á, cúp Đông Nam Á được đăng kí 5 ngoại binh tại V-League và sử dụng 3 cầu thủ trong trận. Theo một lãnh đạo VFF, sự thay đổi về số lượng ngoại binh nhằm giúp các đội có thể thi đấu tốt hơn ở sân chơi khu vực, châu lục.
Gia Phong
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/bong-da-viet-nam-tho-phao-voi-ong-tran-anh-tu-10302494.html