Thuế nhập khẩu ô tô vào Mỹ tăng 25%, kéo giá bán nhiều mẫu xe tăng cao.
Cuộc chiến thương mại và “bóng ma” suy thoái
Một khảo sát tâm lý người tiêu dùng do Đại học Michigan công bố gần đây ghi nhận sự sụt giảm mạnh về niềm tin tiêu dùng, cùng với sự gia tăng đáng lo ngại về kỳ vọng lạm phát ngắn và dài hạn. "Kỳ vọng lạm phát trong năm tới đã tăng vọt từ 5% vào tháng 3 lên 6,7% trong nửa đầu tháng 4, mức cao nhất kể từ năm 1981” - khảo sát ghi nhận. Trước kết quả khảo sát này, phát biểu tại bang Arkan-sas, Chủ tịch Fed St. Louis, ông Alberto Musalem, cho rằng cần “cảnh giác liên tục” và “theo dõi cẩn trọng” các dữ liệu. “Tôi sẽ không vội cho rằng tác động của thuế quan cao lên sẽ gia tăng lạm phát, nếu có cũng chỉ là ngắn hạn” - ông Musalem nói.
Trong khi đó, Chủ tịch Fed New York, ông John Williams, đưa ra dự báo cụ thể hơn về ảnh hưởng của chính sách thuế và nhập cư của ông Trump đến kinh tế Mỹ năm 2025. “Tôi dự báo tăng trưởng GDP thực tế sẽ chậm lại đáng kể so với năm ngoái, có khả năng xuống dưới 1%. Với tốc độ tăng trưởng chậm lại này, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng từ mức 4,2% hiện tại lên 4,5-5%”.
Ở khía cạnh khác, vẫn theo khảo sát của Đại học Michigan, “Chỉ số niềm tin tiêu dùng” Mỹ giảm 11% trong tháng 4, về 50,8 điểm. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 2022 và thấp thứ hai trong lịch sử hơn 70 năm của chỉ số này. “Sự sụt giảm lần này diễn ra trên diện rộng và ở mọi lứa tuổi, thu nhập, trình độ học vấn, khu vực địa lý và xu hướng chính trị", Joanne Hsu - Giám đốc phụ trách khảo sát cho biết. Niềm tin tiêu dùng đã giảm hơn 30% so với tháng 12/2024, do lo ngại về cuộc chiến thương mại.
Ngân hàng Goldman Sachs nhận định Mỹ tăng trưởng yếu hơn trong năm nay. Hàng loạt ngân hàng khác cũng lên tiếng cảnh báo gồm: Barclays, BofA Global Research, Deutsche Bank, RBC Capital Markets và UBS Global Wealth Management. Họ cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ đối mặt với rủi ro suy thoái trong năm nay. Mohit Kumar - kinh tế trưởng khu vực châu Âu tại Ngân hàng đầu tư Jefferies cho rằng, sự biến động thương mại toàn cầu sẽ sớm tác động tới nước Mỹ.
Tiến sĩ Olu Sonola - trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế Mỹ tại Fitch Ratings cho rằng, chính sách thuế quan mới của Nhà Trắng là một bước ngoặt với kinh tế toàn cầu, dù khởi xướng nhưng Mỹ cũng không ngoại lệ. Còn Hạ nghị sĩ Mỹ Gregory Meeks lãnh đạo phe Dân chủ trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ cho rằng, chính sách ấy không chỉ khiến thị trường lao dốc mà còn gây tổn hại nặng nề cho các gia đình lao động. Trước mắt những tháng tới, tác động rõ ràng nhất của các mức thuế mới sẽ là đẩy giá cả lên cao, kéo theo nhu cầu giảm sút với hàng nghìn mặt hàng của người tiêu dùng và doanh nghiệp trên toàn thế giới.
Tương tự, Barry Eichengreen - Giáo sư kinh tế và khoa học chính trị Đại học California, Berkeley: "Nền kinh tế Mỹ quá lớn và kết nối quá sâu với phần còn lại của thế giới thông qua thương mại và dòng vốn, khiến các quốc gia khác thì không thể không bị ảnh hưởng". Trong khi đó, Takahide Kiuchi - chuyên gia kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Nomura, nhận định: “Chính sách thuế quan có nguy cơ phá hủy trật tự thương mại tự do toàn cầu mà chính Mỹ đã dẫn dắt kể từ sau Thế chiến 2".
Giá trứng tại Mỹ tăng mạnh, tác động tới cuộc sống hàng ngày của người dân.
Lo ngại cho thương mại toàn cầu
Giám đốc Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) của Liên hợp quốc, bà Pamela Coke-Hamilton, cảnh báo các mức thuế quan của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng các biện pháp đối phó của các bên có thể gây ra “tác động thảm khốc” cho các nước đang phát triển.
Nói với Reuters, Giám đốc điều hành ITC - cơ quan chung của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Liên hợp quốc, bà Pamela Coke-Hamilton, cho rằng thương mại toàn cầu có thể suy giảm mạnh từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ, trong đó các nước đang phát triển sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. “Thuế quan có thể gây ra tác động tiêu cực lớn hơn nhiều so với việc cắt giảm viện trợ nước ngoài”, bà Coke-Hamilton cảnh báo thêm, đồng thời cho rằng các nền kinh tế đang phát triển có nguy cơ bị thụt lùi so với những thành tựu kinh tế đã đạt được trong những năm gần đây. Theo dữ liệu của ITC, Bangladesh - nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới có thể mất khoảng 3,3 tỷ USD giá trị xuất khẩu hằng năm sang Mỹ vào năm 2029, nếu mức thuế 37% của Mỹ được giữ nguyên sau 90 ngày tạm hoãn. Tuy nhiên, bà Coke-Hamilton cho rằng Bangladesh có thể tìm thấy cơ hội thay thế ở các thị trường châu Âu vốn vẫn có tiềm năng tăng trưởng.
Theo ITC, thương mại toàn cầu có thể sụt giảm từ 3 - 7% và GDP toàn cầu sẽ bị mất 1,7% với nhóm bị ảnh hưởng tiêu cực nhất là các quốc gia đang phát triển, xóa tan những thành quả đã được trong các năm trước đó.
Trong một diễn biến đáng chú ý liên quan, tại sự kiện kỷ niệm của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) mới đây tại Geneva (Thụy Sĩ), các nhà lãnh đạo WTO qua các thời kỳ đã yêu cầu nhanh chóng cải cách tổ chức này để duy trì tự do thương mại toàn cầu. Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cho rằng cần khởi động quy trình cải cách ngay từ trụ sở chính ở Geneva.
Cựu Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo cho rằng tương lai của thương mại toàn cầu sẽ được tạo ra ở bên ngoài tổ chức 30 năm tuổi này nếu như không nhanh chóng tiến hành cải tổ. Ông Supachai Panitchpakdi - cựu Tổng Giám đốc WTO giai đoạn 2002-2005, cảnh báo nếu WTO không cải tổ khẩn cấp, thế giới sẽ rơi vào suy thoái, thậm chí còn tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, do khủng khoảng lần này bắt nguồn từ thương mại và rất khó để thoát ra và vì thế các thành viên WHO cần dỡ bỏ các rào cản và thiết lập quy tắc thương mại mới. Tất nhiên điều đó cần sự đồng thuận của tất cả 166 thành viên.
Theo chuyên gia kinh tế người Pháp Thomas Piketty - tác giả cuốn sách nổi tiếng “Tư bản trong thế kỷ XXI”, với chính sách thuế quan mới của Mỹ, châu Âu cần xác định lại ưu tiên của mình và chuẩn bị đối phó với nguy cơ suy thoái toàn cầu bằng một kế hoạch đầu tư quy mô lớn vào lĩnh vực năng lượng, giao thông, giáo dục, nghiên cứu và y tế.
Còn cựu Bộ trưởng Kinh tế Lebanon, ông Nasser Saidi cho rằng, chính sách thuế quan của Mỹ gây ra “cú sốc” đối với thương mại toàn cầu và điều này tác động sâu sắc đến các nước đang phát triển và mới nổi. Mức thuế cao sẽ làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu khiến nhiều quốc gia như Ai Cập, Lebanon hoặc Jordan... sẽ phải đối mặt với gián đoạn thương mại và khả năng cắt giảm đầu tư nước ngoài. Từ đó, ông Saidi nhận định nhiều quốc gia ở Trung Đông sẽ tìm cách tăng cường hợp tác với các đối tác châu Á.
Từ châu Phi, nhà kinh tế người Togo, ông Kako Nubukpo - từng là bộ trưởng trong chính phủ quốc gia Tây Phi này kêu gọi các quốc gia châu Phi thúc đẩy chuỗi giá trị quốc gia và khu vực để bảo vệ nền kinh tế trong nước trước các mức thuế quan của Mỹ. Ông cũng đưa ra khuyến cáo Châu Phi cần gấp rút mở rộng giao thương với Liên minh châu Âu (EU) và châu Á.
Trong khi đó, phản ứng với gói thuế nhôm và thép của Mỹ, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố: "Thuế quan vô lý, EU sẽ không thể không đáp trả. Chúng tôi sẽ có các biện pháp đối phó mạnh mẽ và cân xứng. Điều này có nghĩa là các mặt hàng như xe máy, quần jean, rượu bourbon và bơ đậu phộng từ Mỹ... có thể sẽ phải chịu mức thuế mới”.
Phát biểu sau cuộc họp nhóm Bộ trưởng Tài chính các nước sử dụng đồng euro (Eurogroup), tại Bỉ, Chủ tịch Eurogroup, ông Paschal Donohoe nhấn mạnh, sự cần thiết phải có lập trường thống nhất trong khu vực đồng euro nhằm đối phó với những thách thức kinh tế đang nổi lên. Cuộc họp có sự tham dự của các đối tác ngoài eurozone và bà Aurore Lalucq - Chủ tịch Ủy ban kinh tế và tiền tệ của Nghị viện châu Âu (EP). Ông Donohoe cho rằng, khu vực này cần phản ứng nhanh hơn, quyết đoán hơn để bảo vệ nền kinh tế và củng cố vị thế của đồng euro trong dài hạn; cần tăng cường hợp tác nội khối để tận dụng sức mạnh của thị trường chung, được coi là lợi thế chiến lược lớn nhất của EU.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Keir Starmer khẳng định Anh sẽ "giữ bình tĩnh và đấu tranh để có được thỏa thuận tốt nhất với Mỹ". Tuy nhiên, ông cũng cho biết sẽ đẩy nhanh các thỏa thuận thương mại với “phần còn lại của thế giới” và ủng hộ mục tiêu thương mại tự do và cởi mở. Hội nghị thượng đỉnh EU - Anh dự kiến diễn ra vào ngày 19/5 tại London được kỳ vọng sẽ làm rõ hơn những tiến triển này, hàn gắn quan hệ của London với Brussels.
"Vũ khí thuế quan" của Mỹ có thể sẽ định hình lại các chuẩn mực thương mại toàn cầu, vì thế một số nước đã công bố biện pháp đáp trả cứng rắn; trong khi những nước khác cân nhắc và tìm giải pháp thỏa thuận. Điều đó cho thấy tính phức tạp và quan trọng của vấn đề. Nói như ông Maurice Obstfeld - thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson, việc xây dựng chính sách thương mại trong bối cảnh mới tùy thuộc vào nhận thức và thực tế sản xuất, thương mại của từng quốc gia đối với Mỹ trước khi mức độ rủi ro trở nên quá cao.
Thuế đối ứng là gì?
Thuế đối ứng là loại thuế áp dụng để đáp trả hoặc cân bằng lại tác động của loại thuế khác, trợ cấp hoặc chính sách thương mại không công bằng từ quốc gia khác. Loại thuế này thường áp dụng trong thương mại quốc tế để bảo vệ lợi ích kinh tế, duy trì sự cạnh tranh công bằng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Theo ông Alex Jacquez - Giám đốc chính sách và vận động tại Groundwork Collaborative, thuế đối ứng có nghĩa là “nếu một quốc gia áp thuế cao hơn chúng ta đối với một số sản phẩm nhất định, chúng ta sẽ nâng thuế lên mức tương đương, tuy rằng điều đó sẽ rất phức tạp về mặt hành chính do có hàng chục nghìn mã xác định mức thuế đối với nhiều loại sản phẩm khác nhau”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết chính quyền của ông sẽ áp đặt thuế quan đối ứng ở mức khoảng một nửa mức thuế mà những quốc gia áp lên Mỹ. Nhà Trắng từng sử dụng công thức tính tổng tất cả hoạt động thương mại mà họ cho là không công bằng từ những quốc gia khác, bao gồm thao túng tiền tệ, thuế quan và các rào cản khác. Chính vì thế, dẫn đến việc Mỹ đánh thuế sản phẩm của những quốc gia khác nhau với tỷ lệ khác nhau.
Theo Chủ tịch Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ Kevin Hassett, việc Mỹ áp thuế đối ứng là rất cần thiết, cho dù giới chuyên gia kinh tế cho rằng việc này có thể sẽ làm tăng giá tiêu dùng khi nhiều công ty tìm cách bảo vệ tỷ suất lợi nhuận.
Bình luận trên tờ New York Times cho rằng, Nhà Trắng đã chọn cách xác định thuế đối ứng dựa trên thâm hụt thương mại, thay vì mức thuế quan mà các nước áp lên hàng hóa Mỹ như nhiều suy đoán, James Surowiecki - cây bút tài chính của New York Times đưa ra ví dụ: thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Indonesia là 17,9 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu của Indonesia vào Mỹ là 28 tỷ USD. Thương của 17,9 và 28 là 17.9/28, có nghĩa là 64%. Đây chính là giá trị gấp đôi của mức thuế đối ứng Mỹ áp với hàng hóa nhập khẩu Indonesia. Tuy nhiên, cách tính này không được Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ thừa nhận.
Về vấn đề này, bà Emily Kilcrease - cựu phó trợ lý Đại diện thương mại Mỹ nhận xét: "Việc đưa ra một mức thuế đối ứng chính xác luôn là một bài toán rất khó. Xét theo mong muốn rõ ràng của chính quyền ông Trump là công bố điều gì đó thật nhanh, có vẻ như họ đã chọn một cách ước lượng phù hợp với mục tiêu chính sách của mình".
Trên thực tế, dù Tổng thống Mỹ tạm thời hoãn việc tăng thuế đối ứng nhưng cũng đã khiến mức thuế quan trung bình neo cao nhất trong hơn một thế kỷ qua. Nhóm chuyên gia của tổ chức nghiên cứu chính sách tài khóa Tax Foundation, bà Erica York cho biết, mức thuế mới áp dụng với lượng hàng nhập khẩu của Mỹ trị giá 2.400 tỷ USD. Trong khi đó, ở nhiệm kỳ đầu của ông Trump, chính sách áp thuế chỉ ảnh hưởng tới lượng hàng hóa trị giá khoảng 380 tỷ USD. Còn theo nhóm nghiên cứu tại tổ chức Budget Lab thuộc Đại học Yale, người tiêu dùng Mỹ hiện phải đối mặt với mức thuế quan trung bình 27%, cao nhất kể từ năm 1903. Nhóm nghiên cứu cho biết ngay cả khi tính đến sự thay đổi trong tiêu dùng, họ dự đoán mức thuế quan trung bình vẫn là 18,5%, cao nhất kể từ năm 1933. Như vậy, các quyết sách mới của ông Trump là đợt tăng thuế mạnh nhất kể từ Đạo luật Smoot-Hawley năm 1930, đạo luật từng khiến cuộc suy thoái thêm trầm trọng.
“Tổng thống Trump khẳng định Mỹ sẽ thu về gần 2 tỷ USD mỗi ngày từ thuế quan và coi đó là công cụ tăng thu ngân sách, hỗ trợ ngành công nghiệp trong nước. Tuy nhiên, thuế cao sẽ khiến nhập khẩu giảm mạnh, lượng thuế quan thu được sẽ giảm” - bà Erica York nhận xét.
Phan Quang Vũ