Bằng nghị lực phi thường, chị đã học nghề may, rồi về quê mở tiệm, tích cực dạy nghề may miễn phí cho những người yếu thế. Chị như bông hoa khuyết cánh lặng lẽ tỏa hương bằng sự tử tế và tấm lòng nhân ái.
Vượt lên nghịch cảnh
Ngay từ khi lọt lòng, chị Tuyến đã bị teo cơ một bên chân, mất khả năng vận động bình thường. Tuổi thơ chị gắn với hình ảnh cô bé nhảy lò cò tới lớp, nhiều lần ngã tím mặt, nhưng không bỏ cuộc. Chị luôn tự nhủ: “Người lành lặn có thể học một, làm một là đủ. Mình khiếm khuyết thì phải cố gắng gấp hai, ba lần mới theo kịp”.
Chị Hoàng Thị Tuyến luôn tận tình hướng dẫn, động viên các học viên.
Lên cấp 2, chị được gia đình đưa đi điều trị tại Trung tâm Phục hồi chức năng Hương Sen (nay là Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen), rồi được giới thiệu đến trung tâm uy tín lắp chân giả. Chị Tuyến nhớ lại: “Những ngày đầu lắp chân giả tập đi chân đau buốt, chảy cả máu. Tôi phải tập từng bước một, như trẻ mới tập đi. Vượt qua cơn đau, tôi hiểu rằng mình không thể bỏ cuộc vì không ai có thể bước hộ mình được. Cứ cố gắng từng bước, từng bước, rồi chiếc chân giả cũng bị “thuần hóa” trở thành một phần của cơ thể mình vậy”.
Học xong lớp 9, chị một mình xuống Hà Nội học nghề may tại một trường dành cho người khuyết tật. Tại đây, chị được tiếp xúc với môi trường học tập bài bản, nơi những người cùng cảnh ngộ được học nghề, có việc làm, có cuộc sống ổn định. Điều đó tiếp thêm cho chị niềm tin rằng, người khuyết tật hoàn toàn có thể tự sống bằng chính năng lực của mình.
Sau khóa học, chị xin làm công nhân may để tích lũy kinh nghiệm và ít vốn liếng, rồi trở về quê mở một tiệm may nhỏ. Từ những bộ quần áo đầu tiên chỉnh sửa miễn phí đến những đơn hàng được khách hàng tin tưởng đặt may, tiệm của chị dần có chỗ đứng, uy tín ở địa phương. Mỗi ngày chị đều chăm chỉ làm việc, những hôm nhiều việc chị phải thức thâu đêm để kịp hoàn thiện sản phẩm trả cho khách. Giá cả phải chăng, tay nghề chắc, quan trọng nhất là tình người, điều khiến khách hàng gắn bó với chị.
Chị Bàn Thị Tâm, dân tộc Dao ở thôn Phúc Long 2, xã Thái Sơn thường xuyên đến may trang phục dân tộc nhận xét: “Em Tuyến sống rất tình cảm. Ai khó em đều giúp, may vá thì tỉ mỉ, tư vấn tận tình. Tôi và mọi người đều tin tưởng, quý mến em ấy”.
Những hôm khách đông, chị thức cả đêm để kịp giao hàng. Có người đến sửa quần áo không có tiền, chỉ mang vài quả trứng, mớ rau hay con cá khô, chị vẫn vui vẻ nhận và cảm ơn.
Lan tỏa yêu thương
Không dừng lại ở việc tự nuôi sống bản thân, chị Tuyến luôn ấp ủ mong muốn giúp những người yếu thế khác vươn lên. Bắt đầu từ năm 2016, chị mở lớp dạy nghề may miễn phí tại nhà. Học viên của chị rất đa dạng từ người khuyết tật, phụ nữ đơn thân, học sinh nghèo, lao động nông thôn. Có người chậm phát triển trí tuệ, có cháu tự kỷ, có học sinh tranh thủ nghỉ hè tìm học nghề.
Chị Tuyến tập quay video, lập tài khoản mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm và chia sẻ những câu chuyện nghị lực sống.
Mỗi lớp học có từ 2 đến 5 người, thời gian kéo dài từ vài tháng đến gần một năm tùy theo khả năng tiếp thu. Từ kim chỉ, vải vóc đến máy may đều do chị tự chuẩn bị. Không lấy một đồng học phí, điều chị mong là học viên có thể tự lập, sống bằng đôi tay của mình. Chị luôn gần gũi, lắng nghe, chia sẻ để xóa đi mặc cảm, giúp học viên cởi mở, tiếp thu tốt hơn. Để có thời gian dạy học, chị chủ động sắp xếp công việc, tranh thủ làm may vào buổi tối, sáng sớm. Với những học viên có khả năng, chị giới thiệu đến các trung tâm đào tạo nghề chuyên sâu để tiếp tục học và tìm cơ hội lập nghiệp.
Một trong những học viên đặc biệt là chàng thanh niên Trần Giang Hiền, ở thôn Đồng Nhật, xã Hàm Yên không may bị tai nạn mất đi bàn tay phải, lại mang bệnh vẩy nến, sống trong mặc cảm. Khi được chị Tuyến đón nhận, Hiền dần lấy lại tự tin. Em Hiền tâm sự: “Cô Tuyến là người truyền lửa, tiếp thêm nghị lực để em không đầu hàng số phận. Nhờ cô Tuyến, em biết mình vẫn có thể sống có ích và không là gánh nặng cho xã hội”.
Từ nghề may cơ bản, chị Tuyến còn học thêm may rèm, túi xách, balo, ví, khăn đội đầu và những đồ lưu niệm hình con vật ngộ nghĩnh. Những sản phẩm này không chỉ giúp tăng thu nhập mà còn tạo việc làm cho học trò, khẳng định năng lực của người khuyết tật không hề thua kém người bình thường.
Khi được hỏi điều gì giúp chị có được sức mạnh vượt qua nghịch cảnh, chị Tuyến chỉ cười hiền: “Dù không có đôi chân lành lặn, tôi lại được bù đắp bởi một gia đình hạnh phúc. Có chồng hiểu và yêu thương, các con ngoan ngoãn, đó là động lực để tôi sống tích cực và san sẻ với cộng đồng”.
Là người chứng kiến nghị lực của chị Tuyến từ nhỏ, bà Hoàng Thị Hà, Trưởng thôn Đồng Quảng nhận xét: “Cháu Tuyến là tấm gương sáng của thôn. Dù khuyết tật, cháu Tuyến sống rất chan hòa, tích cực và được bà con quý mến. Đặc biệt, cháu còn dạy nghề miễn phí cho người yếu thế, điều rất đáng trân trọng, cần nhân rộng”.
Trong thời đại chuyển đổi số, chị Tuyến cũng không đứng ngoài cuộc. Chị đã bắt đầu làm video, lập tài khoản mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm và chia sẻ những câu chuyện nghị lực sống. Chị ấp ủ mong muốn có điều kiện mở gian hàng của người khuyết tật tại các hội chợ, lễ hội đầu xuân để tạo việc làm cho người cùng cảnh ngộ, kết nối với khách hàng xa gần.
Ghi nhận những nỗ lực không ngừng ấy, chị Hoàng Thị Tuyến vinh dự được Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh Tuyên Quang tặng Giấy khen vì đã có thành tích nỗ lực vượt khó, vươn lên số phận và lan tỏa nghị lực sống tới cộng đồng, giai đoạn 2015 - 2025. Chị cũng vinh dự được bầu vào Ban Thường vụ Hội Thanh niên Người khuyết tật Việt Nam khóa I, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Giữa nhịp sống hối hả, chị Hoàng Thị Tuyến vẫn âm thầm, lặng lẽ, bền bỉ, nỗ lực làm việc mỗi ngày để chăm lo cho cuộc sống gia đình và không ngừng gieo tấm lòng nhân ái, lan tỏa hành động tử tế.
Lý Thịnh