Vượt khó mang tri thức tới bản
Là người con gái sinh ra và lớn lên ở huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An) trong một gia đình nông thôn nghèo. Đầu năm 1978, chị cất tiếng khóc chào đời khi đất nước bao cấp, quê hương nghèo đói, thiếu thốn đủ phần. Từ nhỏ, chị luôn sống trong cảnh nghèo khó, nhà có 4 anh chị em mà chưa có bữa nào được no đủ, bố đi làm ăn xa, các con chỉ nương tựa vào một mình mẹ. Đến năm 10 tuổi, cái tuổi còn mải chơi, chưa khôn lớn, chị phải rời xa quê hương với bao kỷ niệm theo gia đình lên định cư tại Sìn Hồ, cứ ngỡ lên vùng đất mới sẽ đổi thay mà nơi đây còn khổ gấp trăm lần so với quê hương. Không chỉ là cái lạnh mùa đông cắt da cắt thịt mà đường giao thông, điện lưới, nước sinh hoạt cũng thiếu thốn, lạc hậu. Cuộc sống người dân quá nhiều hủ tục, quanh năm, suốt tháng chỉ có đói nghèo, còn nói đến con chữ, biết đọc, viết là chuyện xa vời. Người lớn không biết chữ, trẻ con cũng không, khi sinh ra đã gắn mình trên lưng trâu, làm ruộng, làm nương. Những hình ảnh đấy đã thôi thúc chị Oanh sau này phải trở thành nhà giáo, mang con chữ đến với dân, với bản.
Nghị lực thôi thúc, năm 1993, chị học tại Trường Trung cấp Sư phạm Tuần Giáo, 3 năm sau ra trường, chị về Sìn Hồ và công tác tại Trường Phổ thông cơ sở Tả Phìn, được hơn 3 năm, chị chuyển về Trường Tiểu học số 1 Phăng Sô Lin. Như lời đã hứa trong lòng, chị xung phong đi cắm bản, dù biết rằng vất vả, chông gai. Thời điểm đấy, hành trang lên đường của chị đơn giản, vài bộ quần áo, sách vở, bút phấn và mấy gói lương khô, mì tôm. Đường đi thì vất vả, băng rừng, vượt suối, theo những con đường mòn, lối mở. Đến bản, lớp học thì không có, chị phải nhờ dân dựng tạm cái lán để thành lớp, giờ học thì ngồi trên nền đất lạnh vì bàn ghế chưa có.
Ở bản đi vận động học sinh ra lớp khó khăn rất nhiều, dân thấy cán bộ đến là trốn vào rừng, chỉ còn mấy đứa nhỏ ở nhà, mà bọn trẻ không biết tiếng Kinh, chất giọng vùng quê của chị lại đặc biệt, khó nghe với dân bản. Mỗi lần đi là chị nhờ trưởng bản, bí thư chi bộ, người có học thức đi cùng để phiên dịch rồi mới thuyết phục, tuyên truyền người dân, có lúc cả ngày lẫn đêm, đến các nương ngô, đồng lúa hoặc gặp dân tại những bữa ăn gia đình để tuyên truyền.
Chị Oanh kể lại: Dân ở đây khổ lắm, ngô, thóc không có mà ăn, đến với dân, tôi không chỉ tập học tiếng bản địa mà còn giúp dân cách làm kinh tế để giảm nghèo. Nhớ lúc chuẩn bị đến giờ học, các em đến mà chưa có gì vào bụng, em nào cũng đói, mệt, có gói mì tôm, lương khô để dành, tôi chia sẻ để các em ăn, tiếp tục việc học. Tôi còn mua sách vở, quần áo, hỗ trợ gia đình các em trong mọi công việc. Nhờ vậy, dân bản tin tưởng, học sinh có tri thức bước đi trên đường đời.
Cô giáo Hoàng Kim Oanh – Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Phăng Sô Lin (huyện Sìn Hồ) đọc sách cùng các em học sinh.
Vững bước trên những chặng đường
Ở với dân bản được 10 năm, chị đã dạy dỗ được nhiều em thành tài, biết dùng kiến thức mình học được để thay đổi cuộc sống. Về điểm trường trung tâm và được đứng trong hàng ngũ của Đảng vào năm 2004, chị đã hứa với bản thân mình phải tiếp tục nỗ lực. Để nâng cao trình độ chuyên môn, chị học thêm cao đẳng rồi đại học, làm tốt công tác giảng dạy. Đến năm 2009, chị giữ chức phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (DTBT) Tiểu học Phăng Sô Lin và hiệu trưởng sau 6 năm sau.
Trên cương vị mới, quản lý 32 cán bộ, giáo viên, nhân viên, 374 học sinh thì trách nhiệm càng cao. Để làm tốt, chị thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với đồng nghiệp, lắng nghe tâm tư, nghiên cứu, xem xét về cách dạy của họ để có biện pháp đúng đắn. Chị còn chia sẻ kinh nghiệm dạy, cách truyền thụ kiến thức cho học sinh dễ nhớ, dễ hiểu. Yêu cầu các giáo viên thành thạo công nghệ thông tin, áp dụng nhiều kiến thức ngoài thực tiễn, vừa chơi, vừa học. Triển khai các đợt kiểm tra, đánh giá năng lực, khắc phục khó khăn cho từng giáo viên. Với kinh nghiệm của bản thân, chị Oanh đã giúp đỡ 7 thầy, cô giáo đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, huyện.
Chị thường xuyên kêu gọi các nhà hảo tâm quyên góp, ủng hộ về cơ sở vật chất, đồ dùng học tập cho nhà trường, giờ đây ở các điểm bản không còn nhà tạm, dột nát. Tận dụng không gian nhà trường, chị cải tạo làm vườn rau, nuôi thêm con gà, làm sân thi đấu thể thao, tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, xây dựng không gian văn hóa các dân tộc, trồng thêm cây xanh, vườn hoa, vừa làm đẹp trường, vừa là nơi người học muốn đến trải nghiệm.
Không ngừng phấn đấu, tìm tòi, học hỏi, chị đã có những đề tài sáng kiến kinh nghiệm. Với 7 sáng kiến đạt cấp tỉnh, huyện, trong đó sáng kiến năm 2020 về giải pháp quản lý nâng cao chất lượng hoạt động của trường bán trú được hội đồng khoa học tỉnh đánh giá rất cao, không chỉ áp dụng tại nhà trường mà các đơn vị trường tiểu học trong tỉnh nghiên cứu áp dụng. Ngoài ra, chị còn tham gia các hội thi do huyện phát động và đạt thành tích cao.
Là một đảng viên, bí thư chi bộ, chị Oanh luôn tiên phong, gương mẫu, có tinh thần trách nhiệm, dám đấu tranh với cái sai, tiêu cực, luôn có mối quan hệ tốt với nhân dân trong xã. Khi lớp nào, điểm bản nào có giáo viên, học sinh gặp khó khăn là chị động viên kịp thời, giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần để người dạy, học an tâm. Đặc biệt vào những ngày thu hoạch, chị cùng với tập thể nhà trường đến các bản giúp đỡ dân trong công việc.
Là tấm gương sáng, 10 năm liền (2009-2019), chị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 12 lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh, 3 lần được tặng kỷ niệm chương và nhiều bằng khen của UBND tỉnh. Năm 2023, chị vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú” đã có công lớn trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo của dân tộc.
Anh Phạm Văn Phôi - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện nhận định: Chị Oanh là một tấm gương tiêu biểu trong sự nghiệp trồng người, chị không ngừng phấn đấu, rèn luyện, dám nghĩ, dám làm, vượt qua khó khăn để thắp sáng tri thức vùng sâu, vùng xa. Trên cương vị lãnh đạo, chị có nhiều cách quản lý, giúp đỡ đồng nghiệp, thẳng thắn, đấu tranh với cái sai, từng bước đưa nhà trường ngày càng phát triển.
Thái Hà