'Bóng ma bầu trời' Su-57E sẽ được Nga giao tới khách hàng trong năm 2025

'Bóng ma bầu trời' Su-57E sẽ được Nga giao tới khách hàng trong năm 2025
8 giờ trướcBài gốc
Máy bay Su-57E sẽ tới tay khách hàng nước ngoài ngay trong năm 2025; Thổ Nhĩ Kỳ trang bị hệ thống phòng thủ chủ động nội địa lên xe tăng là những nội dung của bản tin công nghiệp quốc phòng hôm nay ngày 23/5.
Máy bay Su-57E sẽ tới tay khách hàng nước ngoài ngay trong năm 2025
Khách hàng nước ngoài đầu tiên sẽ bắt đầu vận hành máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Su-57E do Nga sản xuất vào năm 2025. Hãng thông tấn TASS dẫn thông tin từ Cơ quan Hợp tác Quốc phòng và An ninh Liên bang Nga đăng tải: "Khách hàng nước ngoài đầu tiên của Su-57E sẽ bắt đầu vận hành máy bay này vào năm 2025".
Trước đó, Rosoboronexport thông tin phiên bản xuất khẩu của máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Su-57 của Nga cũng được giới thiệu tại triển lãm thiết bị hàng không vũ trụ và hải quân quốc tế LIMA 2025, diễn ra từ ngày 20 đến 24/5 tại Malaysia.
Su-57E có thể được bàn giao cho khách hàng ngay trong năm 2025. Ảnh: TASS
Vào tháng 4/2025, tạp chí The National Interest của Mỹ đưa tin lực lượng Không quân Vũ trụ Nga đã nhận thêm 2 máy bay chiến đấu Su-57 thế hệ thứ năm.
Dù Su-57E là phiên bản cắt giảm công nghệ của Su-57 trang bị cho Hàng không-vũ trụ Nga và có tính năng được đánh giá kém khoảng 1,5 lần so với phiên bản tiêu chuẩn, nhưng nó vẫn mang đầy đủ khả năng chiến đấu của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5. Điều quan trọng nhất là với phiên bản Su-57E, Nga sẵn sàng chuyển giao công nghệ và hợp tác sản xuất dòng máy bay chiến đấu này ở nước ngoài với các điều kiện phù hợp. Nói cách khác, Su-57E là phiên bản thương mại hóa và Moscow không lo lắng về việc rò rỉ công nghệ lõi khi xuất khẩu.
Su-57E được thiết kế với một loạt các tính năng dành cho không chiến hiện đại. Thiết kế tàng hình và động cơ đẩy vector cho phép cơ động cao trong các cuộc giao tranh trên không tầm gần. Nó được trang bị hai động cơ phản lực AL-41F1 có bộ đốt sau và vòi phun đẩy vector, tạo ra lực đẩy 149kN. Do đó, máy bay có thể đạt tốc độ tối đa 2.600 km/giờ và trần bay là 20 km. Trong tương lai, máy bay có thể được trang bị động cơ Izdeliye 30, dự kiến sẽ tăng cường lực đẩy và hiệu quả nhiên liệu. Tốc độ leo cao 21.000 m/phút cho phép đánh chặn các mục tiêu ở độ cao lớn một cách nhanh chóng.
Su-57E được trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động Sh121 Byelka, giúp cải thiện khả năng phát hiện mục tiêu và nhận thức tình huống so với các hệ thống cũ như radar Irbis-E được sử dụng trên Su-35BM. Máy bay có thể mang theo nhiều loại vũ khí thế hệ tiếp theo, bao gồm tên lửa siêu thanh, tên lửa hành trình tàng hình Kh-69 và các loại đạn không đối không và không đối đất như tên lửa R-77 và Kh-31. Những khả năng này, kết hợp với tiết diện phản xạ tín hiệu radar thấp, cho phép Su-57E thực hiện các hoạt động tấn công sâu trong không phận có tranh chấp.
Su-57E dự kiến sẽ được cung cấp với mức giá thấp hơn, với các sửa đổi phù hợp với nhu cầu của khách hàng quốc tế. Phiên bản xuất khẩu cũng có thể kết hợp các vật liệu khác nhau để quản lý chi phí sản xuất trong khi vẫn duy trì hiệu quả hoạt động. Ngoài ra, phạm vi vũ khí có sẵn có thể được điều chỉnh để tuân thủ các quy định xuất khẩu và các yêu cầu cụ thể của khách hàng. Những cải tiến này nhằm mục đích định vị Su-57E như một lựa chọn cạnh tranh trên thị trường máy bay chiến đấu toàn cầu trong khi vẫn duy trì sự cân bằng giữa khả năng và giá cả phải chăng.
Thổ Nhĩ Kỳ trang bị hệ thống phòng thủ chủ động nội địa lên xe tăng
Công ty Aselsan của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết lực lượng vũ trang nước này đã chính thức tiếp nhận hệ thống bảo vệ chủ động (APS) Akkor 10, được thiết kế để chống lại các loại vũ khí chống tăng như ATGM.
APS này không chỉ được lắp đặt trên các xe tăng chủ lực Altay mới nhất mà còn được lắp đặt trên Leopard-2A4 hiện đại hóa. Ngoài ra, hợp đồng năm 2024 còn tích hợp Akkor 10 với một loại xe bọc thép nhẹ có trong trang bị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
APS Akkor 10 có khả năng chống lại các mối đe dọa thông qua khả năng phá hủy “cứng” và “mềm” (sử dụng tác chiến điện tử). Một mạng lưới radar có độ phân giải cao được bố trí xung quanh chu vi của xe tăng để phát hiện đạn tấn công tiếp cận, sau đó APS sẽ phóng một "tên lửa đánh chặn" phát nổ gần mục tiêu, phá hủy mục tiêu bằng mảnh đạn định hướng.
APS được cho là có khả năng bao phủ 360°, cho phép chống lại nhiều mối đe dọa cùng lúc và bảo vệ hiệu quả phần bán cầu trên, vốn là bộ phận dễ bị tổn thương nhất của xe tăng.
Hệ thống bảo vệ chủ động (APS) Akkor 10. Ảnh: Defense News
Akkor 10 có thể hoạt động trong môi trường khắc nghiệt, mưa, bụi, tuyết hoặc bùn, vì nó không có cảm biến quang học lộ ra ngoài.
Nhà phát triển Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá Akkor 10 có nhiều nét tương đồng với hệ thống Trophy của Israel, nhưng có ưu thế về giảm thiệt hại phụ khi hệ thống hoạt động.
Theo nhà phát triển, Akkor 10 vượt trội hơn các đối thủ nước ngoài nhờ kiến trúc phòng thủ hai lớp, kết hợp giữa cứng và mềm.
Chương trình Akkor được triển khai vào năm 2008, đồng thời với việc bắt đầu phát triển xe tăng Altay. Vụ đánh chặn thành công đầu tiên diễn ra vào năm 2010. Việc sản xuất quy mô nhỏ được triển khai vào năm 2015. Năm 2024, hệ thống được Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận vào trang bị.
Kim Ngân
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/bong-ma-bau-troi-su-57e-se-duoc-nga-giao-toi-khach-hang-trong-nam-2025-388970.html