Nguồn tin trên Sức khỏe & Đời sống cho biết theo điều tra sơ bộ, có 26 tổ chức, cá nhân tại 9 tỉnh thành gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, An Giang, Bình Định, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Trị đang thực hiện việc san chia, đóng gói bột ngọt không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ để bán cho tiểu thương tại các chợ, tạp hóa toàn quốc. Đặc biệt, có sản phẩm còn được bán trong các siêu thị lớn.
Một số loại bột ngọt được san chia, đóng gói đang lưu thông trên thị trường. Ảnh: Suckhoedoisong
Chẳng hạn, sản phẩm Bột ngọt Sakara được bày bán trên thị trường với bao bì ghi thông tin Công ty chịu trách nhiệm sản phẩm là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại thực phẩm Nam Thắng. Địa chỉ: Số 39T Phố Yên Phụ, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ. Cơ sở đóng gói: Số nhà 8/10, ngõ 53 phố Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội.
Sản phẩm Bột ngọt Meizan với thông tin trên bao bì ghi: đóng gói tại Việt Nam bởi: Công ty TNHH Thực phẩm Quốc tế Nam Dương tại địa chỉ: Lô C20a-3, đường số 14, KCN Hiệp Phước, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh.
Các sản phẩm này đều có đặc điểm chung là bao bì không ghi rõ thông tin về nguồn gốc, xuất xứ cũng như thông tin cụ thể tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất ra bột ngọt trước khi được san chia, đóng gói.
Bao bì sản phẩm bột ngọt Meizan. Nguồn ảnh: Suckhoedoisong
Trong khi đó, theo quy định tại Khoản 1 Điều 10, Khoản 6 Điều 12 Nghị định 43/2017/NĐ-CPngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa, thì nhãn hàng hóa buộc phải thể hiện các nội dung sau: Tên hàng hóa, Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Xuất xứ hàng hóa.
Nghị định cũng quy định rõ trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện lắp ráp, đóng gói, đóng chai thì trên nhãn phải ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân lắp ráp, đóng gói, đóng chai đó và phải ghi tên hoặc tên và địa chỉ, và các nội dung khác của tổ chức, cá nhân sản xuất ra hàng hóa trước khi lắp ráp, đóng gói, đóng chai khi được các tổ chức, cá nhân này cho phép.
Còn theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, doanh nghiệp đóng gói, phân phối sản phẩm ra thị trường có trách nhiệm “ghi nhãn hàng hóa bảo đảm trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hóa theo quy định của pháp luật”.
Luật sư: Mức phạt hành chính liên quan đến các vi phạm nhãn hàng hóa vẫn còn tương đối thấp
Phản hồi trên báo chí về việc ghi nhãn sản phẩm bột ngọt Meizan, ông Hồ Diệp Anh Khôi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Quốc tế Nam Dương khẳng định trên Baotintuc rằng “Công ty Nam Dương luôn tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật Việt Nam trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; đặc biệt là các quy định về an toàn thực phẩm, các quy định liên quan đến ghi nhãn sản phẩm tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 111/2021/NĐ-CP ngày 09/12/2021 của Chính phủ".
Chia sẻ với phóng viên, đại diện một công ty luật chuyên về luật kinh tế và luật doanh nghiệp nhận định rằng quy cách đóng gói bao bì một số sản phẩm bột ngọt trên thị trường hiện nay, việc thông tin trên bao bì chỉ ghi tên công ty đóng gói hoặc chịu trách nhiệm về sản phẩm (chẳng hạn: “Đóng gói tại Việt Nam bởi Công ty TNHH Thực phẩm Quốc tế Nam Dương”) là cách thể hiện nhãn hàng hóa chưa phù hợp với quy định pháp luật. Cụ thể, bao bì sản phẩm ghi như vậy là thiếu thông tin về “Tổ chức sản xuất hàng hóa trước khi đóng gói”.
Phân tích thêm, vị luật sư đã làm rõ quy định tại Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 5 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP, liên quan đến các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa, ngoài “Tên hàng hóa”. Những nội dung này bao gồm: (i) Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; và (ii) Xuất xứ hàng hóa.
Thứ nhất, đối với nội dung tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, theo khoản 6 Điều 12 Nghị định 43/2017/NĐ-CP, được hướng dẫn bởi khoản 3 Điều 6 Thông tư 05/2019/TT-BKHCN, nhãn hiệu của sản phẩm đóng gói phải thể hiện “tên và địa chỉ của tổ chức chịu trách nhiệm”, bao gồm tên và địa chỉ của hai nhóm đối tượng: (1) Tổ chức thực hiện đóng gói; và (2) Tổ chức sản xuất hàng hóa trước khi đóng gói.
Thứ hai, về xuất xứ hàng hóa, căn cứ Điều 10, Điều 15 Nghị định 43/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 5, khoản 7 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP, trong trường hợp không xác định được xuất xứ, nhãn phải ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa. Điều này được thể hiện qua một số cụm từ hoặc kết hợp các cụm từ mô tả công đoạn hoàn thiện như: “lắp ráp tại”, “đóng chai tại”, “phối trộn tại”, “hoàn tất tại”, “đóng gói tại”, “dán nhãn tại”, kèm theo tên nước hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện công đoạn cuối cùng.
Cũng theo vị luật sư, riêng trên nhãn hàng hóa bột ngọt Meizan của Công ty TNHH Thực phẩm quốc tế Nam Dương có thể hiện nội dung “Được sự cho phép của Wilmar International Limited”. “Chúng tôi cho rằng, với nội dung này có thể đặt ra nghi vấn về việc Wilmar International Limited là đơn vị sản xuất hàng hóa. Mặc dù vậy, nội dung này cũng không rõ ràng và xét dưới góc độ mục đích của nhãn hàng hóa là nhằm giúp đa số người tiêu dùng có thể hiểu rõ thông tin về hàng hóa thì mục đích này có thể sẽ không đạt được”, vị này cho hay.
Như vậy, theo luật sư, nếu xét theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, việc ghi nhãn không bao gồm thông tin về tên hoặc tên và địa chỉ, và các nội dung khác của tổ chức, cá nhân sản xuất ra hàng hóa trước khi lắp ráp, đóng gói, … đã vi phạm quy định về tính trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hóa được đề cập tại Luật này.
Mặc dù hiện tại đã có một số quy định về phạt vi phạm hành chính liên quan đến các vi phạm kể trên, tuy nhiên, theo đánh giá của luật sư, mức phạt này vẫn còn tương đối thấp, khi so với phạm vi rộng rãi mà các sản phẩm có thể tiếp cận người tiêu dùng và những thiệt hại có thể phát sinh (nếu có).
“Việc thể hiện đầy đủ các nội dung bắt buộc của nhãn hàng hóa theo quy định không chỉ bảo đảm sự tuân thủ của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa mà còn thể hiện sự tôn trọng đối với người tiêu dùng – đối tượng phụ thuộc vào các thông tin sản phẩm hàng hóa cung cấp bởi doanh nghiệp.
Do đó, những trường hợp nhãn hàng hóa không đáp ứng quy định của pháp luật cần được xử lý nghiêm minh nhằm nâng cao ý thức của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa cũng như bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng trước vi phạm này”, luật sư nhận định.
Diên Vỹ