Bột ngọt không phải là nguyên nhân gây ra triệu chứng chóng mặt, cứng cổ

Bột ngọt không phải là nguyên nhân gây ra triệu chứng chóng mặt, cứng cổ
3 giờ trướcBài gốc
Dây chuyền đóng gói bột ngọt Nam Dương (Ảnh: SD/Vietnam+)
Tại Việt Nam, hàng chục năm qua, bột ngọt (mỳ chính) đã là gia vị quen thuộc trong bếp ăn của mỗi gia đình. Được phát minh vào năm 1909, bột ngọt là một gia vị được sử dụng trong chế biến món ăn khi mang lại vị Umami - Vị ngọt tương tự như thịt.
Năm 2001, Cơ quan Quản lý Thuốc và thực phẩm của Mỹ (FDA) kết luận bột ngọt là một gia vị an toàn. Bộ Y tế Việt Nam xếp bột ngọt vào “Danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm.”
Là chuyên gia khoa học trong lĩnh vực này, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Bạch Mai đã chia sẻ thông tin về thành phần, chức năng, dinh dưỡng của bột ngọt.
Bột ngọt được sản xuất bằng phương pháp lên men tự nhiên từ những nguyên liệu như mía, sắn (khoai mỳ)… Thành phần chính là Glutamate (Axit Glutamic) - Một Axit amin cấu thành nên chất đạm và chiếm khoảng 10% hàm lượng Axit amin từ protein ăn hàng ngày (Glutamate còn tồn tại trong thịt gia súc, gia cầm, hải sản, rau củ quả, sữa và các sản phẩm từ sữa, các loại nước chấm lên men như nước mắm, nước tương…)
Cơ thể người có các cơ chế tự nhiên nhằm điều hòa hàm lượng các chất ở mức cân bằng, trong đó có Glutamate. Theo đó, hàng rào máu-não trong não bộ có chức năng ngăn sự di chuyển từ máu vào não của những chất không cần thiết cho hoạt động của não, trong đó có Glutamate. Do đó, não người không bị ảnh hưởng khi sử dụng bột ngọt.
Nghiên cứu của Tsai (năm 2000) trên đối tượng nam giới trưởng thành cho thấy nồng độ Glutamate trong máu dao động không đáng kể sau khi ăn những bữa ăn có bổ sung bột ngọt, đồng thời không có sự khác biệt về nồng độ Glutamate trong máu giữa 2 nhóm đối tượng ăn khẩu phần có hoặc không bổ sung bột ngọt do ruột sử dụng Glutamate như nguồn năng lượng
Ngoài ra, Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm Codex quốc tế (CAC) không xếp bột ngọt vào nhóm thành phần thực phẩm gây dị ứng. Nghiên cứu mới nhất của Geha (năm 2000) đã chỉ ra rằng “bột ngọt không được xem là nguyên nhân gây ra “Hội chứng nhà hàng Trung Quốc - Các triệu chứng mỏi cổ, cứng cổ, đau mỏi tê gáy, đau đầu, tức ngực, đổ mồ hôi, chóng mặt, khó chịu…”
Cần những nghiên cứu chuyên sâu hơn để tìm ra nguyên nhân thực sự trong thực phẩm gây ra những triệu chứng này.
Theo Ủy ban Chuyên gia về Phụ gia thực phẩm (JECFA) của Tổ chức Y tế Thế giới, quá trình chuyển hóa bột ngọt trong cơ thể trẻ em và người lớn là như nhau và không có mối nguy nào đối với trẻ em khi sử dụng bột ngọt.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh bột ngọt không ảnh hưởng đến tất cả các giai đoạn phát triển của trẻ (bào thai, bú sữa mẹ, sau cai sữa). Có thể sử dụng bột ngọt trong chế biến món ăn cho trẻ em như một loại gia vị, không nên sử dụng để thay thế các chất dinh dưỡng từ thực phẩm.
Một số người cho rằng bột ngọt có bị biến đổi thành chất không tốt cho sức khỏe khi chế biến ở nhiệt độ cao. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy, tại nhiệt độ đun nấu thông thường (không vượt quá 250 độ C), bột ngọt không bị biến đổi thành chất không tốt cho sức khỏe. Do vậy, có thể nêm nếm bột ngọt vào bất kỳ thời điểm nào khi nấu ăn.
Trong chế biến thức ăn, để giảm lượng muối (giảm Natri) trong món ăn thì trong quá trình chế biến nên bớt đi 1 phần lượng gia vị mặn và thay thế bằng bột ngọt sẽ góp phần giảm tổng lượng Natri ăn vào, vì hàm lượng Natri trong bột ngọt chỉ bằng khoảng 1/3 hàm lượng Natri trong muối ăn (12% so với 39%).
Hiện nay bột ngọt được sử dụng phổ biến tại hơn 100 quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, với nền văn hóa ẩm thực khác nhau, mỗi quốc gia có cách thức sử dụng bột ngọt khác nhau.
Các nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Việt Nam, Phillipinnes, Brazil… thường nêm bột ngọt trực tiếp trong quá trình chế biến món ăn. Một số quốc gia khác như Nhật Bản, Pháp, Mỹ… với đặc điểm nền công nghiệp đồ ăn nhanh, đồ ăn chế biến và tiện dụng có xu hướng tăng trưởng mạnh, bột ngọt không được sử dụng trực tiếp mà thường được phối trộn trong các gia vị tổng hợp hoặc bổ sung vào một số thực phẩm chế biến sẵn như thực phẩm ăn liền, sản phẩm đông lạnh…
Được biết, Ủy ban Chuyên gia về Phụ gia thực phẩm (JECFA) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lương nông Liên hợp Quốc (FAO), Ủy ban Khoa học về thực phẩm của Cộng đồng châu Âu (EC/SCF) đã kết luận bột ngọt là gia vị an toàn cho sức khỏe người sử dụng ở mọi lứa tuổi và không có quy định về liều dùng hàng ngày.
Bột ngọt Meizan đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm của Bộ Y tế
Với thông tin gần đây xung quanh việc ghi nhãn trên bao bì sản phẩm bột ngọt Meizan, ông Hồ Diệp Anh Khôi -Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thực phẩm Quốc tế Nam Dương cho biết: “Các thắc mắc của dư luận, chúng tôi đã có văn bản gửi Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (Bộ KH&CN).
Ngày 15/11/2024, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia đã có công văn hướng dẫn Công ty Nam Dương về việc ghi nhãn hàng hóa. Qua công văn này, chứng minh rằng, việc ghi nhãn trên bao bì sản phẩm bột ngọt Meizan, đóng gói tại Công ty Nam Dương là đúng quy định tại khoản 3, Điều 15 - Nghị định số 43/2017, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 7, Điều 1 - Nghị định số 111/2021 của Chính phủ."
Theo ông Khôi, bột ngọt Meizan từ nhiều nguồn cung nguyên liệu, được công ty nhập khẩu chính ngạch. "Chúng tôi luôn duy trình nguồn cung - là các tập đoàn có tên tuổi, có uy tín trên thế giới trong lĩnh vực sản xuất bột ngọt và nguyên liệu bột ngọt. Chúng tôi dùng phương pháp phối trộn để cho ra sản phẩm của riêng mình. Việc phối trộn cho ra sản phẩm của riêng Nam Dương đều tuân thủ tuyệt đối các quy định của luật pháp Việt Nam về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh và ghi nhãn hàng hóa. Chúng tôi chịu trách nhiệm về sản phẩm bán ra,” ông Khôi khẳng định./.
(Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/bot-ngot-khong-phai-la-nguyen-nhan-gay-ra-trieu-chung-chong-mat-cung-co-post995886.vnp