Mục tiêu giảm thiểu tác động tiêu cực của điện thoại
Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva đã ký duyệt phê chuẩn luật trên từ đầu năm, theo xu hướng tại Mỹ và châu Âu. Luật áp dụng đối với cả trường công và tư thục, cả trong lớp học lẫn khu vực hành lang. Tuy nhiên, học sinh vẫn được sử dụng điện thoại vì mục đích giáo dục nếu có sự cho phép của giáo viên, hoặc vì nhu cầu hỗ trợ sức khỏe và khả năng tiếp cận. Mỗi trường học sẽ được tự quyết định quy tắc riêng, chẳng hạn việc học sinh giữ điện thoại trong ba lô, tủ khóa hoặc giỏ chứa được quy định.
Nguồn: AP Photo/Andre Penner
Trước khi luật liên bang có hiệu lực, hầu hết 26 bang của Brazil, bao gồm Rio de Janeiro, Maranhao và Goias, đã áp dụng một số biện pháp hạn chế việc sử dụng điện thoại trong trường học. Theo khảo sát năm 2023 của Ủy ban Quản lý internet Brazil, gần 2/3 trường học đã thực hiện các biện pháp hạn chế, trong đó 28% trường cấm hoàn toàn.
Tuy nhiên, quy định vẫn có sự khác biệt giữa các bang và trường học, khiến việc thực thi gặp khó khăn. Việc đặt ra luật liên bang được sự ủng hộ rộng rãi, cả từ các đồng minh của Tổng thống Lula và cựu Tổng thống Jair Bolsonaro. Theo khảo sát của công ty thăm dò ý kiến Datafolha vào tháng 10.2024, gần 2/3 người dân muốn cấm điện thoại tại trường học, và hơn 3/4 tin rằng các thiết bị này gây hại hơn là mang lợi ích cho con em họ.
Porto Seguro, một trường tư thục có tuổi đời gần 150 tại Sao Paulo đã cấm điện thoại trong lớp từ năm ngoái và khuyến khích học sinh ngừng sử dụng thiết bị hoàn toàn một ngày trong một tuần. Năm nay, trường mở rộng lệnh cấm đến khu vực hành lang, yêu cầu học sinh giữ điện thoại trong tủ khóa trong suốt ngày học, kể cả giờ nghỉ.
Bà Meire Nocito, hiệu trường, chia sẻ: “Học sinh ngày càng khó tập trung. Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy sự cô lập xã hội gia tăng, khi nhiều em chỉ tương tác qua mạng xã hội thay vì giao tiếp trực tiếp”. Lệnh cấm giúp học sinh kết nối với nhau nhiều hơn, phát triển kỹ năng giao tiếp và học cách xử lý xung đột trong đời thực.
Mariana Waetge, 13 tuổi, một học sinh tại Porto Seguro, chia sẻ rằng trước đây cô bé thường dùng điện thoại để trò chuyện với bạn bè và xem Instagram. Nhưng từ khi bị cấm sử dụng điện thoại, cô đã tìm ra những cách khác để giao tiếp, tập trung hơn vào việc học và cải thiện mối quan hệ với gia đình.
"Trước đây, một số bạn chỉ cắm đầu vào điện thoại và không giao tiếp. Bây giờ, họ tham gia vào các trò chơi nhóm hoặc đọc sách nhiều hơn", Mariana nói.
Xu hướng toàn cầu
Bộ Giáo dục Brazil mới đây cho biết, quy định hạn chế mới nhằm bảo vệ sức khỏe tinh thần và thể chất của học sinh, đồng thời thúc đẩy việc sử dụng công nghệ hợp lý hơn.
Tháng 5.2024, Fundacao Getulio Vargas – một tổ chức tư vấn và trường đại học danh tiếng – công bố rằng số lượng điện thoại thông minh ở Brazil đã vượt quá dân số, với 258 triệu thiết bị so với 203 triệu người. Các nhà nghiên cứu thị trường địa phương cũng cho biết năm ngoái, người Brazil dành trung bình 9 giờ 13 phút mỗi ngày trước màn hình, nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ sử dụng cao nhất thế giới.
Trong nhiều năm, các chuyên gia giáo dục, phụ huynh và chính phủ đã bày tỏ lo ngại về tác động tiêu cực của điện thoại đối với trẻ em, bao gồm bắt nạt trên mạng, lo âu, suy giảm khả năng tập trung và nguy cơ gia tăng ý nghĩ tự tử.
Để giải quyết vấn đề này, nhiều quốc gia đã áp dụng các biện pháp hạn chế điện thoại trong trường học. Trung Quốc đã ban hành chính sách hạn chế từ năm 2024, trong khi Pháp cấm học sinh từ 6-15 tuổi sử dụng điện thoại trong trường từ năm 2018. Tại Mỹ, 8 bang đã thông qua luật giới hạn hoặc cấm hoàn toàn việc sử dụng điện thoại nhằm giảm thiểu sự xao nhãng trong lớp học. Trong khi đó, tại châu Âu, ngày càng có nhiều phụ huynh lo ngại về bằng chứng cho thấy việc trẻ nhỏ sử dụng điện thoại thông minh gây nguy hiểm cho sự an toàn và sức khỏe tâm thần của chúng
Theo báo cáo của UNESCO công bố vào tháng 9.2024, khoảng 25% quốc gia trên thế giới đã có các quy định tương tự để kiểm soát việc sử dụng điện thoại trong môi trường giáo dục.
Không chỉ trong trường học, các nền tảng mạng xã hội cũng đang chịu áp lực ngày càng lớn trong việc bảo vệ trẻ em khỏi nội dung có hại. Giám đốc điều hành Meta, Mark Zuckerberg, đã phải công khai xin lỗi các bậc phụ huynh có con em bị bóc lột, bắt nạt hoặc tự làm hại bản thân thông qua mạng xã hội trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ vào năm 2024 về tác động tiêu cực của mạng xã hội đối với thanh thiếu niên. Ông cũng lưu ý rằng Meta vẫn tiếp tục đầu tư vào các nỗ lực "toàn ngành" nhằm bảo vệ trẻ em.
Trong bối cảnh này, việc Brazil cấm điện thoại trong trường học có thể trở thành một phần của xu hướng toàn cầu. Khi công nghệ ngày càng len lỏi vào mọi khía cạnh của cuộc sống, các chính phủ phải tìm cách cân bằng giữa việc tận dụng lợi ích của công nghệ và bảo vệ sự phát triển lành mạnh của thế hệ trẻ.
Linh Anh (Theo AP)