BRICS mở rộng năm 2025: Đi tìm cú hích ở Rio?

BRICS mở rộng năm 2025: Đi tìm cú hích ở Rio?
6 giờ trướcBài gốc
Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 17 sẽ diễn ra tại Brazil từ ngày 6-7/7. (Nguồn: TGT Global)
Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 17 của Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) sẽ được tổ chức tại Rio de Janeiro (Brazil) từ ngày 6-7/7, là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên kể từ khi khối mở rộng thành BRICS+. Với sự tham dự của năm thành viên mới gồm Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập, Ethiopia, Iran và Indonesia, cùng mười quốc gia đối tác là Belarus, Bolivia, Cuba, Kazakhstan, Malaysia, Nigeria, Thái Lan, Uganda, Uzbekistan và Việt Nam, sự kiện được xem là dấu mốc bản lề cho tương lai hợp tác của BRICS+.
Nắm thời cơ
Về thuận lợi, đầu tiên, tình hình thế giới và khu vực, từ xung đột, điểm nóng, chủ nghĩa bảo hộ và đơn phương, đặt ra hàng loạt thách thức lớn và toàn diện mà không quốc gia đơn lẻ nào có thể giải quyết. Trong đó, lệnh áp đặt thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào hầu hết các thành viên khối BRICS+, đòi hỏi các nước, bên cạnh đối sách song phương, cần mở rộng hợp tác đa phương để giảm thiểu tác động. BRICS+ là diễn đàn phù hợp để họ thúc đẩy tiến trình đó.
Ngoài ra, việc mở rộng số lượng thành viên cho thấy BRICS+ mang tính bao trùm hơn, với ưu tiên cao nhất là phát triển kinh tế bền vững. Hiện BRICS+ chiếm gần 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu và gần 50% dân số thế giới, với tốc độ tăng trưởng năm 2025 dự kiến đạt 3,4%, bỏ xa mức 2,8% toàn cầu, trong đó Ethiopia (6,6%), Ấn Độ (6,2%) và Indonesia (4,7%) dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng.
Đáng chú ý, sự phát triển mạnh mẽ này tương phản với Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7), hiện chỉ chiếm 29% GDP toàn cầu, thấp nhất trong 30 năm qua. Thay đổi này phản ánh điều chỉnh căn bản trong nền kinh tế thế giới, với cán cân nghiêng về những thị trường mới nổi và các nước đang phát triển.
Ngoài ra, BRICS đã đạt nhiều bước tiến trong xây dựng hệ thống thanh toán, nổi bật là hệ thống BRICS Pay trên nền tảng blockchain, cho phép giao dịch xuyên biên giới sử dụng đồng nội tệ và có thể góp phần thay thế hệ thống tài chính truyền thống, giảm sự phụ thuộc vào USD và hệ thống SWIFT, vốn thường được Mỹ và phương Tây sử dụng để trừng phạt kinh tế với một số quốc gia, trong đó có một số nước BRICS+.
Năm 2024, Nga đề xuất Sáng kiến thanh toán xuyên biên giới BRICS (BCBPI) và kế hoạch cho BRICS Clear, một sàn giao dịch độc lập, góp phần thúc đẩy BRICS Pay và dòng giao dịch thương mại trị giá hàng nghìn tỷ USD trong khối mà vẫn bảo đảm chủ quyền của từng thành viên. Trên cơ sở đó, đây tiếp tục là xu hướng lớn trong quỹ đạo phát triển của BRICS+ thời gian tới.
Vượt rào cản
Tuy nhiên, Hội nghị thượng đỉnh BRICS đối mặt không ít rào cản lớn.
Thứ nhất, đó là sự vắng mặt hai nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Nga và Trung Quốc. Ngày 24/6, theo tờ South China Morning Post (Hong Kong, Trung Quốc), Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ không dự hội nghị lần này. Một ngày sau, Trợ lý Tổng thống Nga Yuri Ushakov xác nhận ông Vladimir Putin sẽ không có mặt tại Rio de Janeiro do yêu cầu bắt giữ từ Tòa án hình sự quốc tế (ICC). Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường sẽ thay mặt hai nhà lãnh đạo này dự các sự kiện tại Brazil.
Đây là lần đầu tiên ông Tập Cận Bình vắng mặt tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS kể từ khi khối này được thành lập vào năm 2009, dù Trung Quốc hiện đóng góp tới 70% GDP của toàn khối. Năm 2023, ông Putin không dự sự kiện này ở Nam Phi vì ICC. Vắng lãnh đạo của hai quốc gia mang vai trò dẫn dắt tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS sẽ làm giảm sức nặng của diễn đàn với thành viên nói riêng và quốc tế nói chung.
Thứ hai, việc mở rộng số lượng thành viên quá nhanh có thể làm giảm vị thế của nhóm BRICS với tư cách tập hợp các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới. Đó là chưa kể đến bất đồng nội bộ trong BRICS+, nổi bật là Trung Quốc và Ấn Độ. Ngoài ra, khác biệt về thể chế chính trị, trình độ phát triển kinh tế sẽ là rào cản không hề nhỏ với BRICS+ trong tìm kiếm một tiếng nói chung. Cuộc họp Ngoại trưởng hồi tháng Tư không ra được Tuyên bố chung là minh chứng rõ nét cho thực trạng này.
Thứ ba, với một số quốc gia thành viên, tham gia BRICS+ sẽ góp phần làm đa dạng hóa liên kết kinh tế đa phương, song không phải là tập hợp duy nhất. Ấn Độ, UAE, Ai Cập, Indonesia duy trì quan hệ thương mại chặt chẽ với các nước phương Tây, trong đó New Delhi đóng vai trò cầu nối then chốt tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và góp mặt trong hàng loạt sáng kiến an ninh do Mỹ và phương Tây khởi xướng.
Tương tự, Trung Quốc, Nam Phi, Brazil và Nga, bất chấp căng thẳng trong quan hệ với Mỹ và phương Tây, vẫn duy trì liên kết chặt chẽ về chính trị và kinh tế. Sự liên kết này khiến các quốc gia thận trọng hơn khi đưa ra cam kết tại BRICS, tránh gây tổn hại cho lợi ích của mình trong mối quan hệ với phương Tây.
Nghị trình tham vọng
Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ của nước chủ nhà sẽ không hề đơn giản. Với chủ đề “Tăng cường hợp tác Nam toàn cầu hướng tới quản trị toàn diện và bền vững hơn”, Brazil đã vạch ra chương trình nghị sự với sáu ưu tiên chính gồm: Hợp tác y tế toàn cầu nhằm bảo đảm tiếp cận công bằng với thuốc men và vaccine; thương mại, đầu tư và tài chính hướng tới cải cách thị trường tài chính, sử dụng đồng nội tệ và phát triển các nền tảng thanh toán thay thế; biến đổi khí hậu - thông qua Chương trình nghị sự lãnh đạo về khí hậu, bao gồm Tuyên bố khung về tài chính khí hậu; tăng cường quản trị trí tuệ nhân tạo (AI) toàn diện và có trách nhiệm đối với các công nghệ AI; củng cố kiến trúc hòa bình và an ninh đa phương và tăng cường cơ cấu và sự gắn kết của BRICS trong quá trình xây dựng và quyết định.
Hội nghị những ngày tới có thể là cú hích cần thiết để khối này tiếp tục nỗ lực chuyển hóa tuyên bố tham vọng thành kết quả thực chất, mang lại lợi ích cho các thành viên và khu vực Nam toàn cầu.
MINH VƯƠNG
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/brics-mo-rong-nam-2025-di-tim-cu-hich-o-rio-319798.html