Quyết định kết nạp Indonesia đã được BRICS thông qua ở cuộc gặp cấp cao thường niên năm ngoái tổ chức ở Nga. Từ 5 thành viên ban đầu là Nga, Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi, nhóm có thêm 5 thành viên mới là Ai Cập, Ethiopia, Iran, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Indonesia cùng với 8 đối tác là Belarus, Bolivia, Kazakhstan, Thái Lan, Malaysia, Cuba, Uganda và Uzbekistan.
Việc ngày càng có thêm nhiều quốc gia trên thế giới mong muốn được tham gia hay trở thành đối tác là bằng chứng về sự phát triển đầy ấn tượng của BRICS, về sức hấp dẫn và triển vọng tương lai của nhóm, về ảnh hưởng và vai trò của BRICS trong thế giới hiện đại ngày nay. Đối với BRICS hiện tại, có thêm thành viên đồng nghĩa với việc sẽ gia tăng được thế và lực. Tăng lượng để từ đó tăng chất là cách tiếp cận và định hướng thức thời, hợp lý nhất đối với BRICS trong quá trình phát triển, vươn lên trở thành tập hợp lực lượng mới về chính trị, kinh tế và thương mại. Từ đó, đủ sức mạnh và vị thế để tham gia cuộc chơi chính trị thế giới với những tổ chức và khuôn khổ diễn đàn khác như nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).
Ở lần mở rộng nhóm BRICS trước đó, các thành viên mới đã giúp BRICS vươn tới khu vực Bắc Phi, Trung Đông và vùng Vịnh. Với Indonesia bây giờ, BRICS có được thành viên chính thức đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á và có thêm một tiền đồn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nhìn từ góc độ địa lý, BRICS bây giờ đưa lại hình ảnh về một tổ chức hợp tác và liên kết toàn cầu.
Thời cuộc thế giới hiện tại làm cho việc BRICS mở rộng nhóm năm ngoái và năm nay có được ý nghĩa càng thêm nổi bật và quan trọng về chính trị thế giới. Sự phân tuyến giữa các nhóm đối tác lớn khiến cho nhóm G20 hoạt động không được hiệu quả; vai trò và ảnh hưởng của nhóm G7 tiếp tục sa sút. Cuộc ganh đua giữa khối các nước phương Tây với khối các quốc gia trong tập hợp có tên gọi là Khối Phương Nam toàn cầu trở nên ngày càng thêm sắc nét và quyết liệt. Trong bối cảnh và diễn biến tình hình như thế, BRICS nổi lên thành khuôn khổ diễn đàn được ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới tìm đến để bảo vệ cũng như thực hiện lợi ích của chính mình và tham gia vào việc giải quyết những vấn đề chung đặt ra lâu nay cho cả thế giới. BRICS có thể trở thành một đối trọng sáng giá đối với các nước trong xử lý các mối quan hệ đối ngoại của họ.
Nga và Trung Quốc là hai thành viên chủ chốt của BRICS. Cả hai từ khá lâu nay đều bị khối các quốc gia phương Tây đối địch và cạnh tranh chiến lược quyết liệt. Vì thế, BRICS càng thêm đặc biệt quan trọng đối với Nga và Trung Quốc. BRICS thêm đông và mạnh thì khiến khối phương Tây càng thêm quan ngại sâu sắc. Đối với khối phương Tây, không chỉ có trong khuôn khổ các diễn đàn như nhóm G7 hay G20 bị BRICS thách thức và ganh đua ảnh hưởng mà BRICS còn trở thành một điểm tựa cho Trung Quốc và Nga trong cuộc cạnh tranh chiến lược với khối phương Tây.
Indonesia là sự bổ sung rất quan trọng đối với BRICS trong ứng phó những biện pháp chính sách của Tổng thống Mỹ sắp nhậm chức Donald Trump nhằm cản trở bước tiến của BRICS về phi đô la hóa. Đối với BRICS, thêm đông nên thêm mạnh cũng thể hiện ở điểm này.
Đại sứ Trần Đức Mậu