BS. Todd Pollack là Phó Giáo sư Y khoa tại Trường Y Harvard, bác sĩ chuyên khoa bệnh truyền nhiễm và là Trưởng đại diện của tổ chức BIDMC/Đại học Y Harvard tại Việt Nam. Ông đã dẫn dắt các dự án hợp tác với Bộ Y tế Việt Nam trong gần 15 năm qua, tập trung vào việc cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc chất lượng và công bằng cho người sống chung với HIV và viêm gan virus.
Nhân Tháng Hành động Quốc gia Phòng, chống AIDS, phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống đã có buổi phỏng vấn BS. Todd Pollack, xung quanh vấn đề tiếp cận thuốc tiêm PrEP kéo dài, điều trị viêm gan B, C và làm thế nào để ‘Sống hạnh phúc với HIV’?…
BS. Todd Pollack là Phó Giáo sư Y khoa tại Trường Y Harvard, bác sĩ chuyên khoa bệnh truyền nhiễm và là Trưởng đại diện của tổ chức BIDMC/Đại học Y Harvard tại Việt Nam.
Cung cấp thêm nhiều lựa chọn phòng ngừa HIV
Phóng viên (PV): Hiện có một số khuyến cáo mới về việc sử dụng thuốc ARV dạng tiêm điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV. Ông từng có thời gian làm việc tại Việt Nam và tham gia vào nghiên cứu về đánh giá tính khả thi của sử dụng ARV dạng tiêm cho PrEP, vậy xin ông cho ý kiến về các điểm mạnh của việc sử dụng thuốc ARV dạng tiêm cho PrEP?
BS. Todd Pollack: Các thuốc dạng tiêm tác dụng kéo dài để dự phòng HIV (hay PrEP) được xem là một trong những tiến bộ gần đây nhất, trong việc điều trị HIV trên toàn cầu.
Trong những năm gần đây, người ta đã bắt đầu thực hiện rất nhiều nghiên cứu xoay quanh các phương án về dự phòng trước phơi nhiễm hay các loại thuốc PrEP bao gồm cả liều uống và liều tiêm. Cả hai phương án này đều giúp cho những người chưa nhiễm HIV có thể dự phòng một cách hiệu quả về lây truyền HIV.
Đối với dạng thuốc liều tiêm, một người có thể tiêm 1 tháng, 2 tháng hoặc 6 tháng /lần, tùy theo sản phẩm. Đối với những người không thích sử dụng liều uống hàng ngày, họ có thể chuyển sang dạng tiêm.
Một trong những điểm mạnh của thuốc liều tiêm tác dụng kéo dài dự phòng lây nhiễm HIV hay PrEP, là có rất ít tác dụng phụ. Một số tác dụng phụ nhỏ, ví dụ, đau tại vị trí tiêm hoặc một số người có phản ứng tại vị trí tiêm như sưng nhẹ…
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng điều quan trọng ở đây là chúng ta cung cấp được nhiều phương án khác nhau dành cho những người có nhu cầu dự phòng trước phơi nhiễm HIV. Sau cùng, việc đưa ra lựa chọn hay quyết định sẽ tùy thuộc vào từng người sử dụng.
Ở Việt Nam, hiện tại mặc dù chưa có sản phẩm về liều tiêm tác dụng kéo dài này và sẽ mất một thời gian nữa để Việt Nam hoàn thành được các thủ tục về đăng ký, để có được loại thuốc này và được trao thuốc đến tay người dùng.
Trên toàn cầu hiện tại đã có những cam kết hỗ trợ nhất định để có thể cung cấp các thuốc liều tiêm tác dụng kéo dài đến nhiều cộng đồng cần đến dịch vụ này.
Một trong những điểm mạnh của thuốc liều tiêm tác dụng kéo dài dự phòng lây nhiễm HIV hay PrEP, là có rất ít tác dụng phụ.
Tính khả thi loại trừ viêm gan B, C
PV: Viêm gan B, viêm gan C là hai trong số các bệnh đồng nhiễm thường gặp ở người nhiễm HIV, do có chung đường lây truyền. Hiện Tổ chức Y tế Thế giới có khuyến cáo về việc triển khai các can thiệp, hướng đến loại trừ viêm gan B, C. Vậy quan điểm của ông như thế nào về tính khả thi của việc loại trừ viêm gan B, C ở người nhiễm HIV, người tiêm chích ma túy hoặc các quần thể đích khác tại Việt Nam. Theo ông, để Việt Nam thực hiện được việc loại trừ này trong các quần thể trên, những chính sách và can thiệp nào cần thực hiện?
BS. Todd Pollack: Bệnh viêm gan C hiện tại là một bệnh chúng ta có thể chữa được và những điều trị liên quan đến viêm gan C, ở Việt Nam đang làm rất hiệu quả. Mỗi người bệnh viêm gan C chỉ cần điều trị từ 8-12 tuần, tùy theo tình trạng của họ, có thể chữa khỏi và hiệu quả về điều trị lên đến 90%.
Chúng tôi đã hỗ trợ cho Cục Phòng, chống HIV/AIDS để phân tích một dữ liệu trên 16.000 cá nhân đã được tuyển từ các phòng khám HIV và phòng khám methadone, trong việc tiếp cận điều trị viêm gan C, có hơn 96% những người được điều trị, đã được điều trị khỏi.
Điều quan trọng, 90% những người điều trị khỏi được thực hiện tại tuyến huyện. Điều này có nghĩa là, viêm gan C hiện tại có thể được điều trị một cách an toàn và hiệu quả từ tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu hay tuyến y tế ở cơ sở trong hệ thống y tế Việt Nam.
Ngoài ra, có hai điều quan trọng nữa liên quan đến việc giúp cho Việt Nam có thể đạt được mục tiêu trong việc loại trừ viêm gan B, C, đó là:
- Đầu tiên, đó là những can thiệp mà chúng ta đưa ra, có thể cần phải được cải thiện thêm. Cụ thể là tăng cường về xét nghiệm và sàng lọc cũng như điều trị. Hiện tại tuyến cơ sở có thể làm được.
- Điều quan trọng thứ hai là những chi phí về điều trị cho viêm gan B, C nên được đưa vào bảo hiểm y tế.
Việt Nam đã đạt được những bước tiến vô cùng tích cực và thành công khi mà cả hai điều trị này hiện tại đã được đưa vào bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại vẫn còn rất nhiều hoạt động khác nữa mà chúng ta phải làm trong tương lai, ví dụ như giảm tỷ lệ về chi trả bằng tiền túi từ người bệnh…
Người bệnh HIV có thể đạt được sống hạnh phúc với HIV
PV: Hiện nay có khái niệm ‘Sống hạnh phúc với HIV’, với kinh nghiệm là người đã đã từng làm việc ở Việt Nam, ông có đánh giá và khuyến nghị như thế nào về triển khi các can thiệp cụ thể trong quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh lây truyền qua đường tình dục ở người nhiễm HIV, để người bệnh HIV có thể đạt được sống hạnh phúc với HIV?
BS. Todd Pollack: Hiện tại chúng ta đã có được những phác đồ điều trị HIV cực kỳ hiệu quả tại Việt Nam, mà có thể giúp cho cộng đồng người có HIV đạt được ức chế virus dưới ngưỡng phát hiện và giữ cho họ sống một đời sống khỏe mạnh. Điều này có nghĩa là những người có HIV hiện tại có thể sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn cũng giống như những người khác trong cộng đồng không có HIV.
Thực tế đối với nhiều người có HIV tại Việt Nam, tình trạng HIV của họ không còn là vấn đề sức khỏe quá nghiêm trọng đối với họ nữa. Nhiều cá nhân, bên cạnh tình trạng HIV, họ còn có những bệnh đồng nhiễm như các bệnh không lây nhiễm (cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch) hoặc các tình tạng đồng nhiễm với viêm gan B, C hay các bệnh lây truyền qua đường tình dục…
Do đó, việc sàng lọc đối với các vấn đề này cũng nên được tích hợp vào trong chăm sóc HIV, trong các chương trình HIV, để những người có HIV, có thể tiếp cận được những chăm sóc toàn diện, được thiết kế riêng, đáp ứng được toàn bộ những nhu cầu về chăm sóc của họ.
Bên cạnh đó, vẫn có một điều thật là chưa may mắn, đó là nhiều người có HIV vẫn đang đối mặt với tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử trong cộng đồng, nơi mà họ đang sống, cũng như trong hệ thống y tế khi họ tiếp cận dịch vụ. Do đó, cần nhiều nỗ lực tiếp tục hơn nữa, để chúng ta giảm về tình trạng kỳ thị phân biệt đối xử, nhằm đảm bảo rằng những người có HIV có thể thực sự sống một cuộc đời khỏe mạnh và hạnh phúc.
Thu Hương