Người mẹ huyền thoại này là Sarah Emas, một nhà nghiên cứu xuất sắc tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị quận Hồng Khẩu và là một trong những tác giả có sách bán chạy nhất ở Trung Quốc.
Sarah Emas là một người mẹ vô cùng thành công khi có thể một mình nuôi dạy 3 người con trở thành những người tài năng xuất chúng, hơn nữa một trong 3 người con còn trở thành tỷ phú.
Mọi người có thắc mắc, người mẹ huyền thoại này đã nuôi dạy con cái như thế nào không? Trên thực tế, Sarah Emas không phải là một người mẹ hoàn hảo ngay từ ban đầu, bà cũng đã mắc rất nhiều sai lầm trong việc giáo dục con cái giống như các bậc phụ huynh khác.
Nhưng bà đã dũng cảm thay đổi, thay đổi hoàn cảnh đồng thời thay đổi cả lối tư duy của mình. Chính vì vậy bà mới có được thành công như ngày hôm nay.
Sarah Emas và các con lúc còn bé.
Bữa cơm chiều và lời nhắc nhở "định mệnh"
Sau 3 cuộc hôn nhân thất bại, Sarah một mình đưa 3 đứa con từ Trung Quốc sang Israel sinh sống. Là một "phụ huynh kiểu Trung Quốc" điển hình, Sarah nghĩ rằng ngay cả khi bản thân có mệt mỏi đến đâu, cô cũng không bao giờ nỡ để cho con cái giúp đỡ.
Kỳ vọng duy nhất của Sarah đối với 3 đứa trẻ là: Mẹ có mệt mỏi đến đâu cũng không sao, miễn là các con có thể học tập chăm chỉ.
Một ngày nọ, 3 đứa trẻ, như thường lệ, vây quanh bếp chờ Sarah nấu ăn. Bỗng nhiên, một cụ bà hàng xóm đến và nói: "Các con đều đã lớn, nên học cách giúp mẹ làm việc, thay vì cứ ngồi ì không di chuyển, cứ há miệng chờ sung như vậy chứ!".
Sau đó, bà lão còn mắng cả Sarah: "Cô chẳng phải là bà mẹ có tiếng nói gì cả".
Điều này đã tác động đến Sarah. Quả thật trong các gia đình Israel, cha mẹ cần phải phát triển khả năng làm việc nhà của con cái để đứa trẻ lớn lên cũng có thể tự chăm sóc bản thân. Nó cũng là cách giáo dục, rèn luyện khả năng độc lập và tự chủ của trẻ.
Vì vậy, Sarah quyết định học hỏi từ các gia đình Israel khác, cô tập hợp ba đứa con và làm một lịch trình hàng ngày. Biểu mẫu quy định đứa trẻ trong khoảng thời gian nào sẽ giặt ủi, nấu ăn và dọn dẹp phòng.
Sau khi thực hiện lịch trình trực ban này, Sarah cảm thấy sự thay đổi rõ rệt. Những đứa trẻ trở nên độc lập và có khả năng giải quyết vấn đề tốt hơn.
Bà mẹ này sau đó mở một cửa hàng chả giò, cô quyết định kéo các con vào việc kinh doanh.
Sarah nói: "Đây không phải là làm việc trả tiền, giúp gia đình làm việc nhà là nghĩa vụ của các con. Con giúp mẹ bán nem, lao động như vậy tạo ra giá trị thực sự".
Không ngờ biểu hiện của ba đứa trẻ khiến bà mẹ rất bất ngờ. Cậu con trai thứ hai trực tiếp đem chả giò bán buôn cho nhà hàng trường học.
Lợi hại nhất là con trai lớn, tổ chức một bài giảng "Đưa bạn đến Trung Quốc" ở trường, có thể đến để nếm chả giò Trung Quốc miễn phí, chỉ phải trả tiền vé.
Sarah nói rằng thật khó để tin những đứa trẻ có thể trở nên tuyệt vời như vậy. Từ những đứa nhỏ suốt ngày bám dính lấy mẹ đợi phục vụ, giờ các con có thể trở thành một ông chủ nhỏ sắc sảo.
Dưới sự giáo dục của mẹ, những đứa trẻ đảm nhận công việc nhà trong khả năng của mình nhưng cũng đủ để trải nghiệm sự khó khăn của cha mẹ, biết trân trọng và biết ơn, có trách nhiệm hơn, cũng tìm thấy hướng đi trong cuộc sống trong tương lai.
Hai con trai của Sarah sau đó vừa kinh doanh vừa hoàn thành chương trình học trung cấp và cao đẳng, sau đó vô cùng thành công trong ngành công nghiệp kim cương. Cô con gái út cũng trở thành một nhà ngoại giao xuất sắc.
Làm việc nhà mang lại nhiều lợi ích cho trẻ. Ảnh minh họa
Trẻ nên bắt đầu làm việc nhà từ tuổi nào?
Bắt trẻ em làm việc nhà là điều khó khăn trong hầu hết các nền văn hóa. Cha mẹ thường phải nhắc nhở, thúc giục. Một số phụ huynh cho rằng khi đứa trẻ không muốn làm hoặc làm không đến nơi đến chốn, họ tự làm sẽ nhanh, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên các nghiên cứu nhấn mạnh việc nhà là bước đệm và công cụ học tập, giúp trẻ tự tin, xây dựng khả năng phục hồi và trở nên độc lập khi lớn hơn. Nó cũng khuyến khích trách nhiệm, tinh thần làm việc nhóm và kỷ luật công việc rất cần thiết trong cuộc sống sau này.
"Bằng cách bắt trẻ làm việc nhà, trẻ sẽ sớm nhận ra mình phải làm công việc của cuộc sống để trở thành một phần của cuộc sống", Julie Lythcott-Haims, Đại học Stanford, tác giả cuốn How to Raise an Adult, nói.
Bắt đầu làm việc nhà mang lại nhiều lợi ích cho trẻ. Nghiên cứu của phó giáo sư về giáo dục gia đình Marty Rossmann, Đại học Minnesota, Mỹ, cho thấy "yếu tố dự đoán tốt nhất về thành công của thanh niên ở độ tuổi giữa 20 là đã tham gia vào các công việc gia đình khi 3 hoặc 4 tuổi. Nếu tận 15 tuổi trở lên mới tập làm việc nhà thì dự đoán này không còn tác dụng".
"Có vẻ như trẻ em sẽ học được trách nhiệm từ việc nhà nếu chúng bắt đầu khi còn nhỏ", Marty Rossmann nói.
Khi con thành thạo việc rửa bát hoặc thu dọn đồ giặt, con có thể tự mình thực hiện công việc ngày càng nhiều. Những công việc tưởng như không đáng kể như dọn bàn hay gấp đồ giặt, trên thực tế là những khối xây dựng nhỏ bé giúp hình thành tính độc lập.
Một nghiên cứu kéo dài 75 năm của Harvard cũng kết luận rằng trẻ em làm việc nhà sẽ thành công hơn khi trưởng thành. Họ thành công vì có được nguyên tắc làm việc bằng cách làm việc nhà.
Công việc nhà không nên là tùy ý hoặc có thể thương lượng, bất kể bạn sống ở đâu, vì lý do gì. Bỏ qua các lý do trì hoãn như: "Con sẽ làm việc đó sau", "Không công bằng", "Con có quá nhiều bài tập về nhà"...
Chắc chắn, khi con bạn 5 tuổi gấp khăn hoặc lau quầy bếp, kết quả có thể không gọn gàng như mong đợi. Tuy nhiên, khi bạn làm việc nhà cho trẻ em, dù chúng ở độ tuổi nào, là đang cướp đi cảm giác thấy mình có ích và có thể tự hoàn thành nhiệm vụ của trẻ.
Hãy chấp nhận rằng cách trẻ làm việc nhà sẽ không hoàn hảo, nhưng chúng sẽ trở nên tốt hơn. Với mỗi thành tích, hãy ghi nhận sự tham gia và đóng góp của con vào cuộc sống gia đình. Bằng cách để con tự làm những việc nhỏ của chúng hiện tại, bạn đang giúp con tự gánh vác những việc lớn trong tương lai.
Tường Vy (t/h)