Âm ấm từ đầu đằng kia, tiếng người có tuổi: Ông nhận ra tiếng tôi không?
Ông nghĩ nhanh: Có uốn lưỡi, rõ ràng, chậm rãi:
- Tôi nhận ra tiếng quê mình nhưng thú thực là ai thì chưa nhận ra!
Tiếng cười vọng đến! Ngờ ngợ nhận ra rồi, từ tiếng cười hóm hỉnh: Văn phải không? Phải Văn không?
- Giỏi! Giỏi quá! Vẫn nhận ra tôi! Mà đâu chỉ là giỏi! Là khỏe chứ, ít nhất là khỏe cái đầu, cái óc! Rồi là tôi vẫn nằm trong bộ nhớ của ông!
Đến đây thì có khoảng lặng, như nằng nặng, ngàn ngạt tiếng thở.
Minh họa.: TQ.
- Gần 60 năm rồi có gặp nhau đâu nhưng quên nhau thế nào được! Ông kể tôi nghe về ông nào! Mà sao ông lần ra số máy của tôi?
Giọng ông Văn trầm trầm:
- Tôi về quê, ra nhà em ông, xin chúng "tình hình" và số máy. Thay đổi quá! Cái thằng cho tôi số điện thoại, thuở anh em mình rời quê nó mới vài ba tuổi, giờ đã có mấy cháu nội rồi!
- Ừ! "Lão già, tôi cũng già rồi"! Chạng vạng chiều hôm rồi, gặp nhau đi!
Yên lặng vài giây, rồi tiếng ông Văn hỏi: Mai ông có nhà không?
Ông vội vàng:
- Có! Có! Có!
Ông Văn từ tốn:
- Tôi đang ở Hà Nội. Ông nhắn địa chỉ nhà ông, sáng mai tôi lên!
Bất ngờ chưa? Biết tính lão này từ bé rồi, đã nói là chắc nịch, đã hứa là thực hiện.
- Tuyệt vời! Tôi sẽ đón ông. Ở lâu lâu nhé! Tôi sẽ đưa ông thăm thú mấy nơi, tha hồ mà dịch văn bia nhé!
Tiếng cười khùng khục của ông Văn:
- Vẫn nhớ cái tật "ngọng hay nói của tôi à” ? Vốn chữ Hán của tôi ít lắm, tự học và học lỏm thôi, thua xa ông khi ông được học cổ văn ở đại học. Tôi từ Thanh Hóa ra Hà Nội sáng nay. Mai, tôi đến chơi với ông buổi sáng rồi quá trưa về ngoài ấy luôn. Liệu hai lão già cùng làng, cùng học từ tấm bé, xa nhau một hội 60 năm rồi, liệu có nhận ra nhau không mà đón với rước?
Ông cũng cười theo:
- Nhận ra chứ! Nhất định là nhận ra nhau.
Chờ chồng nhắn tin địa chỉ nhà mình cho bạn xong, bà nhìn ông, ánh mắt rất vui:
- Mai anh Văn lên nhà mình ạ?
Ông gật đầu:
- Bà nghe rồi nhỉ? Ừ, bà nhớ anh Văn chứ?
- Nhớ chứ ạ! Là nhớ anh ấy qua lời kể của ông. Mà bạn nào của ông, ông cũng nhớ tỉ mỉ. Ông kể về họ vừa thường xuyên, vừa sinh động nên nhắc đến tên họ là em nhận ra họ.
- Có lấy lòng chồng không đấy? Nào, bà thử " trích ngang lý lịch" anh Văn một đoạn!
- Anh Văn, người xóm trong, có cảnh "cha già, con cọc", năm bố anh gần sáu mươi tục huyền với mẹ anh ấy. Mươi năm sau, cụ mất, để lại cho anh cái nghèo, cái đói, mấy quyển sách chữ nho, mấy chữ tây bồi cùng sự vẻ vang có người con cả con vợ trước là liệt sĩ chống Pháp và hai anh em anh. Lam lũ là thế mà mẹ anh ấy vẫn nuôi được hai anh em học xong đại học. Anh Văn là kỹ sư địa chất, còn em anh ấy là kỹ sư nông nghiệp...
- Ừ! Phục bà thật! Nhớ chính xác lắm, cứ như người trong cuộc. Thật ra thì tôi không thân anh Văn như anh Chu, anh Tiến, anh Quốc. Cùng làng, cùng học, cùng nể trọng nhau mà chơi với nhau. Thuở học trò, cùng túng thiếu như nhau nhưng anh ấy tự ty, cứ cho là mình không bằng chúng bạn. Lại cũng vì hay tò mò hỏi người biết mấy chữ nho, từ Hán Việt, thận trọng cả nói năng, ăn mặc, sinh hoạt nên anh ấy bị bọn anh gọi là "ông đồ non". Lúc học cùng nhau anh Văn không trong nhóm đi bộ 10 cây số hàng ngày tới trường cấp 3, nói gì đến hò hát, bóng banh với nhau. Lúc học chuyên nghiệp và cả khi ra trường, có gia đình thì tôi trên này, anh Văn lại tít tận Lai Châu. Về quê toàn lệch pha, chỉ hỏi thăm nhau qua bầu bạn. Bây giờ đi đoạn cuối con đường rồi, may mắn thay lại đến với nhau.
- Ông cố giữ anh ấy ở chơi mấy ngày!
- Chắc không được đâu. Cũng như mình thôi, dù nghỉ hưu rồi nhưng đã buông việc đâu, lại còn ngại ngủ nơi lạ.
- Để em báo các con, mai cùng nhau về ăn cơm với bác, đứa nào thu xếp được thì đưa hai ông đi chơi mấy chỗ. Ông tính thời gian cho thật hợp lý nhé. Mai ăn cơm ở nhà hay ra nhà hàng ạ?
- Cơm nhà đi! Mua sắm, nấu nướng gì tôi không phải dặn, chỉ nhờ bà có thêm cho tôi đĩa gan.
- Đĩa gan?
- Ừ đĩa gan lợn! Tất nhiên là gan lợn sạch, tươi.
- Sao tiếp khách 60 năm mới gặp lại ăn món ấy? Ngay ông cũng ít ăn. Liệu anh Văn, như ông nói, tính cẩn thận có sợ gan độc mà kiêng không?
- Bà cứ mua cho tôi. Cái khoản gan có lợi, có hại thế nào nếu ăn, tôi đã tìm hiểu.
Sáng hôm sau, khoảng hơn 8 giờ, ông Văn đến. Đôi bạn ôm choàng lấy nhau ngay khi ông Văn bước từ xe buýt xuống khiến những người chứng kiến ai cũng ngạc nhiên. Cả hai đều nhè nhẹ đấm lưng nhau.
- Sao vẫn trẻ thế này? Cơ thể rắn như thanh niên ấy.
- Còn ông, có "đảo ngói" không mà tóc vẫn mượt xanh? Mà lạ là trên mặt hầu như không dính chân chim.
- Tớ cứ nghĩ trèo đèo, lội suối tìm quặng làm cậu "chân cứng đá mềm" nhưng sạm đen, ai ngờ nhỏ nhắn, trắng trẻo thư sinh hơn xưa.
- Còn tớ, cứ tưởng tượng nhà văn phải đeo cặp kính dày cộm, ai ngờ đôi mắt sáng lúc nào cũng như cười vẫn y nguyên.
Nhìn đôi bạn già sóng bước bên nhau, dáng vóc và bước đi vững vàng mà nhanh nhẹn, chả ai đoán nổi tuổi họ. Sau khi cùng con đưa bạn đi thăm di tích lịch sử quốc gia, ra ngắm con sông hai dòng trong đục, ông đưa bạn trở lại nhà mình. Mâm cơm được bày ra với sự ríu ran niềm vui của gia chủ với khách.
Con gái lớn ông niềm nở:
- Thưa bác! Gần 60 năm bác và bố cháu mới ăn với nhau bữa cơm. Chúng cháu lại vướng bận không cùng mẹ cháu nấu nướng, xin bố mẹ đón bác ra nhà hàng cho tiện nhưng bố cháu không cho. Bữa cơm gia đình tề tựu, chúng cháu mời bác, con mời bố mẹ ạ.
Vừa bước vào cửa phòng ăn, ông Văn đã xuýt xoa:
- Bà và các cháu vất vả quá! Sao bảo cơm thường mà như yến tiệc thế này?
Ông cười vui:
- Yến với tiệc gì đâu ông. Toàn món dân dã. Không biết có hợp với ông không?
Bấy giờ ông Văn mới ý tứ đưa mắt nhìn nhanh bàn ăn rồi đăm đăm nhìn ông Ngọc, tiếng ngàn ngạt:
- Ông bà chu đáo thế, chắc là ông đây, kiếm được đĩa gan lợn ngon thế này? Ông làm tôi nhớ...
Con, cháu ông Ngọc, cả vợ ông nữa lo lắng nhìn hai ông. Ông Ngọc tay run run, giọng cũng run run:
- Đúng đấy ông! Tôi chẳng bao giờ ngó ngàng tới việc làm cơm khách. Bà nhà tôi quen rồi. Nhưng hôm nay tôi phá lệ. Tôi dặn nhà tôi mua bằng được gan lợn. Chọn gan và luộc gan thì ông yên tâm đi, chất lượng, sạch sẽ, an toàn. Nói thế chứ nếu ông kiêng không ăn, cũng đừng ăn vì tôi.
Rồi chủ nhà nhìn khách:
- Có hai món nội tạng lợn không phải lúc nào tôi cũng ăn nhưng cứ ăn là muốn khóc. Đó là dạ dày và gan. Ăn dạ dày là nhớ thầy u tôi, ăn gan lợn là nhớ ông.
Quên hết cả việc mời ông Văn nâng chén, cầm đũa, cả nhà nhìn ông Ngọc đợi ông kể.
- Hồi học lớp 4, tôi bị ốm. Thầy u tôi thương tôi hỏi tôi thèm gì, u đi chợ mua cho ăn. Tôi lý nhí: "Con thèm ăn dạ dày lợn luộc ạ!". Thầy u tôi nhìn nhau, rồi thì thào nói gì với nhau. Trưa ấy, để chú em tôi chạy đi chơi hàng xóm, bớt lại cho nó phần nhỏ, còn gần nửa cái dạ dày, thầy u cho tôi chấm nước mắm ăn vã. Lần đầu tiên trên đời được ăn dạ dày luộc nhiều và ngon đến thế! Nó bùi, nó ngậy, nó sần sật, giai giai, giòn giòn. Chắc là vì ăn dạ dày nên tôi khỏi ốm nhanh, khỏe nhanh, lại đi học được. Sau tôi mới biết, thầy u tôi phải vay tiền đi mua dạ dày, phải bỏ chai nước mắm chú rể cho cất kỹ mươi hôm nữa nhà có việc mới dùng, rót cho tôi chấm ăn.
Ông Ngọc đưa chén chạm với chén ông Văn:
- Mời ông! Tôi cao hứng thành vô duyên... Vừa đưa cay ta vừa nói cổ tích ông nhé!
Ông Văn khẽ chạm môi vào chén rượu rồi tiếp lời:
- Cái thời chúng mình bé, gan lợn, dạ dày lợn luôn là sự thèm thuồng. Được ăn một miếng nho nhỏ, mỏng tang là ngậm lâu lâu trong miệng.
Thấy hai ông trò chuyện, cu Tôm háo hức, nài nỉ ông nội nó:
- Ông ơi! Còn chuyện miếng gan sao làm ông khóc ạ?
Ông Ngọc nhìn bạn rồi nhìn cả nhà:
- Ừ! Gan lợn nhưng không phải lá gan, miếng gan mà là bã gan.
Mắt ông Văn chớp chớp. Ông Ngọc thong thả:
- Tôi nhớ những lọ bột bã gan ông cho tôi. Nhớ lần đầu tiên ông cho. Ấy là lần hiếm hoi anh em mình ăn trưa cùng nhau. Chiều lao động nên sáng đem cơm nắm, trưa ăn. Nhìn nắm cơm của ông tôi chực khóc: Nắm cơm tôi bé tí nhưng còn toàn cơm, nắm của ông lác đác mấy hạt cơm dính vào khoai lang. Tôi chủ động bảo hai đứa ăn chung, kệ ông ngại, ông phải nghe. Đến khi mở thức ăn, sự ngạc nhiên lại ở ông. Đồ chấm, thức ăn của tôi là gói muối rang hành, không mỡ! Ông làm tôi ngạc nhiên khi mở nắp lọ, đổ ra giấy. "Gan đấy! Gan lợn đấy! Cậu ăn thử đi. Ngon phết!". Chả ý tứ, tôi nhúm trên tay, vỗ vào mồm. "Tớ chả thấy mùi vị gì cả! Rời rạc! Khô khốc ! Khó nuốt quá". "Có đấy! Có chất đấy! Gan lợn thật đấy".
Ông cười khùng khục rồi nghiêm túc: "Cậu đừng nói với ai. Vì nó là thứ không phổ biến. Tớ có tay trong nên có nó. Nó là gan lợn nhưng là bột gan sau khi gan đã được ép kiệt để làm thuốc bổ gan, thuốc nước Philatôp". Tôi gật đầu: "À tớ biết cậu có người nhà làm ở dược. Bột thì bột, ép hết chất thế nào được, còn hơn là muối trắng... chay! Hì, kiểu như là xác cua, xác cáy sau khi chắt hết nước được giã nấu canh. Vắt kiệt cùng". Chúng tôi chấm cơm, chấm khoai ăn sạch lọ bột gan. Tự nhiên lại thấy là lạ, ngon ngon. Ông thì thào: "Nếu cậu ăn được, không chê thì thỉnh thoảng tớ giúi cho. Giữ kín cho tớ nhé". Và cứ thế, tôi được ăn "gan lợn" của ông.
Ông Văn trầm ngâm:
- Ông thật nhớ! Nhưng tôi hỏi thật, ông có biết vì sao hồi ấy cùng làng nhưng tôi ít đi bộ đến trường cùng các ông, ít tham gia sinh hoạt thanh niên làng như các ông không?
Ông Ngọc cười khẽ:
- Chắc ông tự ty hoàn cảnh. Mà bọn tôi còn bảo ông là ông đồ...
Ông Văn cười hiền:
- Cũng có phần đúng nhưng chưa hoàn toàn. Hồi ấy tôi vừa học vừa làm thuê đấy!
- Làm thuê?
- Ừ! Các ông chỉ có ít ngày gánh gạch mộc thuê cho Xí nghiệp gạch ngói Quang Trung chứ tôi làm thuê gần như cả năm! Mà các ông làm nông dân, tôi công nhân.
- Bố này lắm bí mật!
- Tôi làm ngoài giờ hành chính, đêm là phần nhiều, ở công ty dược phẩm. Đấy! Cái bột canh là sản phẩm, đúng ra là phế phẩm, gì gì phẩm mà tôi với tư cách công nhân được phân phối. Làm Philatôp từ gan có nhiều công đoạn. Tôi chỉ được làm khâu vệ sinh gan, nghĩa là rửa gan khi mới nhận về. Thèm vô cùng, nhìn thấy, cầm trên tay hàng tạ, hàng tấn gan tươi mà không được ăn miếng gan luộc, gan xào nào. Ăn bã gan đã qua sơ chế kỹ, dù được phân cũng phải kín đáo, giữ gìn. Công ty cấm nói ra ngoài, cấm đem về! Kể cả cái việc tôi được làm thuê ở đấy cũng bị cấm tiết lộ.
Bà Lại giọng xót xa:
- Hồi ấy, nhà em đã vất vả, anh còn gian truân hơn! Mà anh còn phá rào lén chia lộc cho nhà em!
Ông Văn thành thực:
- Cảm ơn chị! Túng thì phải tính! Làm thuê để tự nuôi thân, để đóng học, để mua sách vở, để giúp mẹ nuôi em. Không thế, tôi bỏ học mất chị ạ. Mà cái ông chồng chị, chuyện cỏn con mà nhớ thế? Nói thật là tôi quên rồi. Tôi chỉ nhớ tới nhờ những lá gan mà tôi qua được "Những ngày thơ ấu" khổ chả kém nhà văn Nguyên Hồng, rồi được đi đó, đi đây.
Lũ trẻ nhao nhao, đứa bé nhất trầm trồ:
- Chuyện của các ông như chuyện cổ tích ạ.
Đứa lớn đã học xong Đại học Báo chí, Tuyên truyền thán phục:
- Ôn cố nhi tri tân. Các ông mãi mãi là những tấm gương để chúng con soi và học ạ.
Ông Ngọc cầm chén đứng dậy:
- Nào hai lão già có định mở lớp giáo huấn đâu, chỉ là lâu mới gặp nhau nhắc lại chuyện xưa. Người già hay thích chuyện xưa, vô tình bắt người trẻ cùng nghe. Hoãn sự sung sướng lâu quá. Nào, mời ông Văn, mời bà và con cháu.
Cả nhà cùng đứng lên, người cầm chén rượu, cốc bia, người cốc nước lọc. Tiếng chén cốc chạm, tiếng chúc tụng rộn niềm vui.
Đĩa gan lợn là món hết sớm nhất. Ai cũng thưởng thức. Hai ông già gắp những miếng đầu tiên. Bé gái học lớp 5, vốn kén ăn cũng giơ bát xin bà gắp cho một miếng.
Truyện ngắn của Phạm Ngọc Lanh