Chương trình giao lưu nghệ thuật có sự tham gia của nhiều nhóm nhảy thanh niên.
Mở đầu cho chuỗi các hoạt động văn hóa là chương trình nghệ thuật Khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2025 với chủ đề “Âm vang nguồn cội”, Chương trình có sự tham gia của hơn 300 nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên thuộc các vũ đoàn, đoàn nghệ thuật tỉnh Phú Thọ, Nhà hát múa rối Việt Nam, Trường Đại học Hùng Vương, CLB Võ thuật Bình Định, CLB Sao nhỏ. Trong đó có sự góp mặt của ca sĩ Hà Myo, Lương Huy, Mộc An, Nhóm nhạc M&M... Các tiết mục trong đêm khai mạc mang đậm nét văn hóa dân tộc, tôn vinh cội nguồn và quê hương Đất Tổ.
Với những tiết mục được dàn dựng công phu, mang đậm bản sắc văn hóa vùng đất cội nguồn dân tộc, chương trình góp phần quảng bá, tôn vinh các giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương, các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại gắn với quảng bá, phát triển du lịch. Đây cũng là dịp để giới thiệu di sản văn hóa, cảnh sắc thiên nhiên, con người trên quê hương đất Tổ Vua Hùng. Chị Phạm Thị Lý, phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì chia sẻ: “Năm nào tôi cùng gia đình cũng chờ đợi đêm khai hội để đón xem chương trình nghệ thuật. Chương trình luôn được đầu tư công phu, hoành tráng. Ngoài những tiết mục biểu diễn mang đậm nét văn hóa truyền thống, chương trình còn có những tiết mục mang hơi thở cuộc sống hiện đại, phóng khoáng được khán giả đón nhận nồng nhiệt”.
Tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, bước vào không gian của Hội trại văn hóa, du khách sẽ được đắm mình trong tiếng chiêng, tiếng đâm đuống, tiếng hát của các “diễn viên không chuyên” tại các trại văn hóa. Mỗi tiết mục là một nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường, Dao, Mông... đều do các CLB, các đội văn nghệ không chuyên đến từ các địa phương trong tỉnh, góp thêm những màu sắc cho chương trình Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa- Du lịch Đất Tổ năm nay.
Biểu diễn văn nghệ tại các trại văn hóa, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.
Đang chuẩn bị cho tiết mục biểu diễn tại trại văn hóa thành phố Việt Trì, cô Trần Thị Phương- CLB hát Xoan phường Vân Phú chia sẻ: “Chúng tôi cũng rất vui và phấn khởi khi được tham gia biểu diễn tại Đền Hùng vào đúng dịp Giỗ Tổ Hùng Vương. Để chuẩn bị cho chương trình, chúng tôi đã tổ chức tập luyện trước đó hàng tháng. Vì là diễn viên không chuyên nên cũng có đôi chút hồi hộp. Tuy nhiên sau mỗi tiết mục nhận được tràng pháo tay cổ vũ của khán giả, tinh thần cảm thấy phấn chấn, tự tin hơn. Hy vọng với chút đóng góp nhỏ bé của chúng tôi sẽ góp phần tạo nên không khí vui tươi, chào đón du khách thập phương khi về Giỗ Tổ”.
Đến với Hội trại văn hóa, du khách sẽ được thưởng thức không gian văn hóa đa sắc màu của nhiều tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc không chỉ của tỉnh Phú Thọ mà còn của nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Ngoài các chương trình biểu diễn văn nghệ của các trại văn hóa, Ban tổ chức đã dành riêng một sân khấu giao lưu văn nghệ cho các CLB văn nghệ với những tiết mục dân ca và một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận như: Hát Xoan, Chầu văn, Hát Then, Quan họ, Trống quân, Chèo...
Chị Đặng Thị Sen ở Tuyên Quang chia sẻ: “Đoàn chúng tôi có hơn 30 người, sau khi dâng lễ cho các vua Hùng, cả đoàn tiếp tục tham quan, ngắm cảnh và tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Ngoài chương trình giao lưu văn nghệ quần chúng được tổ chức ở sân khấu khi đến tham quan Hội trại văn hóa không chỉ được tìm hiểu về con người, mảnh đất vùng Đất Tổ chúng tôi còn được thưởng thức các hoạt động văn nghệ rất đặc sắc như múa sạp, đâm đuống, các trò chơi dân gian....”.
Cùng với các hoạt động văn hóa văn nghệ được tổ chức tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, khi về với thành phố Việt Trì, hàng đêm tại sân khấu Công viên Văn Lang chương trình âm nhạc “Việt Trì live music” được tổ chức mỗi đêm, chương trình giao lưu giữa các nhóm nhảy, giao lưu văn nghệ quần chúng cũng đã thu hút đông đảo khán giả. Bên cạnh những “bữa tiệc” âm nhạc truyền thống, chương trình “Việt Trì live music” đã mang đến không gian âm nhạc trẻ trung và hiện đại. Những bài hát, những giai điệu thể hiện tình yêu, câu chuyện về thành phố thân yêu, về dòng sông Lô huyền thoại, về những mùa lễ hội rực rỡ sắc màu và về những con người Việt Trì hiền hòa, hiếu khách. Những đêm nhạc đã đem đến cho khán giả những cung bậc cảm xúc tuyệt vời, từ tự hào, xúc động đến rộn ràng, hân hoan. Mỗi bài hát là một mảnh ghép tạo nên bức tranh tuyệt đẹp về thành phố lễ hội – nơi cội nguồn dân tộc Việt.
Hà An