Thực tế, gỏi cuốn là món ăn truyền thống của người Việt với cấu trúc gồm bánh tráng để cuốn, thịt, rau củ và không thể thiếu là chén nước chấm. Còn cá hồi bắt nguồn từ ẩm thực quốc tế với các món kiểu Âu, dần dần được người Việt biến tấu thịt cá hồi làm ruốc, thịt xào hay cuốn gỏi như hôm nay.
Đầu bếp chia sẻ, trên thị trường hiện có hai dòng thịt cá hồi là cá nhập khẩu và cá nuôi trong nước. Do có sự khác biệt về môi trường sống, cách nuôi nên chất lượng thịt cũng khác biệt. Cụ thể, cá nuôi trong nước có màu sắc nhạt với vân mỡ trắng đục; cá nhập khẩu (thường là từ Na Uy, đánh bắt tự nhiên) có sắc màu tươi tắn, xen kẽ vân mỡ trắng tươi. Nếu có điều kiện, đầu bếp khuyên dùng cá hồi nhập khẩu và nên chọn mua ở những cửa hàng thực phẩm uy tín.
Như kể trên, cấu trúc một phần gỏi cuốn nói chung hay gỏi cuốn cá hồi nói riêng gồm có thịt cá, rau sống các loại, bún tươi, nước chấm và bánh tráng. Trong đó, phần rau củ ăn kèm là đa dạng nhất với các lựa chọn như xà lách, tía tô, rau thơm, quế, ngò gai; thêm ít xoài non cắt lát để tạo độ chua, bớt ngấy.
Nước chấm cũng là một yếu tố quan trọng của món ăn hôm nay, gợi ý như nước mắm chua ngọt, mắm nêm, tương bần. Có quán phục vụ chỉ một loại nước chấm hay có quán đa dạng và dọn lên cho thực khách nhiều loại tùy chọn.
Cách thưởng thức gỏi cuốn cá hồi cũng có hai kiểu: thành cuốn gỏi hoặc ăn riêng. Cụ thể, cuốn gỏi truyền thống là trải bánh tráng ra, cho lần lượt rau, bún, cá vào và cuốn chặt tay. Còn lại, một số thực khách thưởng thức riêng từng thành phần như kiểu món bún trộn hay bún xào.
Theo monanngon, blogamthuc, shopeefood
Gia Hân