Giảm gánh nặng tài chính
HĐND TP Hà Nội vừa thông qua nghị quyết về việc hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh tiểu học, bắt đầu triển khai từ năm học 2025-2026.
Đối tượng áp dụng là học sinh tiểu học đang theo học tại các cơ sở giáo dục (không bao gồm các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài) trên địa bàn thành phố, tự nguyện tham gia sử dụng dịch vụ bán trú tại cơ sở giáo dục; các cơ sở giáo dục.
Phụ huynh kiểm tra quy trình nhập thực phẩm tại bếp ăn bán trú. Ảnh: Lan Anh.
Mức hỗ trợ với học sinh tiểu học thuộc nhóm 1, đang theo học tại 23 cơ sở giáo dục tại các xã miền núi và các xã thuộc bãi giữa sông Hồng trước thời điểm sắp xếp đơn vị hành chính là 30.000 đồng/học sinh/ngày (hỗ trợ bữa ăn chính).
Nhóm 2, học sinh tiểu học đang theo học tại các cơ sở giáo dục còn lại, mức hỗ trợ là 20.000 đồng/học sinh/ngày (hỗ trợ bữa ăn chính).
Thời gian hỗ trợ trong năm học 2025-2026, theo số ngày ăn thực tế, không quá 9 tháng.
Theo tính toán của thành phố, dự kiến kinh phí hỗ trợ bữa ăn bán trú cho 100% học sinh tiểu học trong năm học 2025-2026 là hơn 3.000 tỷ đồng với tổng số học sinh tiểu học được hỗ trợ khoảng 768.000 em.
Chủ trương trên nhận được sự đồng tình cao của phụ huynh. Chị Lưu Thảo Anh, phụ huynh có con học lớp 2 Trường Tiểu học Nam Thành Công cho rằng: “Khi con được miễn phí bữa trưa, gia đình tôi sẽ tiết kiệm được hơn 1 triệu/tháng, góp phần giảm gánh nặng tài chính cho các gia đình”.
Từ bữa trưa tới sự yên tâm của phụ huynh
Đây là một tin vui, nhưng cũng đặt ra những băn khoăn về việc đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú, việc đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm bữa ăn học đường. Chị Nguyễn Hoài Phương (phường Tây Hồ) chia sẻ: “Dù được miễn phí bữa trưa nhưng tôi cũng như nhiều phụ huynh khác đều hy vọng các đơn vị được lựa chọn sẽ được giám sát chặt chẽ, đảm bảo chất lượng bữa ăn cho các con”.
Hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội có một số đơn vị cung cấp suất ăn trong trường học được nhiều nhà trường tin tưởng, lựa chọn, trong đó có Công ty TNHH Hương Việt Sinh. Để có những suất ăn an toàn và đảm bảo dinh dưỡng, công ty xây dựng chuỗi cung cấp thực phẩm đảm bảo an toàn, có kiểm soát, theo quy trình khép kín “từ trang trại đến bàn ăn”.
Trung tâm sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VIETGAP của Hương Việt Sinh. Ảnh: Lan Anh.
Nguồn thực phẩm sử dụng chế biến suất ăn được công ty chủ động kiểm soát chặt chẽ toàn bộ quy trình từ trồng trọt, chăn nuôi đến sản phẩm cuối cùng. Công ty đã liên kết đầu tư chuỗi trang trại gà lấy trứng tại Bắc Ninh, chăn nuôi lợn thịt, lò giết mổ lợn tại Bắc Giang... Đặc biệt, đối với nguồn thực phẩm đậu phụ, giá đỗ, bún, bánh phở và các sản phẩm chế biến từ thịt, cá như xúc xích, giò chả, chả cá… đã được TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao và 4 sao.
Chị Phương Anh, phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám (phường Bạch Mai, Hà Nội) cho hay, ở năm học trước, công ty trên là đơn vị cung cấp bữa ăn trưa cho học sinh nhà trường. Quy trình chọn lựa công khai, minh bạch, được sự đồng thuận của phụ huynh. Quy trình chế biến món ăn được kiểm soát nghiêm ngặt với các tiêu chí an toàn, nguồn thực phẩm đều có giấy chứng nhận. Chính vì vậy, chị Phương Anh cùng các phụ huynh cảm thấy yên tâm với suất ăn của con.
Bà Vũ Lan Sinh – Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cho biết: "Để đảm bảo an toàn thực phẩm, công ty đã và đang thực hiện các biện pháp đồng bộ như chủ động sản xuất được phần lớn các loại rau cũng như nguồn thực phẩm để sản xuất, chế biến suất ăn đảm bảo an toàn theo mô hình khép kín và có đội ngũ kỹ sư nông nghiệp giám sát gieo trồng đúng theo quy trình. Không chỉ muốn cung cấp thực phẩm, chúng tôi còn mong mỗi bữa ăn là nền tảng cho sự phát triển toàn diện của học sinh".
Nguyễn Hoài