Sủi cảo có kết cấu gồm vỏ và nhân. Lớp vỏ thường làm từ bột mì, nhân gồm thịt tôm mọng nước và thịt heo băm, thêm ít rau củ để bổ sung chất xơ. Nếu nhìn thoáng qua, thực khách dễ nhầm tưởng sủi cảo là món hoành thánh, nhưng thực tế chúng có cách tạo hình khác nhau.
Cụ thể, hoành thánh có tạo hình như những túi tròn, phần đầu được “gói chặt” khéo léo. Còn sủi cảo có tạo hình dẹt như thỏi tiền xưa. Nhân hoành thánh thường chỉ có thịt heo băm, trong khi sủi cảo đa dạng hơn khi có thêm tôm, rau củ như đã đề cập.
Ngày nay, sủi cảo có nhiều loại nhân mới lạ như chả cá, ốc, hải sản… nhưng phiên bản truyền thống nhất vẫn là sủi cảo nhân tôm thịt. Điểm nhấn của sủi cảo không chỉ nằm ở khâu chọn nguyên liệu mà còn ở cách chế biến đặc biệt. Thông thường, sủi cảo có hai cách làm chín là luộc (hấp) hoặc chiên giòn. Phiên bản chiên giòn được giới thiệu hôm nay thu hút thực khách bởi độ giòn rụm của lớp vỏ, trong khi phần nhân bên trong mềm.
Về món ăn kèm, sủi cảo chiên giòn có thể được xem là món ăn chơi khi dùng kèm với xà lách, cà chua cùng nước chấm chua ngọt, tương ớt hoặc sốt tương đặc trưng của người Hoa. Còn trong cách ăn no, thực khách thường gọi thêm một đến hai vắt mì trứng trụng. Theo đó, nước dùng có thể để riêng trong chén hoặc chan trực tiếp vào mì trứng, tùy theo từng quán.
Không chỉ ngon miệng, sủi cảo chiên giòn còn hứa hẹn mang đến sự may mắn cho mọi người trong buổi trưa đi làm sau kỳ nghỉ Tết.
Theo amthuctrunghoa, monngonmoingay, cookytv
Gia Hân