Chương trình Cine7 - Ký ức phim Việt phát sóng lại bộ phim Đường thư. Bộ phim từng gây xúc động mạnh khi ra mắt vào năm 2005, không chỉ bởi câu chuyện chiến tranh dữ dội mà còn là chất liệu kịch bản giàu cảm xúc. Bộ phim được nhà thơ Đoàn Tuấn viết từ chính ký ức thật về đồng đội mình - những người ngã xuống nơi chiến trường ác liệt.
Hai nhân vật chính Tân và An trong phim không phải hư cấu. Đó là tên thật của hai người lính đã cùng nhà thơ chiến đấu. Trong kịch bản gốc, họ hy sinh nhưng trên phim, đạo diễn và biên kịch quyết định giữ 2 nhân vật này sống đến ngày hòa bình - như hồi ức đẹp, khát vọng không nguôi.
Poster phim "Đường thư" với hình ảnh của hai nhân vật Tân - Nghệ sĩ Ưu tú Quốc Tuấn và An - MC Tuấn Tú
Không chỉ vậy, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng còn đem cả bức thư cuối cùng của người anh trai liệt sĩ vào phim. Hình ảnh người mẹ mòn mỏi đợi con trong phim cũng chính là hình ảnh người mẹ của anh - khiến cảm xúc càng thêm chân thực, khắc khoải.
Đường thư chọn một lát cắt nhỏ trong chiến tranh – hành trình chuyển bức thư hỏa tốc của hai chiến sĩ quân bưu tới cao điểm 861 đang bị địch bao vây. Thế nhưng chính trên “đường thư” ấy, tất cả khốc liệt của chiến tranh, tất cả mất mát, hy sinh, tình đồng đội, tình người... đều hiện rõ.
Câu chuyện đơn sơ, không triết lý, không cần bi tráng hóa. Có lẽ chính vì vậy mà từ lúc mới cầm kịch bản, Nghệ sĩ Ưu tú Quốc Tuấn và nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát không giấu được những giọt nước mắt.
Bức thư từ người anh trai liệt sĩ được Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng sử dụng trong phim “Đường thư”.
Đằng sau những cảnh chiến đấu ác liệt nghẹt thở, Đường thư còn là nơi cất giữ vô vàn kỷ niệm hài hước, xúc động của ê-kíp trẻ năm ấy. MC Tuấn Tú – khi ấy chỉ là sinh viên năm nhất, chưa từng đóng phim – được đạo diễn “chấm” ngay từ cái nhìn đầu tiên khi anh phóng xe máy ngang qua sân trường.
Ngay khoảnh khắc thấy Tuấn Tú, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đã khẳng định “Đây chính là Hoàng An”. Và chính người đạo diễn “hiền nhất, nhẹ nhàng nhất mà Tuấn Tú từng làm việc cùng” đã giúp anh tỏa sáng cùng vai diễn trong Đường thư.
Một trong những cảnh quay khiến Tuấn Tú nhớ mãi là phân đoạn nhân vật An bị viên đá lớn từ trên cao rơi suýt trúng mặt. Anh sợ đến tái mặt vì tưởng thật. Mãi 20 năm sau, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng mới “bật mí” đó thật ra chỉ là... ổ bánh mì được phun sơn cho giống đá. Cũng nhờ “mánh” đó mà phản ứng hoảng sợ của nam diễn viên lại trở nên chân thật đến bất ngờ trên màn ảnh.
Diễn viên Tuấn Tú và đạo diễn Bùi Tuấn Dũng xem lại những thức phim kỷ niệm.
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng làm phim khi mới ngoài 30, dàn diễn viên phần lớn là những gương mặt mới, người lần đầu đóng phim, người lần đầu đứng trước máy quay. Ấy vậy mà chính sự non trẻ ấy lại đem đến cho Đường thư một năng lượng đặc biệt: sự hồn nhiên, trong trẻo và tinh thần cống hiến.
Họ không chỉ làm một bộ phim, họ đang kể lại một ký ức. Bằng cách kể chuyện mộc mạc, giản dị nhưng đầy rung cảm, họ đã khiến khán giả suốt hai thập kỷ qua vẫn nhớ mãi hình ảnh những người lính đưa thư trong mưa bom, bão đạn.
“Mỗi khi nhớ về những người bạn đã khuất, tôi lại thấy lòng dịu lại vì đã kể được câu chuyện của họ…”, nhà thơ Đoàn Tuấn nói. Và có lẽ, Đường thư chính là cách những người làm phim viết tiếp những lá thư chưa kịp gửi trong chiến tranh – bằng điện ảnh, bằng ký ức, bằng tình yêu với những người lính đã ngã xuống.
Lê Chi